10 mẹo để vừa được ăn ‘sang’ vừa tiết kiệm

Dưới đây là 12 lời khuyên hữu ích của Sở Nông nghiệp Mỹ để bạn có thể ăn uống lành mạnh, đủ dưỡng chất mà vẫn tiết kiệm:  

1. Đừng đến siêu thị khi đang đói

Theo USDA (tên viết tắt của Sở Nông nghiệp Mỹ) thì một trong những nguyên tắc hàng đầu bạn cần nhớ là đừng mua đồ ở siêu thị khi đang đói hoặc vội vã. Trong những tình huống đó, bạn sẽ dễ bị những thứ không thực sự cần thiết cám dỗ. Tốt nhất là trước khi tới siêu thị, bạn hãy lên một danh sách những thực phẩm cần mua để không bị bất kỳ yếu tố ngoại cảnh nào tác động. Khi thanh toán tiền mua hàng, hãy chọn quầy thanh toán không có kệ kẹo, bánh và nước ngọt kế bên để tránh bị chúng làm dao động.

2. So sánh giá đúng cách

Khi so sánh giá giữa các sản phẩm đồng loại nhưng khác hãng sản xuất, đừng để bị con số đánh lừa. Không phải lúc nào mác giá thấp nhất cũng có nghĩa là sản phẩm đó rẻ nhất. Cái bạn cần quan tâm là mức giá tính trên một đơn vị trọng lượng của từng món. Nhiều khi hộp sữa giá 100.000 đồng lại rẻ hơn hộp sữa giá 70.000 đồng, vì khối lượng tịnh của hộp sữa giá 70.000 đồng nhỏ hơn rất nhiều.

Trước khi đến siêu thị, hãy kiểm tra các chương trình khuyến mãi đang diễn ra và nhớ mang theo phiếu giảm giá (nếu có). Nếu “nhạy” với các chương trình khuyến mãi, bạn sẽ tiết kiệm được một khoản kha khá mỗi tháng.

Ngoài ra, đừng tự “đóng đinh” mình với một siêu thị duy nhất dù bạn có thích nó hơn hẳn các siêu thị khác. Bạn cứ dành cho siêu thị quen thuộc phần ưu tiên lớn hơn, nhưng cũng đừng quên kiểm tra chương trình khuyến mãi của các siêu thị khác. Mỗi siêu thị sẽ có các chương trình với thể lệ và thời gian tổ chức khác nhau, giúp bạn có đa dạng sự lựa chọn hơn.

Cuối cùng, đừng quên làm thẻ thành viên/khách hàng thân thiết vì đó là quyền lợi hiển nhiên của ban. Có những siêu thị sẽ giảm giá một vài mặt hàng nhất định cho riêng người có thẻ thành viên. Nếu không có chương trình khuyến mãi nào thì ít nhất, bạn vẫn có thể tích điểm vào thẻ thành viên sau mỗi lần mua sắm để đổi thành hiện kim trong trường hợp cần kíp. Ngoài ra, khi có thẻ khách hàng thân thiết, bạn còn được hưởng nhiều quyền lợi khác mà nếu chỉ là khách vãng lai thì sẽ không bao giờ có.

3. Bỏ qua tên thương hiệu

Chúng ta thường có xu hướng tìm kiếm sản phẩm của những thương hiệu lớn/nổi tiếng mà quên mất rằng mọi doanh nghiệp đều bắt đầu từ chỗ không được ai biết đến. Nếu bạn thấy một sản phẩm lạ nhưng lại liên tục có mặt trong gian hàng của siêu thị, hãy cho nó một cơ hội. Trên thực tế, những sản phẩm có bao bì giản dị, không quá cầu kỳ, bắt mắt của các thương hiệu nhỏ thường rẻ hơn sản phẩm cùng loại của thương hiệu lớn khá nhiều.

Hẳn bạn đã từng nghe cụm từ “đắt thương hiệu”. Đôi khi một món hàng đắt không phải vì có chất lượng vượt trội mà là vì giá thương hiệu đắt. Các doanh nghiệp nhỏ thường không đầu tư mạnh tay vào khâu quảng cáo, marketing, thiết kế bao bì nên sản phẩm của họ được ít người biết tới. Tuy vậy, đó cũng là lý do họ giữ được sản phẩm của mình ở mức giá bình dân.

4. Mua số lượng lớn

Theo USDA, mua hàng số lượng lớn trong mỗi lần mua sẽ giúp bạn tiết kiệm được đáng kể về lâu về dài. Tuy nhiên cách này không áp dụng được với mọi loại mặt hàng. Những loại thực phẩm có “tuổi thọ” thấp như cà chua, đậu phụ,.. thì không nên mua nhiều trong một lần. Bạn chỉ nên mua nhiều những món có thể để lâu (ít nhất là một tuần) như bắp cải, khoai tây, su hào, bí ngô, thịt, cá… hoặc các loại thực phẩm đóng gói mà được dùng thường xuyên như sữa bột, ngũ cốc, trà, cà phê, mì tôm,…

5. Mua thực phẩm theo mùa

Mỗi loại trái cây sẽ “nở rộ” trong một mùa riêng và đó luôn là thời điểm giá chúng rẻ nhất. Ví dụ, khoảng thời gian từ tháng 11 đến cận tết Âm lịch là lúc bạn có thể mua cam sành và quýt với giá rẻ bất ngờ.

