Các nhà tương lai học cho rằng, giá lương thực tăng cao và dân số ngày một tăng, đã đến lúc chúng ta phải nghĩ đến việc sẽ ăn gì trong tương lai.
-
1
Tương lai 20 năm?
Giá lương thực tăng cao, dân số ngày càng tăng và vấn đề môi trường chỉ là một số những lý do khiến các tổ chức, bao gồm cả Liên Hiệp Quốc lo lắng về nguồn thức ăn của con người trong tương lai.
Giá thịt được dự đoán sẽ có một tác động rất lớn đối với chế độ ăn của con người. Một số chuyên gia trong ngành công nghiệp thực phẩm ước tính, mức giá của thịt có thể tăng gấp đôi trong vòng 5-7 năm tới, khiến cho thịt trở thành một đồ ăn xa xỉ.
Morgaine Gaye nhà tương lai học về thực phẩm cho biết: “Ở phương Tây, nhiều người trong chúng ta đã lớn lên cùng với nguồn thịt giá rẻ và dồi dào. Giá cả tăng cao có nghĩa là chúng ta sẽ bắt đầu nhận thấy thịt là một món ăn xa xỉ. Vì vậy chúng tôi đang tìm nguồn thực phẩm mới để có thể thay thế cho thịt”.
Vậy chúng ta sẽ ăn gì và ăn như thế nào trong tương lai (20 năm nữa)?
-
2
Côn trùng
Gaye cho biết côn trùng sẽ trở thành một yếu tố chính trong chế độ ăn của chúng ta. Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Wageningen ở Hà Lan, côn trùng có giá trị dinh dưỡng bằng thịt thông thường và là nguồn protein tuyệt vời. Chi phí để nuôi côn trùng cũng rẻ hơn so với việc nuôi gia súc, tiêu thụ ít nước hơn và không tạo ra nhiều khí thải carbon. Ngoài ra, ước tính có khoảng 1400 loài côn trùng mà con người có thể ăn. Các món ăn với côn trùng có thể sẽ là bánh mì kẹp thịt và xúc xích côn trùng. Những sinh vật như dế, châu chấu có thể sẽ được nghiền ra và được sử dụng như một thành phần trong nhân bánh mì kẹp”.
Chính phủ Hà Lan đang đầu tư một lượng tiền lớn để đưa côn trùng vào chế độ ăn chủ đạo của con người hàng ngày. Gần đây họ còn đầu tư 1 triệu euro vào nghiên cứu và chuẩn bị ra các đạo luật cho các trang trại côn trùng.
Đã có khá nhiều người trên thế giới coi côn trùng là một phần trong bữa ăn của họ. Sâu bướm và châu chấu phổ biến ở châu Phi, ong bắp cày là một món ăn ở Nhật Bản, dế ở Thái Lan. Tuy nhiên, côn trùng sẽ cần một cuộc “đại tu hình ảnh” nếu muốn trở thành một món ăn ngon miệng cho những người dân khó tính ở châu Âu và Bắc Mỹ. Gaye cho biết: “Côn trùng sẽ trở thành món ăn phổ biến khi chúng từ bỏ được cái tên côn trùng và được gọi bằng cái tên khác như ‘gia súc nhỏ’ ”.
-
3
Thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm
Đầu năm nay, các nhà khoa học Hà Lan đã sản xuất thành công thịt trong ống nghiệm, còn được gọi là “thịt nuôi cấy”. Họ đã tạo ra được các dải mô cơ bằng cách nuôi cấy những tế bào gốc lấy từ những con bò và hy vọng sẽ cho ra đời những chiếc bánh “hamburger” đầu tiên trên thế giới trong ống nghiệm vào cuối năm nay.
Nghiên cứu đầu tiên về thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm được tài trợ bởi Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) nhằm tìm hiểu xem loại thịt này có thể trở thành một món ăn cho các phi hành gia trong vũ trụ hay không.
