3 giai đoạn chuyển dạ và những điều bố có thể phụ giúp mẹ bầu

0
147
3 giai đoạn chuyển dạ và những điều bố có thể phụ giúp mẹ bầu

Quá  trình chuyển dạ là trải nghiệm đặc biệt và “độc đáo” chẳng ai giống ai. Chẳng ai có thể tưởng tượng ra mình sẽ chuyển dạ và sinh em bé như thế nào. Tuy vậy, một số kiến thức phổ thông sau về các giai đoạn trong quá trình chuyển dạ sẽ giúp bà bầu hiểu phần nào và chuẩn bị tâm lý tốt cho bước ngoặt lớn nhất cuộc đời này.

Quá trình sinh con gồm ba giai đoạn:

Giai đoạn đầu tiên: Thời điểm bắt đầu chuyển dạ thật sự cho đến khi cổ tử cung mở hết 10 cm.

Giai đoạn thứ hai: Rặn đẻ

Giai đoạn thứ ba: Sổ nhau

Giai đoạn 1

Đây là giai đoạn kéo dài nhất và gian nan nhất, được chia thành những cơn chuyển dạ sớm, chuyển dạ tích cực và chuyển dạ chuyển tiếp.

– Giai đoạn chuyển dạ sớm: Từ khi bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ đến khi cổ tử cung mở ra đến 3 cm. Cứ mỗi 5-20 phút lại xuất hiện một cơn co thắt kéo dài từ 30-60 giây. Dấu hiệu chuyển dạ bắt đầu cũng rất khác nhau tùy từng người, có thể xuất hiện chất nhờn màu hồng, lẫn máu chảy ra từ âm đạo, có thể bị đau lưng, buồn đi đại tiện hoặc bị tiêu chảy, buồn nôn.

– Giai đoạn chuyển dạ tích cực: Tử cung tiếp tục mở 3 cm – 7 cm. Các cơn co thắt xuất hiện nhanh, mạnh hơn và kéo dài hơn.

– Giai đoạn chuyển dạ chuyển tiếp: Tử cung mở từ 7 cm đến khi mở hết 10 cm. Giai đoạn này các cơn co thắt rất mạnh và xuất hiện thường xuyên.

Mỗi giai đoạn sẽ mang theo rất nhiều cảm xúc, cả những nỗi đau không gì tả xiết cùng sự sợ hãi, lo lắng không biết có mẹ tròn con vuông không,… Những hướng dẫn chi tiết sau đây sẽ giúp bạn có tâm lý vững vàng khi chuyển dạ.

3 giai đoạn chuyển dạ và những điều bố có thể phụ giúp mẹ bầu

Giai đoạn chuyển dạ sớm

Mẹ nên làm gì?

Ở giai đoạn này, bạn chỉ cần cố gắng thư giãn nhất có thể. Không cần thiết phải vội vàng đến bệnh viện ngay lập tức. Nếu cơn chuyển dạ xảy ra vào ban ngày, hãy cố gắng để thoải mái, uống nhiều nước và ăn bữa ăn nhẹ đồng thời theo dõi thời gian của các cơn co thắt. Nếu bạn chuyển dạ vào đêm, cố gắng ngủ tiếp khi đỡ đau để giữ sức. Nếu khó chịu đến mức không thể ngủ được, bạn có thể làm những việc lặt vặt như dọn dẹp tủ quần áo, chuẩn bị đồ dự sinh, thậm chí nấu ăn cho ngày hôm sau. Nói chung, ở giai đoạn này, bạn không nên lo lắng quá mà cần giữ tâm lý thoải mái, thư giãn để chuẩn bị cho những giai đoạn tiếp theo.

Những điểm đáng lưu ý về giai đoạn này:

– Chuyển dạ sớm sẽ kéo dài khoảng 8-12 giờ.

– Giai đoạn này cổ tử cung sẽ mở khoảng 3 cm.

– Các cơn co thắt sẽ kéo dài từ 30-45 giây, cứ 5-30 phút lại lặp lại một lần.

– Các cơn co thắt thường nhẹ, hơi bất thường, nhưng dần dần sẽ mạnh và xuất hiện thường xuyên hơn.

– Khi xuất hiện cơn co thắt, bạn sẽ cảm thấy đau ở lưng dưới giống như đau bụng kinh, cảm giác nặng nề hoặc căng ở vùng xương chậu.

– Có thể vỡ nước ối. Hiện tượng này có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong giai đoạn đầu chuyển dạ.

