1. Đầu bé rất khác thường
Nếu bạn để ý thì sẽ thấy, hình dạng đầu em bé có sự thay đổi khá nhiều từ kể lúc sinh ra cho đến một vài tiếng sau đó. Mới đầu, đầu của bé hình nón do xương sọ mềm và khe hở ở sọ có thể thay đổi linh hoạt để bé chui ra khỏi được khung chậu của mẹ ra ngoài. Điều này giúp chống lại việc gãy xương sọ và chấn thương não của bé khi sinh.
Hình dạng đầu của bé sơ sinh lúc sinh ra và 24 tiếng sau đó.
2. Bé rất hay giật mình
Sau nhiều tháng chỉ nằm cuộn tròn ở bào thai trong bụng mẹ, giờ đây bé vẫn còn giữ được những thói quen như đạp, đẩy trong nước ối. Tuy nhiên, môi trường không khí hoàn toàn khác với môi trường trong nước, bé không thể đạp chân vào bụng mẹ và lộn vòng trong nước ối một cách dễ dàng và êm ái nữa, đó là nguyên nhân những “cơn” giật mình của trẻ.
3. Bộ phận sinh dục to
Thực ra, bộ phận sinh dục của trẻ sơ sinh có vẻ to hơn bởi vì chúng bị sưng do áp lực chèn ép cơ thể trong quá trình sinh và nước ối vẫn còn ở lại trong các mô của bé. Ngoài ra, hoóc-môn sinh dục của bé cũng có từ khi mới sinh. Ở các bé trai, hoóc-môn sinh dục làm to tinh hoàn còn ở bé gái, chúng làm cho môi âm hộ sưng lên. Sau một vài ngày, bộ phận sinh dục của bé sẽ hết sưng và trở lại trạng thái bình thường.
4. Bé rất nhanh đói
Trong những tuần đầu mới sinh, bạn chỉ bận cho bé bú cũng hết ngày bởi vì bé rất chóng đói. Điều này cũng giúp tuyến sữa của bạn phát triển hơn để đáp ứng đủ nhu cầu bú sữa của bé. Hơn nữa, sữa mẹ cũng rất dễ tiêu hóa nên trẻ cảm thấy nhanh đói và luôn muốn bú liên tục.
Cũng bởi lý do bé bú nhiều sữa, nên trọng lượng cơ thể của bé tăng rất nhanh trong giai đoạn từ 4 – 6 tuần tuổi. Tuy nhiên, bạn đừng nhầm lẫn giữa việc bé đói với việc bé muốn gần gũi mẹ hoặc muốn thoải mái hơn. Nếu bạn tiếp tục cho bé bú, bé sẽ khóc hoặc vẫn bú nhưng bị trào sữa ra ngoài do con “chán” không muốn bú nữa.
5. Chân và tay bé lạnh hơn những bộ phận cơ thể khác
Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao chân tay trẻ sơ sinh thường lạnh không? Thực ra, hệ tuần hoàn của trẻ sơ sinh chưa phát triển hoàn thiện, máu luôn được ưu tiên để chảy đến các cơ quan quan trọng của cơ thể trước. Tay và chân bé là phần cơ thể không được ưu tiên, do đó mà chúng trở nên lạnh. Đây cũng là lý do mà các bà mẹ luôn phải đeo tất tay và tất chân để giữ ấm cho bé.
6. Bé gái có “kỳ kinh nguyệt” nhỏ trong những tuần đầu tiên sau khi chào đời
Nếu bạn sắp sinh con gái, bạn không cần phải lo lắng khi thấy bỉm hoặc tã của bé có dính ít máu. Đây là điều bình thường và không hề nguy hại. Như đã nói ở trên, hoóc-môn sinh dục của mẹ gây sưng tinh hoàn và môi âm hộ ở trẻ sơ sinh. Ở bé gái, đôi khi còn có một chút máu tiết ra ở bộ phận sinh dục giống như chu kỳ kinh nguyệt của người lớn. Bé gái sẽ trải qua giai đoạn này trong những tuần đầu tiên của cuộc đời và nó chỉ kéo dài trong một vài ngày. Tuy nhiên, đó không phải là máu tươi mà chỉ là chút ít dịch màu sẫm được nhìn thấy từ các nếp gấp của tã hoặc bỉm. Nếu bạn thấy trẻ đi tiểu ra máu tươi, với lượng nhiều, bạn cần phải đưa bé đi gặp bác sĩ ngay.
