3 bước mẹ nên làm để bé hư ngoan trở lại

Chẳng bố mẹ nào lại muốn làm hỏng con cái của mình. Thế nhưng, bằng 1 cách vô tình nào đó, chẳng hạn như việc mẹ mua quá nhiều đồ chơi, luôn chiều theo ý của con,… cũng có thể khiến con trở nên không còn ngoan ngoãn, không chịu nghe lời. Để cải thiện tình hình và giáo dục lại con, bố mẹ phải có kế hoạch cụ thể và kiên nhẫn thực hiện.

Xác định nguyên nhân
Bước đầu tiên để giải quyết vấn đề là hãy dừng việc bào chữa cho hành vi của con. Chấp nhận rằng con mình đã hư hỏng là điều các ông bố bà mẹ không nên né tránh.
Là cha mẹ, bạn có 1 vai trò quan trọng trong việc định hình hành vi của con. Hành động của bạn khá quan trọng. Cha mẹ làm hỏng con cái của họ bởi nhiều lý do, nhưng hầu hết rơi vào 1 trong số lý do như vì muốn làm cho con vui, muốn con không bị tổn thương lòng tự trọng khi bị cha mẹ từ chối,…
Tốt nhất, bạn nên có 1 cuốn nhật ký làm mẹ. Nó có thể khá hữu ích để ghi lại các quyết định của bố mẹ, bao gồm tất cả những lần bạn từ chối hoặc chấp nhận những yêu cầu của con và cả hành vi của con. Làm như vậy có thể cho phép bạn xác định nguyên nhân cụ thể của những hành vi xấu và có các giải pháp khả thi.

Giáo dục lại trẻ
Sau khi xác định được nguyên nhân, cha mẹ phải dứt khoát đưa ra quyết định dạy dỗ lại con em mình. Quyết định hành vi nào được chấp nhận và những hành vi nào cần phải củng cố lại. Việc này đòi hỏi thực hiện ngay lập tức và đòi hỏi cha mẹ phải có niềm tin vào quyết định của mình.
Đưa ra các quy tắc: Hãy đưa ra các quy tắc đơn giản, rõ ràng để con bạn cần biết chính xác chúng được mong đợi những gì. Xác định hình phạt đối với hành vi vi phạm các quy tắc này. Nếu con bạn còn nhỏ, bạn có thể viết các quy tắc ra 1 chiếc bảng và đặt ở những nơi dễ nhìn.

Nhất quán: Một khi bạn đã thành lập quy tắc, hãy nhất quán và kiên định trong việc áp dụng các quy tắc này. Đừng để con của bạn thấy rằng, chúng có thể thỏa hiệp, mặc cả với bạn khi thấy bạn quá dễ dãi.
Áp dụng hình phạt một cách rõ ràng, thẳng thắn. Đừng giải thích đi giải thích lại các nguyên tắc của mình 1 lần nữa. Thay vào đó, khi con của bạn vi phạm 1 quy tắc, hãy cho con thấy kết quả mà chúng sẽ phải nhận, thay vì trao đổi, giải thích không cần thiết. Ví dụ khi con bạn để tủ quần áo bừa bộn dù bạn đã nhắc nhở, bạn chỉ cần áp dụng hình phạt mà bạn đã đưa ra, không cần quở trách con hay mắng mỏ thêm. 1 tuần không cho chúng xem ti vi cũng có thể là hình phạt thích hợp.
Tối đa hoá tỷ lệ thành công của bạn
Tránh bảo vệ con thái quá: Trẻ em cần phải học cách tự chăm sóc bản thân và giúp đỡ người khác. Chúng cần phải phát triển 1 nguyên tắc làm việc có trách nhiệm. Nếu bạn bảo vệ chúng, chúng sẽ không tìm hiểu những gì chúng cần phải học.
Nhấn mạnh các quy tắc trong gia đình: Khi trẻ em còn rất nhỏ, hãy dạy con về sự tự ý thức càng sớm càng tốt và nhấn mạnh rằng mỗi thành viên trong gia đình phải góp phần vào các công việc nhà. Bạn có thể bắt đầu bằng cách dạy con nhặt đồ chơi của mình sau khi chơi xong.
Trở thành 1 mẫu hình cho con noi theo: Sẽ chẳng có ích gì khi bạn muốn con mình làm việc chăm chỉ nhưng chính bạn lại lười biếng. Hãy để con thấy bạn làm việc và biết rằng bạn đang thường xuyên chăm sóc gia đình, làm việc nhà và rất nhiều việc vặt trong khi bạn cũng muốn được làm nhiều thứ khác cho riêng mình.
Giải quyết công việc cùng với nhau: Những việc như dọn dẹp phòng, nấu ăn có thể là quá sức so với 1 đứa trẻ nhỏ. Vì vậy, bạn hãy làm cùng chúng. Như vậy sẽ cho phép bạn dạy con làm công việc đúng cách. Nó cũng giúp con cảm thấy thoải mái hơn.
Thực hiện theo 1 lịch trình: Đây không chỉ là việc rèn cho con 1 thói quen sinh hoạt đều đặn mà còn giúp con tự nhận thức về việc sắp xếp công việc hợp lý. Hãy định hình trong trẻ ý thức về việc nào đó cần làm trong 1 thời gian nhất định, ví dụ, trẻ cần dọn phòng vào chủ nhật mỗi tuần.
Phối hợp với những người khác: Bạn có thể cần đến sự giúp đỡ của ông bà, người giữ trẻ và những người chăm sóc khác. Sẽ tốt hơn khi cả những người này biết được những nỗ lực và cách dạy con của bạn để tránh chiều chuộng chúng quá mức.
Dạy trẻ kiên nhẫn: Trẻ phải được học sự kiên nhẫn ngay từ nhỏ để chúng hiểu rằng không phải mọi thứ chúng muốn đều có ngay lập tức. Hãy giải thích với chúng rằng trước tiên, gia đình phải tiết kiệm 1 số tiền nhất định và các điều kiện khác như thời tiết, ngày nghỉ… để có thể thực hiện được kế hoạch nào đó. Đồng thời hãy dạy con biết quý trọng đồng tiền và biết tiết kiệm.
Bỏ qua những so sánh với đứa trẻ khác: Khi con bạn nói rằng những bạn khác có thứ nọ thứ kia, bạn hãy nói với con rằng bé phải tuân theo các quy tắc của gia đình bạn. Nhấn mạnh rằng cha mẹ đang làm những gì tốt nhất cho con.
Chấp nhận để con có lúc cảm thấy thất vọng: Đừng vội vàng an ủi con mỗi khi bé cảm thấy buồn hay thất vọng vì bị phạt hoặc không được mua đồ chơi. Thất vọng là một phần của cuộc sống và đó là điều mà các bé cần hiểu.

Thụy Du
(Dịch theo WH)
logo smaill

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.