Tìm lại tên cho em
Như trong bài viết Gia đình blouse trắng mà Thanh Niên khởi đăng ngày 27.2, Vô Danh nhập viện từ cuối tháng 9.2015 trong tình trạng “thập tử nhất sinh”, không giấy tờ tùy thân, không thân nhân nhưng anh đã giữ được tính mạng sau ca mổ thần kỳ.
Suốt hơn 4 tháng, Vô Danh sống thực vật nên mọi việc ăn uống, vệ sinh, thuốc thang cho cậu đều do 22 cán bộ y tế thuộc Khoa Hồi sức tích cực và chống độc của bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cáng đáng, không một đồng tiền công… Và một lần nữa, điều kỳ diệu tưởng như chỉ có trong cổ tích lại đến với chàng trai này.
Ông Lê Văn Điều (bìa trái) không cầm được nước mắt bên giường bệnh của con trai
Sáng sớm 6.3, BS Trần Quốc Tuấn, Giám đốc BV đa khoa tỉnh Quảng Trị đã vui mừng báo tin cho chúng tôi: “Vô Danh tỉnh rồi. Có người thân đến nhận mặt tối qua rồi. Đây có thể là một trong những điều tuyệt vời nhất đã xảy ra tại bệnh viện của chúng tôi”.
Giờ đây Vô Danh đã có người cha chăm sóc
Tôi bước vào Khoa Hồi sức tích cực và chống độc của BV Đa khoa tỉnh Quảng Trị với cảm giác câu chuyện về sức sống mãnh liệt của Vô Danh không phải là thuốc tiên nhưng đã làm nụ cười hy vọng nở trên môi các y bác sĩ, các thân nhân người bệnh…
Theo bác sỹ Lê Phước Đức (Khoa Hồi sức tích cực và chống độc), sau hơn 120 ngày nằm bất động, cách đây chừng 1 tuần, Vô Danh bỗng có những biểu hiện hồi phục.
“Qua quan sát, thăm khám, chúng tôi thấy mắt cậu ta đảo linh hoạt, ú ớ nói điều gì đó nhưng chưa diễn đạt rõ được. Chúng tôi bảo nhau, hay là điều mình mong chờ đã đến?”, BS Đức nói.
Nhưng chẳng có điều kỳ diệu nào đến một cách vô cớ, dễ dàng. Bởi gần như ngay lập tức khi phát hiện các chuyển biến, các y bác sĩ của khoa đã lập ra một kế hoạch phục hồi đặc biệt cho Vô Danh. Hằng ngày, các y tá cho Vô Danh “tiếp xúc” với một bảng chữ cái, hỏi lui hỏi tới những câu hỏi dạng “có/không” và chờ các phản ứng của cậu ta.
“Ví dụ chúng tôi hỏi Vô Danh: ‘Em quê ở Triệu Phong phải không? Nếu đúng thì nhắm mắt nếu sai thì mở mắt’. Hay hỏi: ‘Tên của em có chữ A không?, nếu có thì nhắm mắt nếu sai thì mở mắt’… Mỗi ngày chúng tôi dành khoảng 3 – 4 tiếng chỉ để làm việc này. Hết ca trực người này thì người khác lại tiếp tục…”, bác sỹ Phùng Thế An vui vẻ kể lại.
Những màn hỏi đáp thủ công ấy cuối cùng đã mang lại một kết quả hơn cả mong đợi. Khoảng 16 giờ chiều 5.3, bằng những tiếng nói chỉ lớn hơn tiếng thở chút ít, Vô Danh nói một cách nhát gừng rằng: “Tôi là Hòa, quê ở Hải Thượng, Hải Lăng”.
“Cháu có thành khùng điên cũng là con trai tôi!”
Thông tin về cậu bé tên Hòa quê ở xã Hải Thượng (H.Hải Lăng) bị gặp nạn ngay lập tức được các y bác sĩ phát đi thông qua các trang mạng xã hội. Trong khi đó, một bác sĩ khác của khoa cũng liên lạc với người quen trú ở xã này để “đánh tiếng”. Không lâu sau, thông tin đã có phản hồi.
