5 điểm du xuân nên tới dịp đầu năm tại Hà Nội

Đầu năm là thời điểm thích hợp để đi du xuân. Tại Hà Nội, có một số điểm nên tới thăm, vãn cảnh dịp đầu xuân cho độc giả. Dưới đây là những điểm đến tại Hà Nội được cho là khá lý tưởng để các bạn chọn cho chuyến du xuân đầu năm.

Theo bà Trang – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, đầu tiên phải kể tới chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức)“Dịp đầu xuân, thông thường người ta hay đến với Chúa, Phật, các Ngài có công với đất nước như Đức Thánh Gióng, Đức Thánh Tản, Mẫu Liễu Hạnh, Đức Phật Bà (Chùa Hương), đình Tây Đằng…

Dưới đây là 5 điểm đến hấp dẫn là gợi ý lý tưởng cho bạn khi đi du xuân:

  • 1

    Lễ Hội chùa Hương

    Giới thiệu về lễ hội chùa Hương

    Từ xưa cho đến nay du khách trẩy hội Chùa Hương đã biết đến một quần thể hang động mang đậm đà màu sắc tín ngưỡng dân gian – đạo Phật với nền văn hoá nông nghiệp (ao bèo, con trâu, đàn lợn, nong tằm, né kén…) và phảng phất cả văn hoá phồn thực (bầu sữa mẹ, núi cô, núi cậu…) du khách đến Chùa Hương cầu mong mọi sự tốt lành (cầu của, cầu con, cầu bình an…).

    Chùa Hương gắn liền với tín ngưỡng dân gian thờ Chúa Ba: Theo truyền thuyết thì ở vùng “linh sơn phúc địa này “vào thế kỷ đầu tiên đã có công chúa Diệu Thiện tục gọi là chúa Ba ứng thân của Bồ Tát Quán Thế Âm đã vaò đây tu hành 9 năm , đắc đạo thành phật đi cứu độ chúng sinh. (ngày phật đản là ngày 19 tháng hai hàng năm theo âm lịch). Đây cũng là giữa mùa xuân, mùa của trăm hoa đua nở, cây cỏ xanh tươi khí trời mát mẻ.

     

    “ Hôm qua em đi Chùa Hương

    Hoa cỏ mờ hơi sương …”

    (Nguyễn Nhược Pháp)                               


    Người xưa có câu “ Xuân du phương thảo địa” (Mùa xuân đến nơi đất có hoa cỏ đẹp . Hoặc quan niệm “tháng giêng là tháng ăn chơi…” nên các tao nhân mặc khách thường lui tới những nơi có danh thắng đẹp để thưởng ngoạn, chính vì thế Chùa Hương là nơi hội tụ của bao người.

    Vào tháng 3 năm Canh Dần (1770) Chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm tuần du Trấn Sơn Nam với cả quan quân dưới trướng. Nhà Chúa đã vào động Hương Tích và đề lên vách đá cử động năm chữ “Nam thiên đệ nhất động”. Động Hương Tích đã là nơi linh địa, lại được Nhà Chúa ca ngợi “Nam thiên đệ nhất động” thì lại càng đắc địa với lòng người. vì lẽ động Hương Tích thờ Phật bà Quán Thế Âm, là chỗ dựa tinh thần của lòng dân để cầu bình an và mọi điều tốt lành.

    Có thể nói, Chúa Trịnh Sâm là người đặt nền móng đầu tiên cho lễ hội Chùa Hương, và cũng từ đó hàng năm khi mùa xuân đến, dần dần du khách đến với lễ hội ngày một đông vui. Nhưng phải mãi đến năm 1896 niên hiệu Thành thái năm thứ 8 mới chính thức mở hội lớn. Xưa hội chùa Hương thường được mở sau ngày lễ hội khai sơn của làng Yến Vỹ vào ngày mùng 06 tháng giêng.

