Nguyên nhân voi châu Phi sắp có nguy cơ tuyệt chủng, theo các chuyên gia bảo tồn động vật, là do nạn buôn bán ngà voi ngày càng phổ biến.
Theo thống kê, mỗi năm tổng đàn voi châu Phi – hiện giờ là 600.000 con – “thất thoát” khoảng 38.000 con. Con số này dựa trên số vụ buôn bán ngà voi trái phép và nó vượt quá tỷ lệ sinh hằng năm của loài tượng. Điều đó có nghĩa nếu thế giới không có biện pháp can thiệp, voi châu Phi có thể đối mặt với thảm cảnh tuyệt chủng toàn diện trong vòng 15 năm tới.
Quỹ Phúc lợi động vật quốc tế (IFAW) kêu gọi Liên minh châu Âu và các nước tham gia Hiệp định Thương mại quốc tế về động vật có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) thôi ủng hộ việc kinh doanh ngà voi hợp pháp. Ngoài ra, IFAW cũng kêu gọi các nước ủng hộ đề xuất của Kenya kéo dài “thời gian nghỉ ngơi” trong buôn bán voi và ngà voi từ 9 lên 20 năm tại hội nghị CITES vào tháng 3-2010.
Năm 2005, công viên quốc gia Zakouma ở CH Chad có 3.885 con voi, nhưng đến năm 2009 con số này tụt xuống chỉ còn 617. “Thực trạng săn bắt đáng báo động như thế có thể đẩy voi châu Phi ở khắp lục địa đen đến bờ vực tuyệt chủng chỉ trong vòng 15 năm nữa”, Robbie Marsland, giám đốc IFAW tại Anh cảnh báo. “Đa số chúng ta sẽ sốc nếu biết rằng 20 năm sau khi lệnh cấm mua bán ngà voi quốc tế có hiệu lực, voi ở châu Phi vẫn là mục tiêu của bọn săn bắt trộm. Có một sự thật đáng buồn là tình trạng mua bán ngà voi khắp mọi nơi chính là mối họa đối với sự sống còn của họ nhà tượng”.
Tuy nhiên, voi không phải là loài duy nhất bị buôn lậu bộ phận cơ thể. Trong vài năm trở lại đây, khoảng 55.000 bộ da bò sát ở Ấn Độ, 19.000 vây cá nhám ở Ecuador và 23 tấn thịt tê tê ở châu Á đã bị tịch thu. Doanh thu buôn bán động vật hoang dã trái phép trên thế giới ước tính lên đến hàng chục tỉ USD mỗi năm.
Theo Báo Cần Thơ (Telegraph)