5 điều quý giá mẹ nên dạy bé trước 5 tuổi

0
112
Bởi có khi nào là quá sớm khi chúng ta vẽ lên trang giấy trắng những gì tuyệt đẹp nhất, thay vì để chúng tự ố màu? Vì thế, dưới đây là một số điều mà mọi trẻ em nên biết trước lần sinh nhật thứ 5 của mình, cũng như cách để chúng dễ dàng thích nghi hơn với những điều đó.

Điều thứ nhất: Trung thực

Giúp trẻ biết cách nói ra sự thật – đó là điều đầu tiên mẹ nên dạy cho con! Và cách tốt nhất để khuyến khích sự trung thực của bé chính là bố mẹ, người lớn… phải trung thực với bản thân trước đã.

Hãy cùng xem câu chuyện sau nhé: Carol quyết định sẽ giới hạn số ngày vui chơi của cậu con trai ba tuổi của mình – Chris với cậu bạn Paul. Vì hai đứa trẻ gần đây luôn đánh nhau nên Carol nghĩ tốt nhất là tách riêng hai đứa ra. Vì vậy, vào một buổi chiều, khi mẹ Paul gọi sang để xin phép cho hai đứa gặp nhau, Carol đã nói Chris đang bị ốm.

Nghe được câu nói ấy, con trai cô hỏi: “Mẹ ơi, con bị ốm ạ? Con bị sao cơ?” Carol bị bất ngờ với cái nhìn đầy lo âu của con mình, cô giải thích với thằng bé rằng mình chỉ nói vậy vì không muốn làm tổn thương mẹ của Paul. Nhưng sau đó Carol tiếp tục bị đẩy vào những tình thế vô cùng phức tạp khác, vì phải giải thích cho mọi lời nói dối của mình. Chris đã vô cùng thất vọng, vì tất cả những gì thằng bé hiểu là mẹ-mình-đang-nói-dối.

Con cái sẽ học theo mọi thứ từ bố mẹ, nên cố gắng tránh nói dối về bất cứ điều gì là rất quan trọng, kể cả những thứ có vẻ vô hại nhất. (Chẳng hạn: “Đừng nói cho bố biết chiều nay chúng ta đã đi mua kẹo nhé”). Hãy để con nghe được những điều thật lòng từ bố, mẹ đối với mọi người xung quanh. Và lẽ ra Carol sẽ thấy tốt hơn nếu cô ấy nói rằng: “Tôi nghĩ bọn trẻ cần có thêm chút khoảng cách, vì tuần trước chúng đánh nhau nhiều quá! Chị có nghĩ thế không?” Như vậy, sẽ chẳng có ai bị tổn thương, và cậu bé Chris sẽ không phải thất vọng về mẹ như thế.


Không bao giờ là quá sớm khi dạy cho trẻ những điều tốt đẹp.

Một cách khác để làm tăng giá trị của sự trung thực: Đừng làm quá lên nếu như con cái nói dối bạn. Thay vào đó, hãy giúp chúng tự nói ra sự thật.

Và đây là một câu chuyện khác: Một buổi chiều, khi bà mẹ của Janice (4 tuổi) bước vào phòng khách, cô thấy chậu cây cảnh nghiêng ngả với nhiều cành cây bị gãy nát. Ngay lập tức, cô đã hiểu những gì vừa xảy ra. Trước đó, cô đã thấy Janice cho con búp bê của mình “trèo lên cây”, và lúc đó cô đã dặn con rằng mấy cái cây không thể chịu được nhiều sức nặng. Khi mẹ yêu cầu giải thích mọi thứ, Janice đã đổ lỗi cho… con chó!

Mẹ Janice đã xử lý nhẹ nhàng, cô ngắt lời con gái và nói: “Nghe này, mẹ hứa sẽ không quát con, vậy hãy suy nghĩ một chút cho kỹ càng rồi nói lại với mẹ những gì đã diễn ra nhé!” Sau một lúc, cô bé đã nhận lỗi của mình. Kết quả là Jacine phải dọn dẹp đống rác và không được xem tivi vào buổi chiều. Nhưng mẹ Jacine luôn nhấn mạnh việc cô đánh giá cao sự trung thực của con mình ra sao. Bằng cách làm như vậy, cô đã dạy con mình một bài học quan trọng: Dù đôi khi trở thành người trung thực là một việc chẳng hề dễ dàng, nhưng bạn và cả những người xung quanh sẽ thấy tốt hơn khi nói ra sự thật.

