Dùng mặt nạ từ “của quý” nhiều người lãnh hậu quả

nát mặt vì làm đẹp

Liệu pháp làm đẹp này mới rộ lên không lâu và cũng được một số trung tâm thẩm mỹ quảng bá trên các trang mạng. Nó được gọi là liệu pháp HydraFacial với thành phần chủ yếu là tế bào gốc được chiết xuất từ bao quy đầu của… trẻ em. Theo quảng cáo, liệu pháp này có thể tẩy nếp nhăn, mờ vết nám, vết thâm và ngăn ngừa mụn… Thực tế đã có nhiều quý bà lãnh hậu quả do sử dụng liệu pháp này…

Nát mặt vì… làm đẹp

nát mặt vì làm đẹp
Những di chứng để lại trên khuôn mặt chị T. khi sử dụng TBG BQĐ tại một trung tâm thẩm mỹ (ảnh do nhân vật cung cấp).

Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị T. trú tại TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc sau một thời gian điều trị tại bệnh viện Da liễu T.Ư do hậu quả từ việc sử dụng loại mỹ phẩm được quảng bá là mỹ phẩm tế bào gốc (TBG) được chiết xuất từ bao quy đầu (BQĐ) của trẻ em.

Chị T. kể: Cách đây 2 tháng, chị có lên mạng tìm gói liệu pháp làm trắng da và được tư vấn dùng gói liệu pháp làm đẹp mới với bộ mỹ phẩm TBG chiết xuất từ BQĐ trẻ sơ sinh. Lúc đầu chị hơi ngại về loại mỹ phẩm này bởi nguồn gốc hơi kỳ lạ của nó, tuy nhiên theo lời tư vấn viên thì loại mỹ phẩm này được các nhà khoa học uy tín ở nước ngoài nghiên cứu, tạo ra và đã được thực hiện lâm sàng mang lại kết quả tốt.

Trong liệu pháp này, sau khi được tẩy da chết bằng các loại hóa chất đặc biệt, khách hàng sẽ được bôi một loại kem chứa chiết xuất từ bao quy đầu lên mặt và sau đó trải qua một quy trình soi da bằng ánh sáng, tổng thời gian cho liệu pháp này chưa đến 30 phút. Ngoài ra, nhân viên tư vấn còn giới thiệu chị T. đến trung tâm thẩm mỹ A.M. trên địa bàn TP.Vĩnh Yên để chọn gói liệu pháp làm đẹp có dòng mỹ phẩm tế bào gốc này.

Một tuần sau đó, chị T. đã tìm đến trung tâm thẩm mỹ trên theo lời giới thiệu. Tại đây, chị được một nhân viên tên P. tư vấn dùng mỹ phẩm chăm sóc da để tắm trắng toàn thân. Cô này còn quảng cáo, ở trung tâm có 3 gói dịch vụ: Loại dưỡng da bình thường (tắm mát- xa toàn thân, dùng kem dưỡng da và tắm muối khoáng) có mức giá 900 nghìn đồng; loại dưỡng da trung bình (tẩy da chết, đắp thuốc thảo dược để làm trắng da) có mức giá 3 triệu đồng và loại dưỡng da cao cấp dùng mỹ phẩm gốc chiết xuất từ bao quy đầu trẻ sơ sinh (tẩy da chết, bôi mỹ phẩm TBG BQĐ để tăng độ trắng của da) với mức giá 9 triệu đồng. Theo lời nữ nhân viên này, chỉ sau 3 giờ làm gói liệu pháp dưỡng da cao cấp, vùng da được trị liệu sẽ sáng trắng dần lên.

Nghe lời giới thiệu quá hấp dẫn, chị T. đã lựa chọn loại dịch vụ tốt nhất của trung tâm với hy vọng mình sẽ có được một làn da trắng sứ như… Ngọc Trinh. Sau đó, chị T. được một nhân viên khác đưa lên phòng tầng 3 để đắp thuốc lên mặt và khắp cơ thể (theo lời kể của chị T., nhân viên trung tâm đã dùng một loại kem thoa lên người chị rồi dùng một loại thuốc bột được đựng trong 2 lọ: Lọ màu vàng dùng để đắp lên người và lọ màu hồng đắp lên tay, chân rồi bó lại bằng túi nilon). “Sau khi đắp được gần 2 giờ, tôi thấy bỏng rát khắp người, choáng váng, khó thở, mắt mờ, ù tai, buồn nôn. Thấy vậy, nhân viên trung tâm đã đưa tôi vào bệnh viện ở gần đó cấp cứu”, chị T. bàng hoàng kể lại.