    Làng Yến Vỹ làm lễ khai sơn tại đền Ngũ Nhạc “Đền Trình”, thờ sơn thần là ông Hổ một tín ngưỡng thờ vật thiêng của cư dân làm nghề khai thác lâm sản, mà nay ta thường thấy dưới hạ ban trong đền, điện, phủ có thờ quan ngũ dinh. Trải qua các lớp thời gian, Đền Ngũ Nhạc từ tín ngưỡng thờ vật thiêng Đã cấy vào một vị nhân thần có tên là Hùng Lang, một vị tướng thời Vua Hùng Huy Vương thứ VI, có công đánh đuổi giặc Ân, trừ bạo cho nước.

    Lễ khai sơn vốn là nghi lễ của người việt cổ tạ thần núi, tạ bà chúa rừng mong trong năm làm ăn may mắn tránh được tai ương, tà ma thú giữ. Trong ngày lễ này, sau những nghi thức cúng lễ dân làng cử một bô lão có uy tín trong làng, gia đình song toàn, nhà không có tang… thay mặt dân làng cầm dao đi ra phía sau Đền, chặt một số cành cây, giây leo “lấy phép”. Kể từ ngày hôm đó người dân mới chính thức vào rừng.

    Ngày nay cùng với sự phát triển của xã hội, lễ hội này đã trở thành một lễ hội lớn thu hút hàng triệu lượt du khách về thăm quan chiêm bái. Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương hàng năm lấy ngày mùng 6 tháng giêng âm lịch hàng năm là ngày khai hội Chùa Hương.


    chua huong


    Lễ hội chùa Hương năm 2014 có gì mới?

    Kéo dài từ mùng 6 tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch, lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức – Hà Nội) là một trong những điểm thu hút khách hành hương lớn nhất miền Bắc những ngày đầu xuân.

    Một trong những điểm mới ở Lễ hội chùa Hương 2014 là Ban quản lý di tích sẽ đưa vào sử dụng và khai thác nhà soát vé mới tại bến Thiên Trù. Ngoài ra, toàn bộ vé thăm thắng cảnh chùa Hương mùa hội năm nay sẽ được thay thế bằng thẻ từ có mã vạch. Cùng với đó, một trạm kiểm tra vé được xây mới với 19 cửa có lắp camera giám sát sẽ được đưa vào sử dụng trong mùa hội này, thay thế cho các cửa zích zắc thiếu thẩm mỹ được sử dụng từ nhiều mùa hội trước.
    |
    Theo thống kê sơ bộ thì lượng thuyền đò tham gia vận chuyển khách cũng đã được kiểm tra, đăng ký với số lượng lên tới khoảng gần 5.000 chiếc, vì thế hiện tượng “cháy” đò trong những ngày cao điểm sẽ hiếm khi xảy ra.
    Tuy nhiên, năm nay giá vé cáp treo trong mùa hội 2014 sẽ tăng lên 140.000 đồng/2 chiều thay vì 120.000 đồng/2 chiều như mọi năm. Ban tổ chức lễ hội cũng đã thiết lập một đường dây nóng, công khai số điện thoại của trưởng và phó thường trực ban tổ chức lễ hội để tiếp nhận trực tiếp những phản ánh của du khách.
  • 2

    Hội Gióng

    hoi giong vtc

     Hội Gióng – một lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm tại nhiều nơi ở Hà Nội

    Lễ hội Thánh Gióng (hay hội làng Phù Đổng) là một trong những lễ hội dân gian có quy mô lớn nhất ở khu vực đồng bằng Bắc bộ.

    Theo truyền thuyết, ngày 9/4 âm lịch là ngày ông Gióng thắng giặc Ân và đó cũng là ngày tưởng nhớ người anh hùng, nhân dân đã tổ chức hội làng Phù Đổng. Hiện Thánh Gióng được phụng thờ ở Hà Nội và nhiều địa phương khác.

