Hội những người phát cuồng vì smartphone ngày càng gia tăng quân số. Lý do là gì?
Quay về nhiều năm trước, các cụm từ như “đồ công nghệ” và smartphone vẫn còn là một khái niệm rất đỗi mới mẻ. Thế nên chẳng có gì ngạc nhiên khi mỗi lần nghe đến, ai cũng cảm thấy hứng thú, muốn được tận mắt trông thấy và sở hữu chúng.
Điều này vẫn tiếp tục đúng trong thời điểm ngày nay, thời đại của công nghệ. Đến hẹn lại lên, hàng năm các tín đồ công nghệ lại nháo nhào khi những ông trùm như Apple, Samsung… tung ra những sản phẩm mới. Và để rồi khi sở hữu được, ta sẽ nâng niu, bám chặt lấy nó mọi lúc mọi nơi.
“Đồ công nghệ” và smartphone là một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Nhưng tại sao lại vậy? Dưới đây là 3 lý do mà các chuyên gia đưa ra.
1. Vì “bản ngã” của tất cả là sự sở hữu
Chúng ta có thể tự cảm nhận được bản thân ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ. Nhưng với nhà tâm lý học hàng đầu nước Mỹ thế kỉ 20 – William James, ông cho rằng từ “bản thân” mang nghĩa rộng hơn – đó phải là “toàn bộ những gì bản thân đang sở hữu: từ quần áo, nhà cửa cho đến đồ đạc thậm trí là cả vợ con”.
Mất đi một trong những thứ đó sẽ gây ra cảm giác hụt hẫng. Ví dụ, khi còn nhỏ các em bé có thể khóc bất kì lúc nào nếu phát hiện ra đột nhiên bị mất món đồ chơi chúng ưa thích.
51% “dân” 8x và 9x có cảm giác lo lắng khi họ “lạc” điện thoại trong hơn 15 phút.
Điện thoại di động hay các đồ công nghệ cũng tương tự như vậy. Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Larry Rosen và đồng nghiệp tại ĐH California, 51% “dân” 8x và 9x có cảm giác lo lắng khi họ “lạc” điện thoại trong hơn 15 phút. Một điều thú vị là con số này đã giảm nhẹ (41%) đối với những người ra đời giữa năm 1965 và 1979.
Lý do có sự khác nhau về thông số chính là, tất cả những thanh niên, người trưởng thành ở nhóm đầu tiên đều được sinh ra khi xung quanh đều là những đồ công nghệ, và nghiễm nhiên chúng đã trở thành những vật không thể thiếu của họ.
2. Gợi lại ký ức được chăm sóc
Những thứ gì gắn với tuổi thơ sẽ định hình tính cách của từng người.
Dựa trên thuyết tâm động học, những thứ gì gắn với tuổi thơ sẽ định hình tính cách của từng người. Mối quan hệ với công nghệ phản ánh môi trường cha mẹ đã tạo ra khi chăm sóc chúng ta.
Cha mẹ ngày xưa chăm bẵm, bế ẵm con cái rất trìu mến. Và khi ta cầm điện thoại, nó sẽ gợi lại những khoảnh khắc thân mật, dù là thời thơ ấu hay khi ta đã trưởng thành.
Não bộ sẽ bị kích thích tiết ra dopamine và hormone tình yêu oxytocin, giúp chúng ta thấy thoải mái, thăng hoa. Chúng tạo cho ta cảm giác giống như khi người mẹ nhìn âu yếm đứa con của mình.
3. Thỏa mãn nhu cầu làm mới bản thân
Thông qua việc tìm kiếm, chúng ta trở nên thông minh hơn.
Bản chất thứ 2 của chúng ta khi muốn trở thành người tốt hơn đó là “sao chép, bắt chước, xây dựng hình mẫu và khám phá sự khác biệt” – Michael Taussig – nhà nhân chủng học chia sẻ.
Smartphone giúp ta làm được việc đó, thông qua việc chụp ảnh, tham gia các cuộc hội thoại, và tiếp cận người khác. Bằng cách nhắn tin qua lại, ta có thể mở ra một cuộc hội thoại. Thông qua việc tìm kiếm, chúng ta trở nên thông minh hơn.