Điều thứ 2: Công bằng

Luôn giúp con sửa chữa lỗi lầm.

Trong một cuộc gặp mặt gia đình gần đây, Amy và Marcus – hai chị em 4 tuổi – cùng xây lâu đài bằng những khúc gỗ nhỏ. Đột nhiên, Amy gạt đổ lâu đài Marcus đang xây làm cậu bé khóc nức nở. Chứng kiến cảnh tượng đó, cha của Amy đã mắng cô bé và yêu cầu cô bé xin lỗi Marcus. Amy đã xin lỗi.

Sau đó bố Amy dẫn cô bé ra chỗ khác và hỏi: “Con có thể cho bố biết tại sao con lại xô đổ lâu đài Marcus đang xây không?” Cô bé trả lời rằng mình rất tức vì lâu đài Marcus xây to hơn cái mà cô bé đang dựng. Bố cô bé đã nói đó là điều không nên và để cô bé quay lại chỗ vui chơi. Anh hiểu cảm giác này của con mình.

Cách hành xử của người cha ở trên cũng giống như tâm lý của các bậc cha mẹ bình thường khác: Anh muốn con gái mình xác định rõ và biểu đạt cảm nhận của mình, đồng thời ý thức được tại sao cô bé lại hành xử như vậy. Điều đó rất tốt, nhưng có lẽ vẫn thiếu chút gì đó. Để giúp con mình tiếp thu thêm thế nào là sự công bằng, cha mẹ nên khuyến khích con cái có những hành động sửa lại lỗi lầm chúng mắc phải. Ví dụ, cha của Amy có thể gợi ý rằng cô bé nên cùng Marcus xây lại toà lâu đài gỗ khác cho cậu bé hay tặng cậu bé một chút bánh ngọt để tỏ thành ý xin lỗi.

Nói ra hai từ “xin lỗi” là một điều không khó khăn gì đối với bọn trẻ, bố mẹ hoàn toàn có thể khuyến khích con làm được. Điều này sẽ giúp trẻ luôn vươn lên cải thiện bản thân mình. Bên cạnh việc nhắc nhở con về hành vi xấu mà chúng gây ra cho người khác, bố mẹ cũng hãy giúp chúng bù đắp lại điều đó. Chẳng hạn, một cậu bé sẽ cho bạn mình mượn một chiếc xe tải tí hon vì đồ chơi của bạn ấy đã bị hỏng. Hoặc cậu bé có thể vẽ một bức tranh cho chị gái mình sau khi đã trêu trọc chị ấy cả ngày. Bằng cách khuyến khích con mình có những hành động như vậy, bố mẹ đang nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối xử công bằng với mọi người, và cho con thấy nó có giá trị to lớn đến cỡ nào. Điều đó sẽ giúp con hoà nhập hơn trong một thế giới vốn vô cùng phức tạp.

Điều thứ 3: Lòng quyết tâm

Khuyến khích con cái tham gia vào nhiều thử thách.

Cậu bé Jack 5 tuổi chạy ra khoe với mẹ mình bức tranh cậu vẽ bằng sáp màu. Mẹ cậu bé khen: “Trông thật tươi sáng và rực rỡ màu sắc. Con làm tốt lắm, Jack!” Cậu bé chạy về phòng, hăng hái vẽ thêm nhiều tranh hơn để được mẹ khen tiếp, cứ liên tục như thế. Nhưng…

“Càng về sau các bức tranh càng cẩu thả hơn những cái trước con ạ. Mẹ cũng không biết phải nói sao nữa” – Mẹ Jack nhận xét khiến cậu bé bối rối, thất vọng và buồn bã. Lẽ ra, sự đáp lại có thể sẽ tốt hơn nếu nó như thế này: “Ồ, Jack à, những bức tranh sau không đẹp như các bức trước đó. Con đã cố gắng hết sức chưa?”

Lòng quyết tâm là điều bạn có thể khuyến khích ở trẻ từ khi chúng rất nhỏ. Cách tốt nhất để làm điều đó là tránh mọi lời khen ngợi, đề cao thừa thãi và phản hồi lại con mình một cách thành thực nhất, mang theo sự quan tâm, động viên nhẹ nhàng.


Động viên, khuyến khích là một trong những cách giúp trẻ đến gần hơn với thành công.