Khi trải qua các cơn co thắt, bạn cần theo dõi:

– Cơn co thắt có tăng cường độ không?

– Có tuân theo một quy chuẩn nào không?

– Kéo dài bao lâu?

– Khoảng cách giữa các cơn co thắt có rút ngắn không?

Khi bị vỡ ối, bạn cần đặc biệt lưu ý những điều sau đây:

– Màu của nước ối

– Mùi của nước ối

– Thời gian vỡ ối

Chồng, gia đình, những người hỗ trợ nên làm gì?

– Chuẩn bị đồ đạc đến bệnh viện.

– Bình tĩnh.

– Trò chuyện hoặc làm điều gì đó để cô ấy quên đi những cơn đau.

Giai đoạn chuyển dạ tích cực

Bạn nên làm gì?

Đây là thời điểm thích hợp bạn có thể đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế chuẩn bị sinh. Lúc này cơn co thắt mạnh hơn, kéo dài hơn, thời gian xuất hiện giữa các cơn co cũng gần nhau hơn. Sự động viên, khuyến khích từ gia đình lúc này rất quan trọng. Ở giai đoạn này, bạn có thể áp dụng những kỹ thuật thở đã học được ở lớp tiền sản hoặc thử một vài bài tập thư giãn giữa các cơn co thắt. Không nên ngồi một chỗ mà nên di chuyển vị trí thường xuyên. Đi bộ và uống nhiều nước.

Những điểm đáng lưu ý về giai đoạn này:

– Giai đoạn này kéo dài khoảng 3-5 giờ.

– Cổ tử cung sẽ mở từ 4cm đến 7cm.

–  Các cơn co thắt trong giai đoạn này sẽ kéo dài khoảng 45-60 giây, cứ 3-5 phút lặp lại một lần.

– Các cơn co thắt mạnh hơn và kéo dài lâu hơn.

Chồng, gia đình, những người hỗ trợ nên làm gì:

– Tập trung sự quan tâm vào cô ấy.

– Động viên cô ấy.

– Áp dụng các bài massage bụng và lưng cho cô ấy.

– Theo dõi các cơn co thắt.

– Cùng tập thở với cô ấy.

– Giúp cô ấy thấy thoải mái (lấy gối dựa lưng, lấy nước uống).

– Nhắc nhở cô ấy đi lại thường xuyên.

– Làm cô ấy quên đi cơn đau chuyển dạ bằng cách nghe nhạc, đọc sách, chơi bài.

– Không lấy làm lạ khi bạn hỏi mà cô ấy không trả lời, đơn giản chỉ vì cô ấy đang quá đau và mệt.

Giai đoạn chuyển dạ chuyển tiếp

Bạn nên làm gì?

Trong giai đoạn này bạn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào người hỗ trợ bên cạnh. Đây là giai đoạn khó khăn nhất, nhưng cũng diễn ra ngắn nhất. Chuẩn bị tâm lý cho giai đoạn này, vì các cơn co sẽ xuất hiện nhanh, mạnh, có thể khiến bạn kiệt sức. Nhưng hãy nghĩ đến thiên thần bé nhỏ trong bụng, nghĩ đến 9 tháng 10 ngày khó nhọc mang thai, không có lý do gì để bạn không tiếp tục chiến đấu để vượt cạn thành công.

Những điểm đáng lưu ý về giai đoạn này:

– Giai đoạn sẽ kéo dài khoảng 30 phút-2 giờ

– Cổ tử cung mở từ 8cm đến 10cm

– Các cơn co kéo dài, mãnh liệt, và có thể xuất hiện liên tiếp, không ngừng

– Đây là giai đoạn khó khăn nhất nhưng cũng ngắn nhất

– Bạn có thể thấy nóng bừng, lạnh, buồn nôn, ói mửa hoặc xì hơi

Chồng, gia đình, những người hỗ trợ nên làm gì:

– Động viên và khen ngợi.

– Không nói chuyện riêng.

– Tiếp tục hít thở cùng cô ấy.

– Khuyến khích cô ấy nghỉ thư giãn giữa các cơn co thắt.

– Đừng lạ khi cô ấy có vẻ tức giận. Đây là điều bình thường khi chuyển dạ.

>> Xem tiếp: 3 giai đoạn chuyển dạ và những điều bố có thể phụ giúp mẹ bầu (P2)

Video: Cận cảnh quá trình sinh thường của mẹ.

Xem thêm

 

Cách tính ngày dự sinh

Cách tắm cho trẻ sơ sinh

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh

Việt HàDịch từ AP

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.