    Mang đặc điểm chung của lễ hội dân gian, lễ hội Thánh Gióng lắng đọng khá nhiều lớp phù sa lịch sử – văn hóa, vẫn lưu giữ những nét riêng ít lễ hội dân gian nào có được.

    Yếu tố “gốc” của lễ hội Thánh Gióng tồn tại chủ yếu trong tiềm thức con người qua các thế hệ, gắn bó với mỗi người và luôn được tiếp nhận cái tinh túy, bồi đắp thêm những lớp phù sa văn hóa – tín ngưỡng, đồng thời cũng sàng lọc những yếu tố không còn thích hợp để sự sáng tạo ấy luôn mang tầm nhân loại.

    Tại Hà Nội, hiện thống kê được 5 làng có đền thờ Thánh Gióng: Đền Sóc (Phù Ninh, Sóc Sơn), đền Thánh Gióng (Phù Đổng, Gia Lâm), đền Sóc (Xuân Đỉnh, Từ Liêm), đền Gióng (Đông Bộ Đầu, Thường Tín) và đền Gióng (Chi Nam – Gia Lâm).

    Hàng năm, các địa phương thờ Thánh Gióng đều rất sáng tạo để tổ chức lễ hội, tưởng nhớ người anh hùng. Làng Phù Đổng diễn lại chiến công của Thánh Gióng, bắt 28 cô gái xinh đẹp của làng làm tướng giặc. Làng Sóc diễn lại cảnh Thánh Gióng đánh trận rồi bay về trời…

    Điểm nhấn của hội Gióng ở các địa phương là hội trận mà không có gươm đao, tất cả được tái hiện bằng biểu tượng. Lễ hội Thánh Gióng là một hệ thống biểu tượng có những tầng ý nghĩa sâu xa, lâu đời, nhưng cũng có tầng ý nghĩa mới mẻ, cô đọng.
  • 3

    Lễ hội đền Thánh Tản Viên

    5 điểm du xuân lý tưởng ở Hà Nội

    Nhắc tới Ba Vì không thể không nhắc tới hình ảnh núi Ba Vì- đó là ngọn núi kỳ vĩ và linh thiêng gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh – Đức Thánh Tản. Hiện nay, trên địa bàn huyện Ba Vì có gần 80 điểm thờ Tản Viên Sơn Thánh. Đó là những minh chứng cho sự ảnh hưởng mạnh mẽ về hình tượng Đức Thánh Tản trong tín ngưỡng dân gian của người Việt- nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Ba Vì.

    Cụm di tích đền Hạ- đền Trung- đền Thượng, thờ Đức Thánh Tản Viên thuộc địa phận hai xã Minh Quang và Ba Vì. Đền Thượng hay còn gọi là chính cung Thần Điện. Theo truyền thuyết và Ngọc phả có liên quan cho rằng, đền Thượng có từ thời An Dương Vương.

    Đền có vị trí và kiến trúc độc đáo, một mái lộ thiên lợp ngói và một mái ngầm dưới lòng tảng đá lớn nằm ở độ cao 1.227m bên sườn núi Ba Vì. Đền Trung hay còn gọi là Trung cung, tọa lạc ở lưng chừng núi Ba Vì.

    Đền thờ bà Ma Thị Cao Sơn,vị thần chủ cai quản núi Tản Viên, đồng thời cũng là mẹ nuôi của Đức Thánh Tản. Đền Hạ còn gọi là Tây cung, nằm dưới chân núi Tản, bên bờ sông Đà. Theo truyền tích kể lại, đây là nơi anh, em Sơn Tinh trên đường từ động Lăng Xương sang núi Tản kiếm củi, vì trời tối không về kịp nên phải dựng lều nghỉ lại. Về sau, nhân dân đã lập miếu thờ để tưởng nhớ Ngài và gọi là đền Hạ.

    Lễ hội tại cụm di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ được tổ chức vào ngày 14 và 15 tháng giêng hàng năm.

