5 cách để tránh ngộ độc thực phẩm

Luôn kiểm tra hạn sử dụng

Khi mua thực phẩm đóng gói hãy nhớ kiểm tra ngày hết hạn, đặc biệt là các mặt hàng dễ hỏng như sữa, thịt và các sản phẩm gia cầm. Không mua thức ăn chỉ còn một vài ngày nữa hết hạn hoặc ngửi thấy mùi hôi. Tránh mua thực phẩm trong lon bị sứt mẻ hoặc bị phồng lên, bởi hiện tượng này có thể là một dấu hiệu nhiễm khuẩn.

Ảnh: internet

Dùng thớt riêng biệt

Các loại thịt gia cầm hoặc hải sản đều có thể chứa vi khuẩn Salmonella làm tăng nguy cơ ngộ độc. Vì thế, lúc mua cần đặt thịt và cá vào trong túi ni lông trước khi đưa vào giỏ hàng để tách biệt chúng khỏi các loại trái cây và rau quả. Trong lúc chuẩn bị thức ăn, dùng 2 cái thớt khác nhau, một cái để cắt rau củ, một cái để cắt thịt, cá sống. Sau khi dùng xong, phải đảm bảo rửa dao, thớt thật kỹ bằng xà phòng và nước ấm.

Lưu trữ thực phẩm an toàn

Sau khi thực phẩm mua về, nên cho vào tủ lạnh càng sớm càng tốt. Tránh đem thức ăn từ tủ lạnh ra ngoài quá 2 tiếng đồng hồ khi chưa chế biến. Nếu không chắc chắn về độ an toàn của thực phẩm nào đó, tốt nhất nên bỏ đi, đừng tiếc nuối nếu không muốn rước họa vào thân.

Rửa tay sạch sẽ

Theo Everyday Health, rửa tay bằng xà phòng trước khi chuẩn bị nấu ăn là khâu rất quan trọng để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm do các vi khuẩn như Salmonella và E.coli gây ra. Cũng cần lưu ý rửa tay thật kỹ sau khi đi vệ sinh, thay tã, hoặc chơi đùa với chó mèo. Bên cạnh đó, để ngăn ngừa ngộ độc, cần rửa, lau bát đĩa thường xuyên với nước nóng.

Nấu chín thức ăn

Nhiệt độ có tác dụng diệt vi trùng. Vì thế, khi đun nấu cần đảm bảo thịt, cá phải thật chín. Sau khi ướp thực phẩm, nếu chưa nấu hãy cho vào tủ lạnh thay vì đặt bên ngoài, vì môi trường bên ngoài rất thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập.

Nguồn: Theo Thanh Niên

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.