Các nhà khoa học trong lĩnh vực này đang thúc đẩy nghiên cứu để tìm ra được giải pháp ăn thịt nhưng không gây ảnh hưởng đến môi trường. Một nghiên cứu gần đây của Đại học Oxford cho thấy việc sử dụng thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm sẽ giúp giảm đáng kể khí hiệu ứng nhà kính, cũng như giúp tiết kiệm nước và năng lượng so với các hoạt động giết mổ động vật. Hơn nữa, đối với thịt nuôi cấy, chúng ta cũng có thể cắt giảm hàm lượng chất bèo và bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cần thiết.
-
4
Tảo biển
Tảo có thể cung cấp giải pháp cho một số vấn đề phức tạp nhất thế giới, bao gồm cả tình trạng thiếu lương thực. Các nhà nghiên cứu cho biết, tảo có thể nuôi sống con người, động vật và có thể được trồng trong đại dương, một yếu tố rất thuận lợi đối với tình trạng ngày càng thiếu đất nông nghiệp và nước sạch như hiện nay. Nhiều nhà khoa học cũng cho biết nhiên liệu sinh học có nguồn gốc từ tảo biển có thể giúp làm giảm nhu cầu về nhiên liệu hoá thạch.
Một số chuyên gia trong ngành công nghiệp thực phẩm bền vững dự đoán tảo sẽ trở thành một trong những vụ mùa lớn nhất thế giới: ” Những trang trại tảo dễ dàng xây dựng ở Anh và sẽ rất thành công. Điều tuyệt vời về tảo là nó phát triển với một tốc độ phi thường, nó là cây trồng phát triển nhanh nhất trên trái đất. Việc sử dụng tảo ở những nước như Vương quốc Anh đang tăng lên đáng kể”.
Giống như côn trùng, tảo có thể được sử dụng để chế biến các món ăn mà chúng ta không hề biết. Các nhà khoa học tại Đại học Sheffield Hallam đã sử dụng hạt tảo biển để thay thế muối trong bánh mì và các loại thực phẩm chế biến. Loại hạt này tạo ra vị mặn nhưng lại chứa ít muối, giúp giảm thiểu nguy cơ huyết áp cao, đột quỵ do ăn nhiều muối. Họ tin rằng hạt tảobiển có thể được sử dụng để thay thế muối trong cả xúc xích và pho mát.
Gaye cho biết: “Rong biển có nhiều chức năng. Và chúng ta vẫn đang khám phá thêm nhiều thuộc tính của chúng”. Đó là một nguồn thức ăn lớn vẫn chưa được khám phá hết. Hiện trên thế giới có khoảng 10.000 loại rong biển với nhiều hương vị khác nhau.
-
5
Thực phẩm “tăng cường âm thanh”
Ngoài việc sử dụng những loại thức ăn thay thế nguồn lương thực phổ biến đang ngày càng cạn kiệt thì cách thức ăn của con người cũng sẽ thay đổi. Đã có nhiều tài liệu chứng minh được tầm quan trọng của cảm quan và mùi vị của thức ăn, nhưng ảnh hưởng của âm thanh đối với hương vị thức ăn vẫn đang được mở rộng nghiên cứu. Một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học tại trường đại học Oxford đã nhận ra rằng những giai điệu nhất định có thể khiến cho món ăn ngọt ngào hơn hoặc cay hơn.
Russell Jones, một nhà nghiên cứu từ công ty âm thanh Condiment Junkienh tham gia vào nghiên cứu này cho biết: “Nhiều người chỉ tập trung vào cảm quan và mùi thức ăn nhưng âm thanh cũng rất quan trọng”.
Nghiên cứu Bittersweet, được thực hiện bởi Charles Spence, giáo sư tâm lý học thực nghiệm tại Đại học Oxford, đã nhận thấy hương vị của thực phẩm có thể được điều chỉnh bằng cách sử dụng một bản nhạc nền khi ăn.
Âm thanh và thực phẩm đã được thử nghiệm bởi đầu bếp trưởng Heston Blumenthal của nhà hàng Fat Duck. Fat Duck có một món ăn mang tên Sound of the Sea (âm thanh của biển), được phục vụ cùng với âm thanh biển trên iPod. Và những âm thanh này được cho là khiến cho món ăn đó trở lên tươi ngon hơn.