    Các nghi thức truyền thống của lễ hội đều được phục dựng theo truyền thống như: Lễ rước nước từ đền Hạ lên đền Trung; lễ hiến thánh 5 thôn- xã Minh Quang, lễ dâng hương tại các đền và các trò chơi dân gian gồm: kéo co, bắn nỏ, đi cà kheo, đẩy gậy, cờ tướng, leo núi, chọi gà, bóng chuyền nam, ném còn, bóng đá thiếu niên cúp Tản Viên.

  • 4

    Lễ hội Phủ Dầy – tôn vinh Thánh Mẫu Liễu Hạnh

    hội phủ giầy


    Rước kiệu trong hội Phủ Dầy

    Phủ Tây Hồ và đền Kim Ngưu thuộc thôn Tây Hồ, nay là phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Phủ Tây Hồ cách trung tâm Thủ đô khoảng 4km về phía Tây. Phủ nằm trên bán đảo lớn của làng Nghi Tàm, nhô ra giữa Hồ Tây, trước là đất của một làng cổ của kinh thành Thăng Long nằm ở phía Đông của hồ Tây nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ – Hà Nội.

    Các công trình kiến trúc của Phủ Tây Hồ, bao gồm cổng làm kiểu tam quan, kiến trúc chính 3 nếp (Tam tòa thánh mẫu); phương đình, tiền tế, hậu cung; Điện Sơn Trang, khu nhà khách, lầu Cô, lầu Cậu. Di tích Phủ Tây Hồ hiện còn lưu giữ được khối di vật khá phong phú mang giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật thuộc thế kỷ XIX, XX như bộ tượng tròn gần 300 pho, hoành phi, câu đối…Đặc sắc nhất là bức đại tự ghi: “Thiên tiên trắc giáng” (Tiên trời xuất hiện) và bức hoành phi ở cửa cung đề: “Mẫu nghi thiên hạ” (làm mẹ của cả thiên hạ).

    Đáng chú ý nhất trong các điện thờ Mẫu thường có ba pho tượng nữ thần đặt song hành: Mẫu Thượng Ngàn là vị mặc áo xanh lá cây tượng trưng cho rừng, nơi con người xưa sinh sống bằng các loại củ; Mẫu Thoải (thủy) là vị mặc áo trắng, tượng trưng cho nước; Mẫu Địa là vị mặc áo vàng, tượng trưng cho đất. Ba vị mẫu này hợp thành Tam phủ, giải thích quá trình tiến hóa của cư dân Việt, từ rừng núi, sông suối xuống đồng bằng định cư trồng lúa nước. Cũng theo quan niệm Tam phủ thì, cai quản thiên phủ có thiên quan ban phúc lộc cho con người, cai quản địa phủ có địa quán xá bỏ tội lỗi cho con người, cai quản thủy phủ có thủy quan cởi bỏ mọi chướng ngại, khó khăn cho con người. Với sức mạnh huyền bí ban phúc, xá tội và giải ách, tín ngưỡng Tam phủ rất hấp dẫn mọi người.

    Ở phủ Tây Hồ, nơi thờ Mẫu lớn nhất ở Hà Nội, sau ban Tam Tòa là hậu cung riêng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh: “tượng Mẫu Liễu được đặt trong hậu cung nơi thâm nghiêm, sâu và cao nhất. Tượng mặc áo đỏ, có khăn vàng vắt qua người, ngồi xếp bằng trong một khám thờ riêng được sơn son thếp vàng lộng lẫy với các hình chạm trổ lưỡng long chầu nhật và nhiều hoa văn khác.

    Phía sau đầu là vòng hào quang, tạo cho Mẫu Liễu có dáng vẻ uy nghi linh thiêng.”. Phủ Tây Hồ gắn liền với huyền thoại Thánh Mẫu Liễu Hạnh gặp gỡ và họa thơ với các văn sĩ Phùng Khắc Hoan và hai ông Ngô, Lý.

