Theo báo cáo của Quĩ Bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF), Tổ chức Động vật (ZS) tại London (Anh) và Mạng lưới vết chân toàn cầu (GFN), hoạt động của con người là nguyên nhân chính làm mất đi 1/3 số lượng các loài sinh vật sống trên trái đất trong 35 năm qua.
Hiện chỉ còn 1.590 gấu trúc trong tự nhiên (Ảnh: AFP) |
Báo cáo cho biết từ năm 1960-2000, dân số thế giới đã tăng gấp đôi. Và mặc dù ngày càng được nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường nhưng các hoạt động của con người như mở rộng đất đai để canh tác, xây dựng đô thị, đánh bắt cá và săn bắn động vật tràn lan, cộng thêm tình trạng ô nhiễm môi trường đã và đang là nguyên nhân chính làm giảm 1/3 số lượng các loài sinh vật sống trên trái đất trong 35 năm qua.
Từ năm 1995-2005, số loài động vật giảm trung bình 30% và từ năm 1970-2005, số loài sinh vật sống trên cạn giảm 25%, loài sinh vật sống ở nước mặn giảm 28% và các loài sống ở môi trường nước ngọt giảm 29%.
Bản báo cáo này sẽ được trình bày tại hội nghị bàn về các vấn đề bảo vệ, bảo tồn các loài sinh vật và môi trường sống được tổ chức tại thành phố Bonn, Đức, từ ngày 19 đến 30-5 với sự tham dự của hơn 5.000 đại biểu trên toàn thế giới.
Theo (TTXVN, Tuổi Trẻ Online)