Theo các chuyên gia, tóc cần được chăm sóc theo 3 bước là làm sạch với dầu gội, bảo vệ bằng dầu xả và bổ sung dưỡng chất bằng kem ủ. Chỉ khi tuân thủ đúng nguyên tắc này bạn mới mong giữ được mái tóc khỏe đẹp hoặc cải thiện phần tóc đã bị khô xơ, chẻ ngọn, gãy rụng của mình.
-
1
Dầu gội
Công dụng chính của dầu gội là giúp làm sạch các chất bẩn và thông thoáng da đầu và tóc. Để làm sạch, dầu gội đầu phải có thành phần chính là chất tẩy có tính kiềm mạnh (như natrium laurylsulphat, natrium stearat), hoặc kiềm yếu (như laureth, ethanolamin laurat) và một hỗn hợp dung môi dầu – nước. Dung môi thường có là dầu dừa, dầu olive, nước. Ngoài ra, dầu gội còn có chất hút nước, giữ độ ẩm cho tóc (glycerin, sorbitol) và các thành phần phụ trợ khác như chất chống nước cứng, điều chỉnh pH, tạo mùi.
Vì chức năng làm sạch nên dầu gội có thể rửa trôi một số dưỡng chất trên tóc và có nguy cơ làm tóc khô nếu bạn gội đầu quá thường xuyên. Khi gội, cần làm ướt tóc trước rồi mới cho một ít dầu gội vào tóc. Nếu cho dầu gội vào tóc khô, hoặc cho rất ít nước mà vò thì các chất kiềm trong dầu gội đậm đặc sẽ làm hại tóc.
Một số loại dầu gội có bổ sung thêm dưỡng chất, chiếm tỷ lệ rất ít, như vitamin, protein, các chiết xuất từ thiên nhiên. Ngoài ra, có một số sản phẩm thuộc dòng đặc trị có chứa thêm các thành phần tá dược giúp diệt nấm và vi khuẩn có hại cho da dầu, kích thích mọc tóc. Lời khuyên từ các chuyên gia là nên chọn dầu gội theo tính chất của da đầu để có độ làm sạch thích hợp tạo nền cho tóc phát triển tốt. Còn để phục hồi tóc đã bị hư, thành phần dinh dưỡng phải được cung cấp từ bên ngoài vì tự thân tóc hư không có chức năng phục hồi.
-
2
Dầu xả
Dầu xả cung cấp dưỡng chất cho bề mặt biểu bì tóc, giúp bổ sung các chất dầu tự nhiên bao phủ quanh tóc đã bị mất đi trong quá trình gội, qua đó khiến tóc bóng, mượt và mềm mại. Thành phần chủ yếu trong dầu xả,là các hợp chất dưỡng như panthenol – thấm sâu, nuôi dưỡng, kích thích sự tăng trưởng của tóc, hydrolyzed wheat protein – có tác dụng làm tóc suôn thẳng và là chất keo nối kết chất dinh dưỡng với tóc, silicon – giúp tóc mềm, mượt, các loại vitamin, đạm tơ tằm, tinh dầu olive, jojobai, Aloe Vera.., giúp tóc trơn mượt, dễ chải và ngăn rụng tóc.
Các dưỡng chất này sẽ bao phủ tối đa bề mặt từng sợi tóc, vừa nuôi dưỡng cho tóc luôn mềm mượt, vừa tạo lớp màng bảo vệ các sợi tóc khỏi tác hại từ môi trường bên ngoài cũng như các hóa chất uốn, duỗi, nhuộm lên tóc…. Chính chức năng này tạo nên cảm giác suôn mượt hơn sau khi gội đầu. Chỉ cần dùng một lượng nhỏ 5-10 ml dầu xả sau mỗi lần gội, thoa đều lên phần thân và ngọn tóc, giữ trong vòng 2 – 5 phút, massage nhẹ nhàng để dưỡng chất thấm sâu vào sợi tóc và xả sạch lại với nước, mái tóc của bạn sẽ được chăm sóc và bảo vệ tốt hơn.
-
3
Kem ủ
Kem ủ được dùng trong quá trình hấp tóc. Khi mái tóc trở nên khô, xơ, chẻ ngọn hoặc mất đi độ bóng khỏe tự nhiên do thời gian hay do những tác động có hại từ môi trường, nắng, gió hay các hóa chất sử dụng trong quá trình làm đẹp, tạo kiểu cho tóc, người ta thường nghĩ ngay đến việc hấp, tóc như một liệu pháp mạnh mẽ hơn chỉ gội và xả thông thường.
Trong kem ủ có chứa các dưỡng chất ở dạng đậm đặc nhất, có khả năng thấm sâu vào sợi tóc, vào tận đến vỏ tóc thông qua tiếp xúc trực tiếp một thời gian khá dài (15 – 30 phút cho 1 lần hấp). Kem ủ có hai loại, trong đó treatment thẩm thấu sâu, còn hairmask bọc bên ngoài vỏ tóc.
Để tiến hành ủ tóc, bạn có thể thực hiện việc hấp nóng (hấp dưỡng), hấp lạnh (hấp chữa trị) và hấp spa (hấp thư giãn). Khi hấp phải chọn loại kem ủ , dầu hấp phù hợp với tóc. Hấp nóng giúp nuôi dưỡng, làm tóc luôn bóng đẹp, phù hợp với mọi loại tóc. Hấp lạnh thực hiện khi tóc bị khô, xơ nghiêm trọng. Biện pháp này giúp diệt khuẩn và cung cấp oxy cho tóc. Hấp spa sử dụng sản phẩm pha tinh dầu, trong quá trình hấp có khâu massage để làm thư giãn da đầu, giúp tinh thần sảng khoái, phấn chấn.
Hấp tóc tuy tốt nhưng nếu lạm dụng cũng gây hại. Khi đó, tóc sẽ bị bết, dễ bám bụi và bị bẩn, da đầu cũng mất đi sự cân bằng và sẽ phát sinh ngứa, gàu. Khi hấp, bạn cần lựa chọn loại kem ủ phù hợp với tóc. Trên thị trường có các loại sản phẩm giàu vitamin, hay chứa các tinh chất từ thiên nhiên như thảo dược, hoa quả có lợi cho tóc.
Để quá trình hấp thực sự hiệu quả, bạn cũng cần tuân thủ một số nguyên tắc: Chỉ nên gội sạch tóc mà không dùng dầu xả trước khi hấp dầu. Dưỡng chất từ sản phẩm hấp dầu sẽ thẩm thấu vào tóc nhanh hơn. Nếu da đầu nhờn, nên hạn chế để sản phẩm hấp dầu tiếp xúc với da đầu vì chúng chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng nhờn, rít của tóc. Không nên hấp dầu trước khi duỗi, uốn hoặc nhuộm tóc vì lớp dầu bám trên tóc sẽ làm giảm tác dụng của các loại thuốc lên tóc. Bạn nên đợi sau 7 – 10 ngày hấp dầu hãy duỗi, uốn hay thay màu tóc.
Thông thường bạn chỉ cần hấp dầu 1-2 lần/tháng. Nếu tóc bị hư tổn nặng và quá xơ xác thì nên hấp 1 lần/tuần, thực hiện trong 2 tháng liên tục, tóc sẽ nhanh chóng hồi phục. Với những tóc chưa qua lần uốn, duỗi hoặc nhuộm nào, bạn có thể tự hấp dầu ở nhà. Tuy nhiên bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và thực hiện đúng quy trình với mỗi loại dầu hấp.