Những dấu hiệu phổ biến nhất cho thấy bạn đang có em bé:
1. Khó thở
Bạn có cảm thấy gần đây mình nhanh tức ngực hơn mỗi khi phải hoạt động mạnh như leo cầu thang, chạy bộ? Đó có thể là vì bạn đang mang thai. Vì thai nhi cần oxy để phát triển nên mẹ cần phải thu vào cơ thể lượng oxy lớn hơn mới đủ cho cả hai mẹ con. Hiện tượng khó thở này sẽ kéo dài trong suốt thời kỳ mang thai, đặc biệt là khi bào thai đủ lớn để gây áp lực lên phổi và cơ hoành của bạn.
2. Căng tức bầu ngực
Bạn có cảm thấy vòng một dường như đang to lên và tất cả áo ngực đều chật hơn? Bầu ngực căng tức, nặng nề và trở nên nhạy cảm; các tĩnh mạch dưới da hiện lên rõ hơn; núm vú sẫm màu đi là những dấu hiệu rõ ràng của việc mang thai. Bạn nên thay một loạt áo lót với kích cỡ lớn hơn và tốt nhất là không có nhiều đệm mút để giúp bầu ngực “dễ thở” hơn trong suốt thai kỳ.
3. Mệt mỏi
Gần đây bạn thường cảm thấy mệt mỏi và nhanh đuối sức hơn trước mà không có lý do rõ ràng? Đó có thể là hệ quả của sự gia tăng nồng độ kích thích tố trong cơ thể bạn. Nhiều phụ nữ sẽ thấy mệt mỏi trong suốt tam cá nguyệt thứ nhất rồi mới phục hồi được thể trạng.
4. Buồn nôn
Hầu hết phụ nữ sẽ bắt đầu bước vào thời kỳ ốm nghén khi thai được 6 tuần tuổi, nhưng cũng có những người phải trải nghiệm cảm giác này sớm hơn. Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của thời kỳ ốm nghén là buồn nôn (có thể là vào trước và sau ba bữa ăn trong ngày). Cảm giác nôn nao sẽ giảm dần khi bạn bước vào tam cá nguyệt thứ hai. Trong thời gian này, hãy ăn những thực phẩm ít gây kích ứng dạ dày như bánh quy, bánh mì, khoai lang,…
5. Đi tiểu nhiều
Hãy để ý số lần bạn phải đi tiểu đêm trong thời gian gần đây. Nếu tần suất bạn phải đi tiểu cao hơn hẳn trước đây, rất có thể bạn đã có em bé. Trong thời kỳ bạn mang thai, bàng quang sẽ bị kích thích để làm việc nhiều hơn.
6. Nhức đầu
Sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mang thai cũng có thể khiến bạn bị đau đầu. Nếu cơn đau trở nên thái quá và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống mỗi ngày, bạn có thể dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ. Lưu ý: phụ nữ có thai nên dùng thuốc giảm đau nhóm Acetaminophen (Paracetamol), tránh dùng thuốc nhóm Ibuprofen (trong nhóm này có cả Aspirin).
7. Đau lưng
Nếu bạn không thường bị đau lưng nhưng gần đây lại thấy vùng thắt lưng trở nên ê ẩm thì hãy nghĩ đến khả năng đã mang thai. Vì khung xương chậu bị kích thích giãn nở để chuẩn bị cho việc sinh em bé nên sẽ gây áp lực lên dây chằng ở vùng này và khiến bạn bị đau lưng. Khi bạn tăng cân trong thời kỳ mang thai, cơn đau lưng sẽ ngày càng nặng hơn.
8. Chuột rút
Nếu đột nhiên bạn bị chuột rút nhiều hơn ở vùng hông đùi và bụng dưới, hãy nghĩ đến việc tử cung của bạn đang “âm thầm” tăng kích thước để chuẩn bị cho sự phát triển của một bào thai.
9. Thèm ăn hoặc chán ăn bất thường
Gần đây bạn trở nên “cuồng” các món chua như cam quýt, dứa, xoài,… và luôn cảm thấy đói? Hay ngược lại, dù không thay đổi bất kỳ thói quen sống nào nhưng bạn cứ thấy đồ ăn là lại buồn nôn? Mang thai có thể là nguyên nhân dẫn đến cả hai hiện tượng trên.
10. Táo bón và đầy hơi
Có phải bạn thấy cơ thể mình đang phù lên và việc “đi nặng” thì ngày càng khó khăn hơn? Đó có thể là hệ quả của sự gia tăng nồng độ hormone Progesterone trong quá trình mang thai. Loại hormone này có thể tác động trực tiếp lên hoạt động của hệ tiêu hóa.
11. Tâm trạng lên xuống thất thường
Sự thay đổi nội tiết tố trong quá trình mang thai có thể biến bạn thanh một “quả bom hẹn giờ”. Bạn sẽ thấy tâm trạng mình lên xuống thất thường, buồn vui không thể đoán trước y như thời còn dậy thì.
12. Tăng nhiệt độ cơ thể
Nếu bạn đang nỗ lực có em bé, hãy đo nhiệt độ cơ thể định kỳ để xác định thời gian rụng trứng. Nhìn chung, nhiệt độ cơ thể bạn sẽ tăng cao từ ngày rụng trứng cho đến kỳ kinh nguyệt tiếp theo nếu bạn đã mang thai. Sở dĩ có hiện tượng này là do cơ thể bạn phải thực hiện quá trình trao đổi chất nhiều hơn và do sự thay đổi nội tiết tố.
13. Nhạy mùi vị
Nếu bạn nhận thấy mình đột nhiên dị ứng với một mùi vị mà trước đây không hề có vấn đề gì hoặc trở nên nhạy cảm với tất cả mùi vị thì hãy nghĩ đến việc mang thai. Đây là một hệ quả của sự gia tăng nồng độ hormone Estrogen.
14. Chóng mặt hoặc ngất xỉu
Hiện tượng suy giảm lượng đường trong máu (hạ đường huyết) trong thời kỳ mang thai có thể khiến bạn chóng mặt, thậm chí ngất xỉu. Bạn có thể phòng tránh tình trạng này bằng cách bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể và uống nhiều nước.
15. Chảy máu âm đạo
Nghe có vẻ vô lý nhưng chảy máu âm đạo cũng là một trong những dấu hiệu mang thai. Trứng đã được thụ tinh và bám vào thành tử cung có thể khiến bạn bị “đổ máu” nhẹ giữa chu kỳ. Lượng máu chảy trong quá trình mang thai ít hơn máu kinh nguyệt rất nhiều.
16. Chậm kinh
Trên thực tế, các dấu hiệu mang thai rất giống với các dấu hiệu của thời kỳ tiền kinh nguyệt. Làm sao bạn có thể phân biệt được? Câu trả lời là: nếu bạn không có thai thì đến những ngày cuối của chu kỳ, bạn sẽ ra máu kinh. Hãy tự kiểm tra với que thử thai tại nhà ngay trong ngày chậm kinh đầu tiên.
Nguồn: Theo Parenting.com
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.