Ngoài việc giúp bạn tiết kiệm ngân sách, mua trái cây đúng mùa vụ còn bảo vệ sức khỏe của bạn vì dư lượng chất bảo quản trong chúng thấp hơn trái cây trái vụ.

6. Thay đổi cách nhìn về đồ đóng hộp

Nếu các loại trái cây mà bạn muốn mua không có trong mùa này, hãy “kết bạn” với đồ hộp hoặc đồ đông lạnh. Mặc dù không thể sánh ngang với trái cây tươi về mặt chất lượng nhưng trái cây đông lạnh lại có “tuổi thọ” cao hơn. Hãy mua số lượng lớn trong mỗi lần siêu thị xả hàng/khuyến mãi các loại trái cây đông lạnh để tiết kiệm chi phí. 

Điều duy nhất bạn cần lưu ý là các sản phẩm đông lạnh thường chứa nhiều chất bảo quản, đường và muối. USDA khuyến cáo khách hàng nên lựa chọn sản phẩm dán nhãn “100% thành phần trái cây tự nhiên” hoặc nhãn “không thêm muối”.

7. Mua trái cây nguyên trái và thực phẩm thô

Mặc dù hộp trái cây cắt sẵn luôn có vẻ ngoài bắt mắt và tiện lợi hơn, nhưng nếu có thể lựa chọn thì bạn đừng mua sản phẩm này. Hãy dành tiền cho trái cây còn nguyên trái vì chúng không chỉ đảm bảo chất lượng hơn mà còn rẻ hơn nữa. Vì giá trái cây nguyên trái thường được tính trên đơn vị kg nên bạn sẽ có cảm tưởng chúng đắt hơn, trong khi thực tế thì ngược lại.

Ví dụ: bảng giá bưởi Năm Roi có thể ghi là 60.000 đồng/kg nhưng nếu mua một quả thì bạn chỉ phải bỏ ra khoảng 15.000 – 20.000 đồng (dao động tùy theo cân nặng từng quả). Trong khi đó, một hộp bưởi bóc sẵn với số lượng tương đương sẽ có giá 25.000 đồng trở lên. Nếu bạn không tin, hãy thử kiểm tra trong lần đi siêu thị tới.

Nguyên tắc trên cũng đúng với thực phẩm thô và thực phẩm đã qua sơ chế. Nếu bạn biết nấu nướng và có thời gian, hãy mua cá, thịt, rau,… ở dạng thô về nhà để sơ chế sau. Bạn chỉ phải bỏ thêm chút công sức nhưng sẽ có được những món ăn hợp khẩu vị, tươi ngon, đảm bảo vệ sinh và tiết kiệm chi phí hơn. 

8. Đừng bỏ đồ ăn thừa

Đừng ném hết phần sót lại của bất kỳ loại thực phẩm nào vì bạn vẫn còn nhiều cách để tận dụng chúng. Một vài cọng hành lá có thể dùng để cho thêm vào nồi canh xương; một vài củ khoai tây, cà rốt có thể kết hợp với nhau để làm salad hoặc nấu súp; trái cây còn sót lại hoặc đã quá chín có thể dùng làm sinh tố và nướng kèm thịt; tất tật đồ còn thừa trong tủ lạnh có thể trộn với nhau theo công thức nào đó để làm món cơm rang.

Nếu bạn muốn có thể tận dụng triệt để thực phẩm của mình, USDA khuyên bạn nên học càng nhiều công thức nấu ăn trên cùng một loại thực phẩm càng tốt. Khi bạn lỡ tay chuẩn bị quá nhiều một thành phần nào đó cho bữa tối, bạn hoàn toàn có thể trữ phần thừa trong tủ lạnhvà chế biến thành một món khác cho bữa sáng hôm sau.

9. Thử một ngày không thịt trong tuần

Để tiết kiệm tiền bạc và cải thiện sức khỏe, USDA khuyên bạn nên tập thói quen ăn chay ít nhất một ngày trong tuần. Lý tưởng nhất là vào thứ 7 hàng tuần, bạn hãy thay thế toàn bộ thực đơn thịt, cá cho gia đình thành các món rau, củ và trái cây. Đây cũng là một cách hay để thay đổi không khí cho bữa ăn và giúp bạn hứng thú với việc nấu nướng hơn.

10. Tự nấu ăn chứ đừng đi nhà hàng

Dù công việc bận rộn tới mức nào, hãy cố dành một khoảng thời gian (tầm 30 phút – 1 tiếng) hàng ngày để tự nấu nướng cho mình. Thức ăn tự nấu bao giờ cũng tiết kiệm và chắc chắn về mặt vệ sinh hơn thức ăn ngoài hàng quán. Nếu không khéo nấu nướng, bạn hãy bắt đầu từ những món đơn giản nhất. Một khi đã quen với việc đứng bếp, bạn sẽ nhận ra đây cũng là phương pháp giải tỏa stress rất hiệu quả – không kém gì nghe nhạc hay xem phim. 

Nguồn: Theo Live Science

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.