5 hiện tượng tự nhiên khiến máy bay dễ gặp tai nạn

5 hiện tượng tự nhiên khiến máy bay dễ gặp tai nạn

Chim là nguyên nhân tự nhiên hàng đầu khiến các chuyến bay gặp sự cố.

1. Chim

Chim là lí do tự nhiên hàng đầu khiến các chuyến bay gặp sự cố. Cơ quan hàng không thế giới đã ghi nhận hàng ngàn vụ va chạm với chim mỗi năm và khoảng 80% số vụ va chạm với chim không được ghi lại.

Các tai nạn xảy ra do chim va phải kính chắn gió máy bay, hoặc bị hút vào động cơ gây hỏng hóc.

5 hiện tượng tự nhiên khiến máy bay dễ gặp tai nạn
Bên trong động cơ phản lực sau khi bị chim mắc kẹt.

Các vụ va chạm hầu hết là ở tầm thấp, khi máy bay cất cánh và hạ cánh. Nhưng thực tế máy bay từng va chạm với chim ở độ cao 6.000m – 9.000m. Thậm chí, có loài ngỗng có thể bay cao tới hơn 10.000m. Thiệt hại hàng năm do va chạm với chim lên tới 1,2 tỉ đô la.

Ngày nay, rất nhiều giải pháp được đưa ra để hạn chế các vụ va chạm này. Nhiều sân bay hiện đại trên thế giới cho xây dựng tháp quan sát, dự báo đường bay của các loài chim di cư.

Một số biện pháp khác cũng được sử dụng như phát sóng âm đuổi chim gần sân bay, phát quang khu vực quanh sân bay để chim không thể làm tổ, cắm thanh nhọn trên nóc nhà, đỉnh cột để hạn chế chim đậu.

2. Tia sét

5 hiện tượng tự nhiên khiến máy bay dễ gặp tai nạn
Sét đánh vào đầu máy bay có thể làm phi công bị mù tạm thời.

Tia sét từng là hung thần với các chuyến bay. Sét đánh vào đầu máy bay có thể làm phi công bị mù tạm thời, gây chập cháy và làm hỏng các thiết bị điện tử trên máy bay.

Bình thường, có khoảng 2.000 đám mây chứa sét trên bầu trời. Mỗi giây, các đám mây này có thể phóng 100 tia sét.

Tai nạn thảm khốc nhất xảy ra vào năm 1963, máy bay của hãng Pan America bị rơi do sét đánh làm 83 người thiệt mạng.

Ngày nay, những phát triển về công nghệ rada và dự báo thời tiết phát đã giúp các chuyến bay dễ dàng tránh các đám mây tích chưa sét. Kể cả có bị sét đánh, công nghệ hiện đại giúp máy bay vẫn an toàn và tiếp tục chuyến bay.

3. Nhiễu động không khí

Nhiễu động không khí cũng là nguyên nhân phổ biến khiến máy bay gặp sự cố. Phần lớn hành khách đi máy bay đều từng trải qua trạng thái bị lắc, xóc do máy bay bay vào vùng nhiễu động không khí.

Hiện tượng này xảy ra ở những vùng không khí biến động về áp suất, về các dòng đối lưu do ảnh hưởng của địa hình núi và vùng đệm giữa các khối khí nóng và lạnh. Thậm chí, nhiễu động không khí cũng có thể xuất hiện trong điều kiện trời trong.

Nhiễu động không khí rất khó dự báo hoặc phát hiện bằng Rada.

4. Bão

5 hiện tượng tự nhiên khiến máy bay dễ gặp tai nạn
Bão là biểu hiện mạnh mẽ nhất của nhiễu động không khí.

Bão cũng là một trong những nguyên nhân gây nguy hiểm cho các chuyến bay. Các luồng khí đối lưu trong tâm bão có thể quăng quật máy bay dữ đội, gây hư hỏng hoặc thậm chí tệ hơn. Bão là biểu hiện mạnh mẽ nhất của nhiễu động không khí.

Vì vậy, các sân bay luôn có trạm khí tượng riêng, dự báo về điều kiện thời tiết xấu và báo cho phi công từng phút một. Điều phối viên hàng không cũng phải để ý đến điều kiện thời tiết để hướng dẫn các chuyến bay cất cánh và hạ cánh an toàn.

Ngày nay, rada đã có thể phát hiện ra các dòng xoáy không khí, dự báo khả năng xuất hiện các cơn lốc xoáy gần để cảnh báo cho các trung tâm điều phối bay và phi công.

5. Băng đá

5 hiện tượng tự nhiên khiến máy bay dễ gặp tai nạn
Băng đá xuất hiện cả trên không lẫn dưới mặt đất, gây ảnh hưởng lớn tới các máy bay thương mại. (Ảnh minh họa).

Mùa đông, nước đóng băng trên cánh máy bay gây nguy cơ đáng kể (làm các chuyến bay bị hoãn, hủy). Nước mưa đóng băng cánh máy bay làm cho máy bay bị giảm tốc độ và khó cất cánh.

Băng đá xuất hiện cả trên không lẫn dưới mặt đất, gây ảnh hưởng lớn tới các máy bay thương mại và các loại máy bay cỡ nhỏ. 819 người thiệt mạng vì nguyên nhân này tính từ năm 1982 tới năm 2000, phần lớn vào mùa đông lạnh giá.

Nhưng ngày nay, với các ứng dụng và thiết bị hiện đại, tác hại của hiện tượng này đã giảm thiểu tối đa. Tuy nhiên, việc kiểm tra băng tuyết trên cánh máy bay là một trong những yêu cầu bắt buộc trước khi cất cánh.

 

Theo khampha