Bệnh đầu nhỏ (teo não) ở trẻ sơ sinh do virus Zika
Thời gian gần đây, virus Zika – nguyên nhân gây ra bệnh đầu nhỏ (teo não) ở trẻ sơ sinh là một vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm chú ý của đông đảo người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ mang thai vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới những đứa trẻ còn chưa ra đời và có nguy cơ trở thành mối đe dọa lớn với tương lai nhân loại.
Virus Zika gây ra bệnh đầu nhỏ ở trẻ khiến cho trẻ sinh ra có phần đầu dị thường, não không phát triển hoặc phát triển lệch lạc, gây thiểu năng trí tuệ, ngôn ngữ, vận động, cũng như khiến cho khuôn mặt trẻ bị biến dạng, cơ thể còi cọc.
Loại virus nguy hiểm này lây truyền qua một loại muỗi vằn có tên khoa học là Aedes Aegypti. Các triệu chứng của người nhiễm bệnh hầu như không có, nên rất khó phát hiện.
Người mẹ mang thai nhiễm virus Zika có thể sinh con bị bệnh đầu nhỏ.
Hiện tại, bệnh đầu nhỏ, teo não ở trẻ sơ sinh do virus Zika vẫn chưa tìm được phương pháp điều trị thích hợp, hay vắc-xin phòng bệnh. Do đó, việc các chị em phụ nữ mang thai cần tự bảo vệ mình khỏi bị muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài, sử dụng thuốc chống muỗi đốt, mắc màn khi ngủ…, cũng như tiêu diệt muỗi là điều cần thiết và vô cùng quan trọng.
Bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là một trong những căn bệnh lây truyền do muỗi. Nó có thể phát triển thành dịch lớn với nhiều người dùng mắc một lúc gây khó khăn cho việc điều trị, đe dọa sinh mạng của hàng triệu người, đặc biệt là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.
Bệnh sốt xuất huyết lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là có màu đen, chân và thân có những đốm trắng nên ngoài tên khoa học còn có tên gọi là muỗi vằn.
Sốt xuất huyết xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở nước ta, bệnh xuất hiện nhiều trên khắp cả nước. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.
Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Do đó, khi thấy người bệnh có dấu hiệu nghi ngờ bị sốt xuất huyết như sốt cao, xuất huyết trên da, đau bụng, buồn nôn… nên đi viện để được điều trị kịp thời.
Sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Bệnh viêm màng não Nhật Bản
Cũng nằm trong top bệnh do muỗi gây ra cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng con người là bệnh viêm màng não Nhật Bản. Bệnh dễ mắc ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt là ở các trẻ tuổi từ 2 – 6 tuổi. Bệnh gây tử vong cao cũng như có thể để lại các di chứng nặng nề như động kinh, thiểu năng trí tuệ, mất ngôn ngữ… nếu không được chữa trị kịp thời.
Muỗi mang virus gây bệnh viêm màng não truyền bệnh cho người sau khi đốt động vật chứa mầm bệnh. Người bệnh thường có các triệu chứng như sốt cao, nhức đầu dữ dội, nôn mửa, cứng cổ, co giật,… Trẻ nhỏ có dấu hiệu nôn mửa, thóp phập phồng (nếu còn thóp), khóc không thể dỗ nín hoặc khóc tăng lên khi trẻ được bồng lên, hoặc thay đổi tư thế…
Một điều may mắn là hiện đã có vắc-xin để ngừa viêm não Nhật Bản ở trẻ nhỏ. Do đó, các bậc phụ huynh nên cho trẻ tiêm phòng sớm, đủ liều để trẻ có kháng thể phòng chống bệnh. Nếu nghi ngờ người bệnh bị viêm màng não nên nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế, bệnh viện để được điều trị khẩn cấp.
Viêm màng não Nhật Bản có thể gây ảnh hưởng nặng nề cho trẻ nếu không được cứu chữa kịp thời.
Bệnh sốt rét
Muỗi cũng là nguyên nhân trung gian lây truyền bệnh sốt rét, có thể cướp đi sinh mạng của người bệnh nếu không được chữa trị kịp thời. Loài muỗi gây bệnh sốt rét có tên là muỗi Anophen, hút máu của người bệnh có chứa ký sinh trùng sốt rét sau đó đốt sang người khỏe mạnh, truyền ký sinh trùng và khiến người bị đốt nhiễm bệnh.
Bệnh có các triệu chứng điển hình là sốt nóng đi kèm với rét run, nhức đầu, ra nhiều mồ hôi, người mệt mỏi… Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sốt rét sẽ gây thiếu máu, mệt mỏi, gầy yếu ở người bệnh, gây chậm lớn, kém thông minh… ở trẻ nhỏ và gây sảy thai, đẻ non, biến chứng sinh nở ở phụ nữ mang thai.
Bệnh lây lan nhanh và có nguy cơ bùng phát thành dịch với con số người mắc bệnh cùng lúc có thể lên tới cả trăm ngàn người. Do đó, khi có triệu chứng của bệnh, cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, xét nghiệm ký sinh trùng trong máu và điều trị kịp thời, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Nếu để thành sốt rét ác tính, bệnh có nguy cơ tử vong cao.
Vân Anh
Xem thêm video: Nỗi khổ của người đàn ông có nửa khuôn mặt bị biến dạng