Khoảng 19 giờ tối 5.3, một người đàn ông đen đúa, lam lũ tìm đến và nói trong nước mắt: “Cho tôi gặp thằng Hòa, tôi là cha nó”. Và ông ta đã ngã khuỵu bên giường bệnh của Vô Danh, gào khóc, gọi tên con.
“Tôi không có tiền, nhưng nhà vẫn còn sổ đỏ, cầm cố chắc lo được cho cháu”, ông Điều xúc động nói
Trưa 6.3, với đôi mắt đỏ hoe, người đàn ông nọ cho phóng viên Thanh Niên hay ông là Lê Văn Điều (48 tuổi, trú thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng), còn Vô Danh tên đầy đủ là Lê Văn Hòa (18 tuổi).
Ông Điều kể, ông nuôi sống gia đình bằng nghề thợ xây. Cách đây 14 năm vợ ông lâm bệnh, sau 4 ca phẫu thuật khá tốn kém nhưng không đây lùi được bệnh, bà đã qua đời từ năm trước, để lại cho ông em Hòa và một đứa con trai út mới 8 tuổi. “Cháu nó học khá lắm, từ lớp 1 đến lớp 8 đều là học sinh khá, giỏi. Nhưng từ khi mẹ cháu mất, vì buồn đau nên cháu tìm đến game để giải sầu rồi bỏ học luôn. Tôi nói thế nào nó cũng không nghe. Ngày 14.9.2015, cháu nó xin vào Đà Nẵng làm việc, tôi lạy nó rồi nó vẫn đi theo chúng bạn… Có ngờ đâu, từ đó đến hôm nay tôi mới gặp lại cháu trong tình trạng thế này”, ông Điều run rẩy nói.
Cũng theo ông Điều, chỉ sau khoảng một tuần mất liên lạc với con trai, ông đã báo Công an xã và huyện nhờ tìm kiếm. Hơn chục lần sau đó, ông lui tới cơ quan này nhưng không có kết quả. “Thương con, tui đã bế thằng con út mà đi tìm, lân la từ quán game này đến quán game kia, từ Hải Lăng ra Đông Hà nhưng không thấy tăm dạng cháu đâu. Hỏi thăm bạn bè cháu cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. Tôi còn thuê cả đám giang hồ, nói nếu gặp thì lôi cổ nó về… Tết vừa rồi tôi mong lắm, nhưng cháu không về. Tôi đi coi bói thì người ta nói cháu đã chết nước, chết bờ chết bụi…Có ai ngờ cháu chỉ nằm đây, cách nhà chưa đầy 25 cây số”, người cha tội nghiệp phân trần.
Rưng rưng cầm đôi bàn tay gầy guộc như những chiếc đũa của con trai, ông Điều nói: “Con trai tôi, nó có thành thằng khùng điên tôi cũng nhận ra. Giờ cháu đang gầy yếu, lại bị lở loét nhiều nên tôi tính sẽ để cháu lại bệnh viện để các bác sỹ chăm sóc ít hôm đến khi các vết loét lành lại, không bị nhiễm trùng thì tôi mới đưa cháu về nhà săn sóc. Tôi không có tiền, nhưng sổ đỏ trong nhà vẫn còn, mang đi cầm chắc cũng lo được cho cháu…”.
Giữa ngổn ngang ấy, hẳn ông Điều không biết rằng câu chuyện về sự “hồi sinh” của con trai ông và cuộc trùng phùng của 2 cha con ông đã có một hấp lực, truyền đi một sức mạnh đáng kể, cho không chỉ với các y bác sĩ mà cả với những người bệnh, những thân nhân người bệnh. Rằng, cuộc đời vẫn nhiều dâu bể đấy, vẫn nhiều đau thương đấy, nhưng không có gì là không thể…!
Nguồn: Theo Thanh Niên
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.