1. Chôm chôm
Từ quê hương Malaysia, ngày nay chôm chôm đã trở thành trái cây quen thuộc và được trồng phổ biến ở nhiều nước châu Á khác như Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Philippines, Ấn Độ và Sri Lanka. Vỏ chôm chôm màu đỏ và có nhiều sợi tơ đen. Tên quốc tế của chôm chôm là Rambutan (dựa theo tên gốc Rambut ở Malaysia – nghĩa là sợi lông).
Thịt chôm chôm màu trắng, nhiều nước, giàu vitamin C và các chất khoáng cần thiết cho cơ thể như Kali, Canxi, Sắt… Ăn chôm chôm rất có lợi cho làn da và có thể giúp phòng tránh bệnh tim mạch, giảm đau, củng cố hệ miễn dịch.
2. Sầu riêng
Loại trái cây có mùi hương đặc biệt và lớp vỏ đầy gai này là đặc trưng của vùng Đông Nam Á. Dù là trái cây quen thuộc trong cuộc sống thường nhật, nhưng không phải người châu Á nào cũng “chịu đựng” được mùi sầu riêng. Trên thực tế, sầu riêng còn bị cấm trong nhiều nhà hàng, khách sạn vì có mùi rất nồng và khả năng bám mùi lâu dài. Tuy nhiên, ai đã ăn được sầu riêng thì rất dễ “nghiện” loại trái cây đặc biệt này.
Trồng cây sầu riêng đòi hỏi người nông dân phải có tính kiên nhẫn vì thường phải sau 15 năm tuổi, cây mới bắt đầu đơm hoa, kết trái. Thịt sầu riêng rất giàu vitamin C, B, E, các vi khoáng như Mangan, Sắt, Kali và protein nên rất tốt trong việc hỗ trợ điều trị chứng đau đầu, thiếu máu, hạ đường huyết và thoái hóa xương khớp.
3. Dưa gai
Dưa gai có nguồn gốc châu Phi nhưng hiện nay đã được trồng ở nhiều nước Nam Á, Mỹ và New Zealand. Dưa gai có tên gọi quốc tế là Dưa leo châu Phi (African Cucumber), ngoài ra còn có hai tên gọi phổ biến khác là dưa thạch (Jelly Melon) và Kiwano. Dưa gai có ruột màu xanh lá, nhiều hạt và nước, tương đối giống với dưa leo. Tên gọi dưa gai xuất phát từ lớp vỏ màu vàng cam với nhiều gai chĩa lên. Hương vị dưa gai thường được cho là sự kết hợp của dưa leo và bí xanh, hoặc là sự kết hợp của chuối, dưa leo và chanh.
Dưa gai là trái cây dễ ăn, lại rất giàu vitamin C, B, Kali, Sắt, Đồng, Magiê, Canxi và Phốt pho nên được ưa chuộng ở khắp nơi trên thế giới.
4. Ackee
Ackee có nguồn gốc Tây Phi nhưng được sản xuất và tiêu thụ chủ yếu ở vùng biển Caribe, đặc biệt là ở Haiti và Jamaica. Ngày nay, Ackee đã trở thành quốc quả của Jamaica.
Cây Ackee có họ với nhãn, vải ở Việt Nam. Cây lớn có thể cao tới 10 m và lá xanh quanh năm. Khi chín, lớp vỏ màu vàng cam của Ackee sẽ tự tách ra để lộ phần thịt trắng bao bọc lấy ba hạt màu đen bóng. Quả Ackee đôi khi được gọi là “bộ não thực vật” vì có phần thịt trắng nhăn nheo trông khá giống não người.
Mặc dù có hương vị được cho là hấp dẫn và hàm lượng dinh dưỡng phong phú, nhưng nếu ăn không đúng cách, chất độc mang tên Hypoglycin trong Ackee có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng.
5. Quả Phật thủ
Loại trái cây họ cam, quýt này có nguồn gốc ở miền Tây Nam Trung Quốc và Đông Bắc Ấn Độ. Quả có vỏ màu vàng chanh và mang hình thù như bàn tay Phật nên được gọi là Phật thủ.
Thịt quả Phật thủ xốp trắng, không hạt và không thể ăn tươi được. Quả có hình dáng đẹp, mùi thơm tinh khiết và có thể để lâu mà không héo nên thường được dùng làm vật cúng tế trong các dịp lễ tết ở nhiều nước châu Á. Ngoài ra, cũng như các quả cùng họ như cam, chanh , bưởi… vỏ quả Phật thủ thường được dùng làm mứt, chế biến món ăn, khử mùi hôi và làm dược liệu trong các bài thuốc Đông y.
