Thông thường, bạn không biết chính xác tại sao con khóc và quấy rầy. Nhưng đó lại là dấu hiệu cho biết một nhu cầu nào đó của con và cần sự giúp đỡ của mẹ. Khi đứa trẻ khóc, chúng cần sự dỗ dành nhẹ nhàng và tất cả chúng ta đều làm như vậy để trẻ hết khóc.
Nhưng trong khi chúng ta động não tự hỏi làm thế nào để dỗ trẻ nín khóc thì đây lại là dấu hiệu cho biết đứa trẻ đang… rất khỏe mạnh. Tại sao lại vậy?
Tầm quan trọng của tiếng khóc đầu đời
Tiếng khóc khi chào đời của trẻ mới sinh là dấu hiệu cho biết em bé đã bắt đầu thở bằng phổi và không khí tràn vào cơ thể trẻ khiến trẻ thấy khó chịu. Kể từ tiếng khóc chào đời đó, trẻ sẽ bắt đầu hô hấp bằng phổi và làm quen với môi trường sống mới ở ngoài bào thai. Tiếng khóc cũng chính là cách đứa trẻ đủ khỏe mạnh để phản ứng lại những tác nhân thay đổi. Vậy nên, tất cả các ông bố và bà mẹ nên vui mừng khi con vừa sinh ra và cất lên những tiếng khóc to và rõ.
Xem thêm
- Clip ngọt ngào về tình mẹ con khiến ai cũng muốn rơi nước mắt
- Vứt chiếc gối đi để con luôn khỏe mạnh!
- Mẹ vắng nhà, bố con mình làm vua một cõi
Khóc là ngôn ngữ giao tiếp của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Khóc chính là ngôn ngữ giao tiếp của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Chủ yếu, chúng khóc để thể hiện sự khó chịu hay một nhu cầu nào đó. Cường độ khóc khác nhau cho biết trẻ có nhu cầu muốn được chăm sóc khác nhau. Ví dụ, khi trẻ sơ sinh đói, chúng sẽ khóc nhỏ và cựa mình nhẹ. Nếu trẻ bị sốt, quần áo khó chịu hay muốn thay tã, tiếng khóc của trẻ sẽ to, khóc thành từng đợt dài và kèm với sự giãy giụa mạnh.
Khóc giúp trẻ phát triển tâm lý bình thường
Khóc, cười, nét mặt là những biểu hiện thể hiện cảm xúc cơ bản của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Khi trẻ vui, chúng sẽ cười kèm với ánh mắt mở nhìn thẳng vào đối tượng làm trẻ vui. Ngược lại, nếu trẻ buồn hoặc khó chịu, chúng sẽ khóc, mắt nhắm hoặc không nhìn chăm chú vào bất cứ đâu. Ngoài ra, nếu trẻ không khóc, không cười, ánh mắt nhìn lên trần nhà hoặc nhìn vô định, đó là những biểu hiện không bình thường về sự phát triển trí não và tâm lý của trẻ sau này. Các mẹ không nên chủ quan khi khi theo dõi các biểu hiện trên của trẻ. Bởi ngoài vấn đề phát triển về thể chất như ăn nhiều, ngủ nhiều của con, các mẹ cũng cần chăm lo đến sự phát triển về tâm lý và cảm xúc của trẻ ngay từ khi chúng ra đời.
Khóc giúp trẻ “tập thể dục” các cơ
Điều này rất dễ hiểu. Để khóc, trẻ phải làm căng các cơ trên mặt. Hơn thế nữa, trẻ không chỉ khóc bằng miệng. Thực tế, miệng mở rộng và tiếng khóc to chỉ là những biểu hiện bên ngoài khi trẻ có cảm xúc mạnh. Đứa trẻ lúc này cảm thấy khó chịu và nếu các mẹ để ý sẽ thấy trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường khua khoắng cả chân, tay, thậm chí là vặn mình mạnh khi khóc.
Khóc giúp trẻ thể hiện cảm xúc
Bạn có thể dựa vào các biểu hiện khóc, cười, nhăn mặt của con để biết con vui hay buồn. Bình thường, khi buồn trẻ sẽ không bao giờ cười và khi vui, chúng sẽ không bao giờ khóc. Chúng không biết “nói dối” hay “đánh lừa” người lớn. Đó là những cảm xúc chân thực nhất của những đứa trẻ mà người lớn đôi khi không để ý.
Nguyễn Mai – