5 cổ vật “giả mạo” gây “rung chuyển” thế giới

5 cổ vật

Trong kho tàng khảo cổ vô giá của loài người, có không ít cổ vật đã được cho là “giả mạo”. Tuy nhiên, một số cổ vật, dù vẫn đang bị nghi ngờ về tính xác thực nhưng lại ẩn chứa tiềm năng thay đổi cả lịch sử loài người nếu được chứng minh là “hàng thật”.

Những phát hiện khảo cổ được cho là “giả mạo” có khả năng “rung chuyển” cả thế giới

Hãy cùng đến với những cổ vật có khả năng rung chuyển thế giới qua bài viết dưới đây, theo tổng hợp từ trang Livescience.

1. Tài liệu nói về chuyện vợ của Chúa Jesus

Mặc dù khá nhiều tài liệu đã đề cập đến gia đình của Chúa Jesus nhưng chưa một văn bản nào nói về tình trạng hôn nhân của Ngài.

Tuy vậy, vào tháng 9/2012, Giáo sư Karen King thuộc ĐH Harvard đã đưa ra văn bản nói về chuyện vợ của Chúa Jesus.

Tài liệu được đưa ra mang tên: “ Bản Phúc Âm về vợ Chúa Jesus” – The Gospel of Jesus’s Wife – được viết bằng tiếng Coptic (ngôn ngữ được sử dụng trong giáo hội Ai Cập). Bản dịch của tài liệu này có câu nói của Chúa tới các môn đồ rằng “vợ của ta có thể trở thành một tông đồ”.


Bản Phúc Âm của vợ Chúa Jesus được công bố vào năm 2012

Bên cạnh đó, bản Phúc Âm có nhắc đến tên của bà là Mary – được cho là Mary Magdelene. Theo Kinh Tân Ước, Mary Magdalene là người phụ nữ đi theo Chúa và thân cận hơn bất kỳ người phụ nữ nào khác theo nhiều tài liệu cổ.

Rất nhiều học giả đã cho rằng, tài liệu này là giả. Một học giả tuyên bố tìm thấy một đoạn của bài Phúc Âm trên Internet, nên chắc chắn tài liệu là “fake”. Một học giả khác quả quyết, mực viết trên tài liệu này là mực hiện đại nên bằng chứng đó là giả mạo.


Một số đoạn được cho là trùng khớp với bản Phúc Âm trên Internet

Tuy vậy, vào năm 2014, xét nghiệm carbon đưa ra kết quả rằng các dòng chữ này được viết trong khoảng từ thế kỷ IV và VIII, nên có khả năng là “đồ thật”.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Columbia đang thực hiện xét nghiệm khác trên mực viết nhằm chứng minh tính chân thực của tài liệu này. Kết quả nghiên cứu dự tính được công bố trong thời gian sắp tới.

Có thể nói, nếu thông tin trên tài liệu được chứng minh là thực sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới cộng đồng Thiên Chúa Giáo trên toàn thế giới.

2. Hộp sọ của người Piltdown

Năm 1912, Arthur Smith Woodward – nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London đã công bố tìm ra một chủng người cổ chưa từng được biết đến tại Piltdown (Anh). Chủng người này được đặt tên là Eoanthropusdawsoni, được cho là tồn tại cách đây một triệu năm.


Hộp sọ của người Piltdown

Vào thời điểm đó, việc người cổ đại từng sinh sống tại Anh là điều chưa từng được chứng minh nên phát hiện này đã thực sự gây chấn động cho giới khảo cổ học.


Nhóm các học giả cùng nghiên cứu hộp sọ người Piltdown . Bức vẽ được thực hiện bởi họa sĩ John Cooke năm 1915

Dù nhiều nhà khoa học hoài nghi giả thuyết của Woodward nhưng những cổ vật được khai quật đã dập tắt nghi ngờ. Chỉ đến năm 1959, người ta phát hiện ra hộp sọ của người Piltdown chỉ là giả mạo. Chúng được làm từ xương người và đười ươi.

Một cuộc điều tra lớn được mở ra, xác định ít nhất 7 đồng phạm trong vụ này. Đáng chú ý là có một số thông tin cho rằng, trong số những người đồng lõa đó có cả Sir Arthur Conan Doyle – tác giả bộ truyện trinh thám Sherlock Home nổi tiếng thế giới.

3. Tảng đá khắc chữ rune tại Kensington

Năm 1898, một người nông dân tên Olof Ohman đã tìm ra một tảng đá có khắc các chữ rune (chữ viết cổ của người Bắc Âu) tại thị trấn Kensington, tiểu bang Minnesota (Mỹ).


Tảng đá chữ rune tại Kensington

Trong vòng hơn một thế kỷ sau đó, rất nhiều học giả đã phân tích tảng đá này. Có người cho rằng, dòng chữ rune trên đá được khắc vào thế kỷ XIV – khi tộc người Vikings chinh phạt Minnesota.

Vào thời điểm đó, chưa từng có một bằng chứng lịch sử nào cho thấy người Vikings đã đến Minnesota, ngoại trừ phiến đá do Ohman tìm thấy.

Tuy nhiên ngày nay, hầu hết các học giả đều cho rằng phiến đá này là giả mạo. Theo Henrik Williams, giáo sư thuộc ĐH Uppsala, thời đại của người Viking kéo dài đến thế kỷ XI. Trong khi đó, các dòng chữ này được khắc từ thế kỷ XIX và chúng thậm chí còn không khớp với hệ thống chữ rune thế kỷ XIV và trước đó.

4. Hộp sọ bằng pha lê

Các hộp sọ bằng pha lê bắt đầu xuất hiện tại chợ đồ cổ vào thế kỷ XIX. Người ta cho rằng, các hộp sọ này thuộc quyền sở hữu của người Olmec, Maya, Toltec và Aztec.

Có người đưa ra giả thuyết rằng, những người thuộc lục địa Atlantis trong truyền thuyết đã tạo nên các hộp sọ này, thậm chí người ngoài hành tinh chính là tác giả của hộp sọ pha lê đó.

Các hộp sọ này đã một thời làm mưa làm gió trong giới khảo học. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng các hộp sọ này được tạo ra trong thế kỷ XIX và XX.

Theo các chuyên gia, những người thợ kim hoàn thời đó tạo nên các hộp sọ pha lê nhằm mục đích kiếm tiền. Ngoài ra, một số người khác có mục đích muốn lan truyền các giả thuyết “kinh dị” nói trên.

5. Bản ghi Kinh Thánh đầu tiên

Vào tháng 3/2011, một nhóm các học giả tuyên bố rằng họ đã tìm thấy một số bản Kinh Thánh được chép tay, có niên đại từ thế kỷ đầu tiên sau CN. Đó là những bản Kinh Thánh cổ nhất được tìm thấy từ trước đến nay.


Nếu là thật, đây sẽ là tài liệu cổ nhất từng được phát hiện về Kinh Thánh (Ảnh minh họa)

Phát hiện này lẽ ra đã gây nên một cơn chấn động, nếu như không bị phát hiện là giả mạo sau đó ít lâu. Steve Caruso, người chuyên dịch tiếng Aramaic (ngôn ngữ cổ có niên đại 3.000 năm), cho biết: “Trong các bản ghi này có rất nhiều ký tự Aramaic cổ, có niên đại ít nhất 2.500 năm. Tuy nhiên, chúng lại được trộn lẫn với các ký tự mới hơn và từ đó tôi biết được chúng là giả mạo”.

 

Theo Trí Thức Trẻ