6. Monstera Deliciosa
Có nguồn gốc từ Mexico và Trung Mỹ, Monstera Deliciosa có hình dạng giống bắp ngô và được dùng để trang trí nhiều hơn là để ăn. Quả lớn có thể dài đến 30 cm với lớp hạt màu xanh lá bao phủ toàn thân. Khi còn xanh, độc tính trong quả rất mạnh, có thể gây sưng ngứa, thậm chí chết người. Quả phải mất hơn một năm để chín. Khi quả chín, lớp hạt xanh sẽ tự tách ra, để lộ phần thịt trắng bên trong.
Mùi vị của quả được mô tả là sự lai tạp giữa dứa và chuối. Hạt quả chín có thể được cho vào các món kem hoặc nước trái cây để tăng hương vị.
7. Quả su su
Su su có nguồn gốc từ Trung Mỹ và ngày nay đã trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Quả thuộc họ bầu, bí… có lớp vỏ mỏng và thịt đều mang màu xanh lá cây nhạt. Mặc dù có vẻ ngoài tương đối sần sùi và méo mó, su su là một trong những thực phẩm tốt cho sức khỏe hàng đầu. Quả đã được chứng minh là có thể giúp phòng ngừa bệnh ung thư, loãng xương và tốt cho tim mạch, tuyến giáp, não bộ.
Su su hiếm khi được dùng để ăn liền mà thường được chế biến thành các món ăn kèm với cơm (ở châu Á) và làm mứt (ở Âu, Mỹ).
8. Mãng cầu Xiêm
Mãng cầu Xiêm có nguồn gốc Trung Mỹ nhưng hiện nay đã được trồng phổ biến ở các nước Đông Nam Á. Quả có hình bầu dục, với lớp vỏ màu xanh lá xù xì gai. Tùy theo điều kiện địa lý từng vùng, mãng cầu Xiêm có thể nặng tới từ 1, 2 kg đến 6kg. Thịt quả màu trắng, có mùi thơm dễ chịu và vị ngọt pha chua thanh. Quả có thể dùng để ăn liền hoặc làm sinh tố, kem, nước ép, bánh kẹo…
Một quả mãng cầu Xiêm có thể chứa lượng vitamin C nhiều hơn nhu cầu sử dụng một ngày của con người. Vì giàu các loại khoáng chất như phốt pho và canxi nên mãng cầu Xiêm còn có tác dụng phòng chống loãng xương. Những người có nhu cầu giảm béo nên “kết bạn” với mãng cầu Xiêm vì quả không chỉ dễ ăn mà còn có thể thúc đẩy hoạt động của hệ tiêu hóa và chứa rất ít năng lượng.
9. Salak
Nhắc đến Salak là nhắc đến quốc gia Indonesia. Salak thuộc họ cọ, mọc thành chùm, quả có hình dạng tương đối giống cau. Salak còn được gọi là quả da rắn vì có lớp vỏ sần sùi màu nâu đỏ, đóng vảy như da bò sát.
Khi đập vỡ lớp vỏ cứng, bạn sẽ thấy Salak có phần thịt trơn láng, màu trắng đục đẹp mắt. Phần thịt quả có mùi vị thơm ngọt và giòn, thường được dùng để ăn liền, làm mứt, bánh kẹo hoặc ăn với súp.
Salak giàu vitamin C và các vi khoáng, có thể giúp điều hòa đường huyết và giảm đau hiệu quả.
10. Thanh Long
Thanh Long cũng có nguồn gốc Trung, Nam Mỹ nhưng ngày nay đã trở thành trái cây phổ biến ở Đông Nam Á và được yêu thích ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Loại trái cây này có hình dáng bắt mắt với lớp vỏ hồng tươi và những “chiếc gai” bản rộng màu xanh lá phủ đều trên thân. Thanh Long thuộc họ xương rồng, thịt màu trắng có vị ngọt mát. Điểm đặc biệt nhất của Thanh Long là trong thịt quả có rất nhiều hạt nhỏ li ti như hạt vừng đen. Thanh Long thường được dùng để ăn liền hoặc cho vào các món trái cây trộn, làm salad trái cây.
Thanh long là trái cây giàu giá trị dinh dưỡng, ngoài các chất thường thấy trong trái cây như vitamin C, B, Sắt, Phốt pho, Canxi… Thanh Long còn chứa chất béo không bão hòa và Protein.
Nguồn: Theo Womansday.com
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.