    Làm thế nào để có một cuộc sống hạnh phúc, sống cho ra sống, sống thật hiển hách, rỡ ràng là tinh thần của Đạo Mẫu mà tiếng nói từ hình tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh chính là phát ngôn hùng hồn cho Đạo Sống của người Việt Nam.
     
    Vào dịp tết đến xuân về, du khách thường đổ về đây rất đông, vì cùng với việc lễ cầu may, họ còn thưởng ngoạn cảnh đẹp Tây Hồ, nhớ về “áo mây xe gió” của bà chúa Liễu Hạnh, khi nhớ về bài thơ Nôm của Tiến sĩ triều Lê Lương Hữu Khánh vịnh cảnh đẹp Tây Hồ. Được coi là nơi linh thiêng nên phủ Tây Hồ được nhiều người đến cúng lễ và cầu phúc, cầu lộc, nhất là vào ngày 3 tháng ba và ngày 13 tháng tám âm lịch. Phủ Tây Hồ đã được Bộ văn hóa cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa ngày 13/2/1996
  • 5

    Hội đình Tây Đằng

    dinh tay dang vtc

     Đình Tây Đằng

    Người Hà Tây bây giờ đã dần quen với cái tên người Hà Nội nhưng văn hóa một đời đâu thể dễ phai màu trong tâm trí. Ngôi đình thờ Tản Viên, một trong bốn vị thánh bất tử của Đạo giáo Việt Nam, một trong những nhân vật hàng đầu của thần thoại Việt-Mường cổ. Theo truyền thuyết, Tản Viên là thần núi Ba Vì-Sơn Tinh, được vua Hùng thứ 18 gả công chúa Ngọc Hoa, bị Thủy Tinh dâng nước, kéo thủy quái đánh trả mối hận không lấy được con gái vua Hùng. Tản Viên được coi là một trong 50 con của Âu Cơ – Lạc Long Quân theo mẹ lên núi, có công giúp vua Hùng thứ 18 bình Thục Phán. Tản Viên còn là hình tượng nói lên sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam trong quá trình trị thủy, tiến hành nghề trồng lúa nước để sinh tồn và phát triển. Phía trước đình Tây Đằng là mảnh đất rộng làm nơi sinh hoạt cộng đồng trong ngày hội. Tiếp đó là hồ bán nguyệt ở ngay trước nghi môn trụ.

    Diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch, tưởng nhớ công lao đức thánh Tản Viên và hai vị tướng của ông là Cao Sơn và Quý Minh, hội đình Tây Đằng mang đặc trưng của lễ hội truyền thống đồng bằng Bắc bộ Việt Nam. Trong lễ hội có lễ dâng hương, rước kiệu và bài vị của ba thánh.

    Ngoài ra, cũng còn khá nhiều lễ hội đáng chú ý khác như hội chùa Bối Khê (xã Tam Hưng, Thanh Oai, mở vào 2/1 âm lịch), hội chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương, Chương Mỹ, diễn ra từ 4 – 6/1 âm lịch), hội Quán Thánh (xã Thống Nhất, Thường Tín, mở vào 8/1 âm lịch), hội chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi, Thường Tín, diễn ra từ 8 – 10/1 âm lịch), hội làng Chuông (xã Phương Trung, Thanh Oai, diễn ra vào 10/1 âm lịch), hội Dô (xã Tuyết Nghĩa, Quốc Oai, 36 năm mới mở hội một lần diễn ra từ ngày 10 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch)…

    Năm 2014, Hà Nội có 5 di tích được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt trong đó có Di tích lịch sử Đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), Di tích lịch sử Đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ), Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm), Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm), Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Tây Đẳng (huyện Ba Vì).
     
    Hi vọng những thông tin chi tiết cụ thể dưới dây sẽ giúp các bạn có một kế hoạch du xuân thật sự hợp lý.