Nếu em bé mới sinh của bạn bị ngạt mũi, thường xuyên hắt xì hơi và thỉnh thoảng ho, bạn nên thử một vài cách trị nghẹt mũi cho trẻ ở nhà trước khi đem bé đến gặp bác sĩ. Dưới đây là 5 cách được cho là hiệu quả nhất và được nhiều bà mẹ áp dụng mà bạn nên tham khảo.
1. Nhỏ dung dịch nước muối sinh lý
Nước muối sinh lý là giải pháp hiệu quả giúp chống lại tình trạng mũi khô, nghẹt mũi và loại bỏ chất nhờn khô đóng vảy bên trong mũi. Bạn có thể dễ dàng tìm mua dung dịch muối sinh lý trong các hiệu thuốc gần nhà.
Cách làm:
– Đặt em bé nằm ngửa, lấy gối kê đầu bé lên.
– Nhỏ từ 2 – 3 giọt nước muối sinh lý vào trong lỗ mũi bé để làm ẩm phần dịch mũi khô cứng.
– Chờ khoảng 1 phút rồi lật em bé nằm nghiêng cho nước muối chảy ra. Nếu tình trạng nghẹt mũi nặng hơn, mẹ có thể rửa mũi cho con để bé thấy dễ chịu hơn. Cách rửa mũi mẹ tham khảo tại đây nhé!
Chú ý, không nên dùng tăm bông hoặc khăn giấy nhét trực tiếp vào lỗ mũi của trẻ vì các đồ vật này có thể khiến tình trạng nghẹt mũi trở nên trầm trọng hơn, hoặc tổn thương màng da mỏng bên trong mũi.
2. Làm tăng độ ẩm không khí
Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng tắc mũi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là do không khí khô. Điều này xảy ra phổ biến nhất vào mùa đông, nhưng tin tốt là bạn có thể khắc phục được. Bạn có thể sử dụng máy phun sương để cung cấp thêm độ ẩm cho phòng, nhờ vậy mũi của trẻ sẽ không bị khô và không dẫn đến nghẹt mũi. Tuy nhiên, hãy chắc chắn rằng máy phun sương bạn dùng được vệ sinh sạch, nếu không vi khuẩn và nấm mốc trong máy có thể khiến trẻ bị lây nhiễm bệnh.
3. Làm thủ thuật hút mũi
Ngoài ra, bạn còn có thể sử dụng dụng cụ hút mũi chuyên dụng để vệ sinh mũi cho bé.
Cách làm:
– Trước tiên, nhỏ từ 2 – 3 giọt dung dịch nước muối sinh lý vào lỗ mũi trẻ ở tư thế trẻ nằm ngửa.
– Tiếp theo, bóp ống nén khí để ép không khí ra khỏi ống, và nhẹ nhàng chèn đầu nhỏ của dụng cụ vào lỗ mũi của trẻ.
– Thả lỏng tay ở đầu kia ra để hút không khí vào và làm thông lỗ mũi của trẻ
Có thể lặp lại cách làm này cho đến 2 lỗi mũi bị ngạt được thông.
4. Lấy dử mũi khô ra khỏi mũi
Đơn giản hơn, để làm thông thoáng lỗ mũi của trẻ sơ sinh, bạn có thể lấy dử mũi khô bị tắc trong lỗ mũi của chúng. Thông thường, dử mũi nhiều sẽ bị khô cứng lại khiến trẻ ngứa mũi, khó thở và quấy khóc. Chỉ cần bạn tìm ra đúng nguyên nhân trẻ bị tắc mũi do dử mũi khô, cách giải quyết vấn đề này trở nên dễ dàng!
5. Chú ý các dấu hiệu nguy hiểm
Trong một số tình huống nguy hiểm, tắc nghẹt mũi có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn như sốt, phát ban, cúm, cảm lạnh, vấn đề ăn uống và ngủ nghỉ… Do đó, bạn không nên chủ quan khi trẻ bị tắc mũi. Hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh kịp thời.
Nguyễn Mai – Nguồn: LH
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.