Cũng theo lời kể của chị T., hồ sơ bệnh án ghi chị nhập viện trong tình trạng bỏng rát, rộp, bong da toàn thân, được chẩn đoán dị ứng chưa rõ nguyên nhân, theo dõi dị ứng thuốc. Sau một thời gian điều trị tại bệnh viện thì vùng da ở thân chị T. đã ổn định, tuy nhiên vùng da mặt được trị liệu bằng TBG BQĐ thì vẫn bị nhiễm trùng. Chị T. được chuyển lên bệnh viện Da liễu T.Ư để tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, vùng da mặt của chị T. vẫn chưa trở lại bình thường.

Đều là đồ… giả mạo!

Theo tìm hiểu của PV, trên thực tế, có không ít người gặp họa khi đi làm đẹp như chị T., nhất là khi nhu cầu sử dụng TBG ngày càng tăng. Mặc dù đã được cảnh báo nhưng việc làm đẹp bằng TBG dường như vẫn quá hấp dẫn đối với những người có nhu cầu “lấy lại tuổi thanh xuân”. Hiệu quả thực sự của TBG trong việc làm đẹp đến nay vẫn chưa được khoa học kiểm chứng, thậm chí bộ Y tế đã có quy định nghiêm cấm sử dụng các kỹ thuật liên quan đến công nghệ TBG trong làm đẹp và cấm sử dụng các hệ cơ quan của con người để sản xuất mỹ phẩm.

Như vậy có thể thấy những dòng mỹ phẩm loại này nếu tồn tại trên thị trường đều là sản phẩm giả mạo. Theo BS. Trần Thiết Sơn, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật tạo hình, bệnh viện Xanh – Pôn: TBG với phương thức lấy từ ba nguồn cung cấp chủ yếu là tủy xương của xương đùi hoặc mào chậu, mô mỡ từ hút mỡ và từ máu chỉ có khả năng thay đổi đáng kể hiệu quả trong điều trị bệnh như cấy ghép tủy xương để điều trị bệnh bạch cầu, điều trị chấn thương cột sống, teo cơ xơ cứng, Parkinson, tổn thương cơ… Còn ứng dụng về thẩm mỹ thì chưa có một nghiên cứu chính thức nào.

BS. Trần Thiết Sơn khẳng định: “Trong lĩnh vực thẩm mỹ, các nghiên cứu có đủ tính thuyết phục về mặt khoa học của TBG mới chỉ dừng lại ở chỗ cải thiện quá trình liền thương của da, tạo một số thay đổi ở cấu trúc da bình thường cũng như sự tăng sinh mô mỡ. Bởi vậy, ứng dụng của TBG trong thẩm mỹ mang nặng tính thương mại nhiều hơn là giá trị thực tế về mặt y học”.

DS- Chuyên khoa cấp II Bùi Văn Huy cũng cho rằng có thể dùng TBG cấy vào da để chúng biệt hóa thành các tế bào da trẻ thay cho tế bào da già. Nguyên tắc là TBG dự định cấy vào da phải phù hợp với người có nhu cầu làm đẹp. Muốn dùng liệu pháp TBG làm đẹp phải mất nhiều thời gian, khó khăn, tốn kém chứ không phải cứ đến thẩm mỹ viện là xong, ai cũng có thể làm. Thêm nữa, tế bào da được làm trẻ rồi cũng sẽ bị già bởi quá trình oxy hóa của chính cơ thể, bởi tác động của tia cực tím trong nắng. Không có chuyện dùng TBG có thể làm cho tươi trẻ vĩnh viễn làn da như quảng cáo!

Bộ Y tế không cấp phép cho bất kỳ mỹ phẩm nào có nguồn gốc từ TBG

Liên quan đến quy định về việc các sản phẩm có sử dụng TBG, một lãnh đạo phòng Quản lý chất lượng mỹ phẩm, cục Quản lý dược (bộ Y tế) cho biết: Trên bao bì sản phẩm, tài liệu quảng cáo do bộ Y tế cấp phép, thành phần và định lượng dưỡng chất lấy từ TBG phải rõ ràng và nêu rõ công dụng. Nếu thông tin trên sản phẩm không có hoặc câu chữ khác là giả mạo.

Hiện nay, bộ Y tế không cấp phép cho bất kỳ mỹ phẩm nào có nguồn gốc từ TBG. Do vậy, trước khi sử dụng, khách hàng phải đề nghị người cung cấp sản phẩm cung cấp tài liệu công bố chất lượng sản phẩm do bộ Y tế chứng nhận, có ghi rõ thành phần dưỡng chất từ tế bào gốc nào. Nếu họ không có, có nghĩa sản phẩm đó là giả mạo.

Khuôn mặt phổng rộp vì kem chống nắng
Khuôn mặt phổng rộp vì kem chống nắng
(Làm Đẹp) – Mùa hè, nhiều chị em dự trữ vài lọ kem chống nắng, nhưng không biết cách sử dụng dẫn đến dị ứng da.

Nguồn: Văn Hậu (Nguoiduatin)/Theo Khỏe & Đẹp

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.