Những loài thú đã tuyệt chủng trên Trái Đất như: loài khủng long bạo chúa khổng lồ, loài chim dodo hay như loài ngựa vằn một nửa… chứa đựng rất nhiều điều kỳ lạ.
Khủng long bạo chúa hoàng đế (tuyệt chủng cách đây 65 triệu năm)
Loài khủng long bạo chúa có kích thước khổng lồ.
Loài khủng long bạo chúa là một trong những loài động vật ăn thịt trên đất liền lớn nhất mọi thời đại. Chúng có chiều dài thân tới 13m và cao 5m, còn trọng lượng lên tới 7 tấn.
Giống như các loài ăn thịt khác, khủng long bạo chúa đi bằng hai chân, với cái đầu rất nặng để cân bằng với cái đuôi nặng và dài. Trái ngược với hai chi sau lớn và đầy sức mạnh, hai chi trước của chúng nhỏ và chỉ có hai đốt.
Hóa thạch loài khủng long bạo chúa được tìm thấy ở khu vực núi đá Bắc Mỹ, có niên đại trong kỷ Phấn trắng thế tiền Hậu Creta, cách đây khoảng 68 tới 65 triệu năm.
Chúng là một trong những loài khủng long sống sót cuối cùng sau sự kiện tuyệt chủng hàng loạt của loài này. Có hơn 30 loài khủng long bạo chúa hoàng đế được xác định. Với số lượng các hóa thạch lớn của loài, các nhà khoa học có thể tìm ra nhiều dấu hiệu về sinh học của chúng, bao gồm đời sống, thói quen.
Ngựa vằn Quagga: nửa ngựa vằn, nửa ngựa thường (tuyệt chủng năm 1883)
Loài ngựa vằn quagga đặc biệt: nửa thân trên giống ngựa vằn, nửa dưới giống ngựa thường
Là một trong những loài thú đã tuyệt chủng nổi tiếng nhất của châu Phi, Quagga là một phân loài phụ của loài ngựa vằn đồng bằng, từng sinh sống thành những đàn lớn tại tỉnh Cape và bang Orange Free, Nam Phi.
Chúng khác biệt với những loài ngựa vằn khác bởi phần lưng sau bình thường màu nâu, không có dấu vằn, phần giữa có màu tối nhạt. Tên của chúng bắt nguồn từ chữ tượng thanh của người Khoikhoi, thể hiện tiếng kêu của loài này.
Loài ngựa vằn quagga mới chỉ được phân loại thành một loài độc lập từ chi ngựa vằn thông thường năm 1788. Bị săn bắn lấy thịt, lột da và buôn bán, chúng bị tuyệt chủng, với con quagga hoang dã cuối cùng được thấy vào những năm 1870.
Thú có túi ở Tasmanian: Hổ Tasmanian (tuyệt chủng năm 1936)
Loài hổ Tasmania có vằn sọc sau lưng.
Chúng là loài thú có túi ăn thịt lớn nhất trong thế giới hiện đại. Là loài thú bản địa của Australia và New Guinea, loài thú có túi này bị tuyệt chủng vào thế kỷ 20. Chúng thường được gọi là hổ tasmanian vì phần lưng có sọc nâu.
Loài thú có túi này đã bị tuyệt chủng trên đất Úc hàng nghìn năm trước khi người châu Âu đổ bộ lên đây, nhưng trên đảo Tasmanian vẫn còn một loài đặc hữu, đó là quỷ Tasmanian.
Săn bắn quá mức cũng như sự xâm chiếm của con người, cộng thêm loài chó mới xuất hiện chính là nguyên nhân gây ra sự tuyệt chủng của loài hổ Tasmanian.
Bò biển Steller (tuyệt chủng năm 1768)
Bò biển Steller có lớp da dày và đen như một cây sồi già.
Loài bò biển này được nhà tự nhiên học Georg Steller phát hiện trong chuyến đi thám hiểm vùng biển Bering.
Chúng có chiều dài khoảng 7,9m, nặng khoảng 3 tấn, lớn hơn rất nhiều so với lợn biển. Chúng giống như một con hải cẩu cỡ lớn, với 2 vây chèo và đuôi giống như cá voi.
Ông Steller thuật lại: “Loài vật này không bao giờ đến gần bờ biển, luôn sống trong nước. Da của chúng màu đen và rất dày, trông như vỏ một cây sồi cổ. Đầu của chúng khá nhỏ so với thân, không có răng mà chỉ có hai cái xương trắng phẳng ở trên và dưới. Chúng hoàn toàn vô hại”.
Những hóa thạch của chúng chỉ ra rằng, loài bò biển này thường sống dọc theo bờ biển Bắc Băng Dương, tới phía Nam của Nhật Bản và California.
Sự tuyệt chủng của loài này gây ra bởi sự gia tăng dân số khu vực quanh đấy, chúng bị săn bắt quá dễ dàng vì không có một sự phòng thủ nào.
Ngày nay, vẫn có những báo cáo không rõ ràng về việc quan sát thấy một loài vật gần giống như loài bò biển này ở khu vực Bering và Đảo Greenland. Có thể một nhóm nhỏ loài này vẫn tồn tại đến ngày nay.