Một cách mạnh mẽ hơn để giúp con tăng thêm lòng quyết tâm là khuyến khích chúng làm những việc không dễ dàng, và đề cao những bước đi đầu tiên của chúng. Ví dụ, nếu con bạn hay ngượng ngùng, hãy lặng lẽ động viên bé tiếp cận đám trẻ ở sân chơi. Nếu trẻ lo lắng hoặc hoảng sợ, hãy giúp trẻ vượt qua bằng cách đếm từ 1 đến 10 hoặc hít thở sâu. Đồng thời, hãy động viên con cái khi chúng định làm một việc gì đó khó hơn so với khả năng của chúng. Những đứa trẻ được nghe: “Chúc con may mắn, dù bố mẹ biết nó sẽ khó khăn” sẽ cảm thấy được nâng đỡ bởi sự công nhận của người lớn và càng trở nên quyết tâm hơn khi cố gắng làm một việc gì đó.

Điều thứ 4: Sự đánh giá

Dạy chúng nghĩ về cảm xúc của người khác.

Anna vô cùng buồn bã vì hai đứa con gái mới lên 3 và lên 4 của mình luôn khóc lóc và đánh nhau mỗi khi cô dẫn chúng đến cửa hàng tạp hoá. Cuối cùng, Anna phải nói với các con rằng: “Chúng ta cần tìm cách đi mua sắm mà không khiến cả nhà phải phiền lòng”.

Cô đã hỏi các con gái của mình rằng, làm thế nào để việc đi mua sắm diễn ra thuận tiện nhất cho tất cả. Cô con gái 4 tuổi gợi ý rằng họ nên mang bim bim từ nhà đi, như vậy sẽ không phải cằn nhằn về đống bánh quy nữa. Còn cô con gái 3 tuổi nói rằng mình chỉ việc hát thầm thôi là có thể thấy vui vẻ rồi.

Cả hai đứa nhỏ đều giữ lời hứa của mình và chuyến đi mua sắm tiếp theo đã diễn ra suôn sẻ. Khi rời khỏi cửa hàng, cô con gái nhỏ tuổi hơn hỏi: “Mẹ ơi, giờ mẹ đang buồn lắm ạ?” Người mẹ chắc chắn rằng cô đang thấy rất ổn và nhấn mạnh việc không có các cuộc cãi vã thì tốt đẹp ra sao.

Hãy giúp trẻ hiểu rằng, những lời nói hay hành động của chúng cũng có thể giúp người khác nở nụ cười và có cảm giác tốt hơn, và khi chúng tốt với người khác, họ cũng sẽ đối xử tốt với chúng.

Điều 5: Tình yêu thương

Các bậc cha mẹ hay có suy nghĩ rằng trẻ con bẩm sinh đã có sẵn tình yêu trong xúc cảm của chúng. Điều đó đúng, nhưng với tình cảm yêu thương, chúng cũng cần được đền đáp lại. Hơi giật mình khi nhìn lại rằng, sau một ngày bận rộn thì cụm từ “Mẹ/Cha yêu con” là những gì trẻ con được nghe ít nhất.

Hãy để trẻ thấy bố mẹ bày tỏ tình cảm với những người xung quanh khi con ở gần; hãy thể hiện rằng bạn yêu ông bà, bố mẹ, cô dì chú bác của mình ra sao trước mặt chúng.

Và dĩ nhiên, đừng phí hoài một ngày mà không thể hiện tình yêu thương dành cho chính con cái của mình. Thể hiện tình yêu bằng những cách không ngờ tới như: để một mẩu giấy nhắn vào hộp ăn trưa của chúng, tết hình trái tim lên gương nhà tắm để chúng sẽ nhìn thấy khi đánh răng. Đừng để những buổi sáng chìm trong cãi vã hay những buổi chiều mệt mỏi, khó chịu cuốn đi những cử chỉ yêu thương.

Chắc chắn rằng bạn càng nói: “Bố/mẹ yêu con” thì chúng sẽ càng đáp lại: “Con yêu bố/mẹ” nhiều hơn. Càng có nhiều những cái ôm và những nụ hôn, căn nhà của bạn sẽ càng đầy ắp thương yêu. Và khi con cái cảm thấy thoải mái thể hiện tình yêu, chúng sẽ dần dần thấm nhuần rằng đó là tình yêu tuyệt vời nhất trên tất cả.

Nguyên Hà
(Dịch theo parents)

logo smaill

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.