7. Môi bé có vảy
Khi mới sinh, da trẻ rất mỏng và mềm mượt. Để ngậm núm vú mẹ và núm vú bình sữa, da môi bé cứng lại, với nhiều mô giống như vảy mới xuất hiện để việc bú sữa diễn ra dễ dàng hơn. Sau một vài tháng, bạn sẽ không thấy vảy môi của bé nữa, bởi chúng đã dần có những nếp giống như môi của người lớn.
8. Phân bé lỏng giống như dấu hiệu của bệnh tiêu chảy
Do bé bú sữa mẹ mà phần lớn sữa mẹ là chất lỏng nên phân trẻ cũng lỏng giống như bị tiêu chảy vậy. Và tất nhiên, đây không phải là điều đáng để các mẹ lo ngại. Thậm chí, một số bé đi ị 10 lần/ngày. Chỉ cần bé tăng cân bình thường, không quấy khóc do đau bụng hay đầy hơi, và tần suất đi ị đều đặn, các mẹ không cần phải lo lắng về vấn đề tiêu hóa của bé. Trẻ sơ sinh cũng thường đi ị sau khi ăn bởi theo phản xạ khi có thức ăn lỏng đi vào dạ dày thì chất thải sẽ bị thúc đẩy ra ngoài. Tuy nhiên, các mẹ vẫn cần chú ý theo dõi tần suất bú sữa và đi ị của bé, nếu thấy có dấu hiệu bất thường, hãy đưa bé đi gặp bác sĩ sớm nhất có thể.
9. Bé rất hay hắt hơi
Tại sao bé sơ sinh lại hay bị hắt xì hơi thế nhỉ? Đây có phải là dấu hiệu bé bị cảm lạnh hoặc mắc bệnh gì đó hay không? Đơn giản, đó chỉ là cách cơ thể làm sạch mũi và làm thông suốt đường hô hấp của bé mà thôi. Nếu mũi của bé bị tắc, bé cũng hắt hơi giống như phản xạ tự nhiên để làm mũi hết bị tắc. Sau khi bú xong, bé cũng thường hít một hơi dài và hắt xì hơi để làm thông thoáng mũi một lần nữa.
10. Da của bé có vảy
Khi bé ở trong bụng mẹ, da bé có một lớp bảo vệ màu trắng dạng sáp được gọi là bã nhờn thai nhi. Khi bé tiếp xúc với không khí, da bị cọ xát và khô, lớp bã nhờn này sẽ bắt đầu bong ra, đáng chú ý nhất là ở bàn tay và bàn chân. Bạn đừng cố gắng làm sạch lớp vảy đó trên da trẻ mà chỉ cần bôi kem dưỡng ẩm cho bé là đủ. Lớp vảy đó sẽ sớm bong hết trong khoảng 1 – 2 tuần sau sinh.
11. Bé thở không đều nhịp
Các bà mẹ vẫn thường hay đặt tay sát mũi trẻ sơ sinh để kiểm tra hơi thở của con. Nhưng nếu bạn phát hiện ra bé thở không đều nhịp thì cũng không có gì đáng lo đâu, vấn đề này có thể giải thích được. Đôi khi trẻ sơ sinh thở không đều nhịp, bỏ nhịp, lúc nhanh lúc chậm một phần là do sự phát triển của cơ hoành và thần kinh của bé điều khiển. Bé ngừng thở đến 20 giây được vẫn được coi là điều bình thường. Khi bé được khoảng 6 tuần tuổi, việc hô hấp của bé sẽ trở nên bình thường.
12. Tiếng khóc của bé lúc nào cũng như vậy
Có lẽ, đây là một điều thú vị ở trẻ sơ sinh mà bạn chưa biết. Thực ra, trẻ sơ sinh khi đói, khi mệt, khi khó chịu đều khóc một kiểu giống nhau. Đó là cách cơ thể bé phản ứng lại những thứ khiến chúng thấy khó chịu. Đây cũng được coi là ngôn ngữ giao tiếp đầu tiên của trẻ sơ sinh, giống như việc trẻ cất tiếng khóc chào đời.
Nguyễn Mai(Tổng hợp)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.