Loài hươu Ireland (tuyệt chủng 7.700 năm trước)
Loài hươu khổng lồ có bộ gạc dài tới gần 4m và nặng khoảng 40kg.
Loài hươu Ireland khổng lồ này là loài hươu lớn nhất từng sống trên trái đất. Chúng sống rải rác từ Ireland tới phía đông hồ Baikal, trong thế cuối kỷ Pleistocene và đầu kỷ Holocene.
Bằng phương pháp phân tích cac bon, các nhà khoa học xác định dấu vết cuối cùng của loài hươu này là khoảng 5.700 đến 7.700 năm trước công nguyên.
Loài hươu này cao tới 2,1 m, với bộ gạc khổng lồ nhất: dài khoảng 3,65 m hai đầu, nặng tới 40 kg.
Sự tuyệt chủng của loài hươu khổng lồ này vẫn tập trung vào bộ gạc khổng lồng của chúng. Nó khiến các con đực bị hạn chế trong việc di chuyển qua những khu rừng, kém so với loài nai sừng tấm ở đây. Giả thuyết khác là do sự săn bắn quá mức loài này.
Loài hổ Caspian
Loài hổ Caspian có phần lông ở má như một bộ râu.
Loài hổ Caspian hay còn gọi là hổ Ba Tư, là một loài phụ của hổ, thường sống ở khu vực Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Mông Cổ, Kazaghtanm, Caucasus, Tajikistan, Turmenistan và Uzbekistan, cho đến khi chúng bị tuyệt chủng vào những năm 1970.
Thân hình loài hổ Caspian chắc nịch và dài, cặp chân khỏe mạnh, những chiếc móng vuốt rất lớn. Đôi tai ngắn và nhỏ. Điều đặc biệt là ở phần má của chúng phủ lông dài như râu. Màu sắc của chúng giống như loài hổ Bengal. Con đực rất lớn, nặng khoàng 140 – 240 kg, con cái thì bé hơn, chỉ khoảng 85 – 135 kg.
Bò rừng châu Âu (tuyệt chủng năm 1627)
Bò rừng châu Âu.
Chúng là một trong những loài thú đã tuyệt chủng nổi tiếng nhất châu Âu. Có xuất xứ từ Ấn Độ, khoảng 2 triệu năm trước, loài này nhập cư vào Trung Đông và châu Á, cuối cùng đến châu Âu khoảng 250.000 năm trước.
Vào thế kỷ 13, loài bò rừng chỉ còn thấy ở Ba Lan, Lithuania, Moldavia, Transyvania. Chỉ có các quý tộc và hoàng gia được quyền săn bắn loài này.
Số lượng loài nhanh chóng sụt giảm, và con bò rừng cuối cùng chấm dứt cuộc sống năm 1627 ở Ba Lan. Đầu lâu của nó được quân đội Thụy Điển chiếm giữ và là tài sản của thành phố Stockholm.
Vào năm 1920, hai người coi sở thú người Đức, là anh em Heinz và Lutz Heck, thử nuôi cấy loài bò rừng này từ loài bò nội địa là hậu duệ của chúng. Kế hoạch của họ dựa trên khái niệm rằng, một loài không tuyệt chủng khi mà gien của chúng vẫn hiện diện ở loài hậu duệ.
Kết quả là một giống bò gọi là Heck (loài tái tạo của bò rừng châu Âu) ra đời. Tuy nhiên không giống hoàn toàn so với tổ tiên của chúng.
Chim anca khổng lồ (tuyệt chủng năm 1844)
Loài chim anca gần giống chim cánh cụt
Loài chim anca khổng lồ sống ở biển Atlantic, không bay được. Chúng có chiều cao khoảng 75 cm, nặng khoảng 5 kg, là loài chim anca lớn nhất trong họ của mình. Chúng có phần lưng đen và bụng trắng.
Các dấu tích cho thấy, chúng từng sống thành bầy rất lớn ở Canada, Greenland, Iceland, Nauy, Ireland, Vương quốc Anh.
Sự săn bắn cũng là nguyên nhân khiến loài này tuyệt chủng.
Sư tử hang (tuyệt chủng 2.000 năm trước)
Loài sư tử hang sống ở châu Âu.
Loài sư tử hang, hay còn gọi là sư tử hang châu Âu là một loài phụ của sư tử, tuyệt chủng cách đây khoảng 2.000 năm trước. Ngày nay, mọi người chỉ biết đến loài này qua những dấu tích hóa thạch và bức tranh tiền sử. Chúng được miêu tả với chiều cao khoảng 1,2 m, dài 2,1 m cả đuôi, gần giống như với loài sư tử hiện đại.
Chim Dodo
Chim dodo bị tuyệt chủng do chúng dễ săn bắt
Đây là loài chim không thể bay được, sống trên đảo Mauritius. Có họ hàng với loài bồ câu, chúng cao khoảng 1 m, sống và kiếm ăn ở tổ dưới mặt đất.
Loài chim này tuyệt chủng từ nửa cuối thế kỷ 17. Sự tuyệt chủng của loài chim này do sự săn bắt của loài người, còn hình thành những thành ngữ như: “Chết như dodo” nghĩa là cái chết rõ ràng, không có gì phải suy nghĩ, hay “đi theo đường của Dodo” nghĩa là đi vào con đường chết, trở thành dĩ vãng.
Theo Báo Đất Việt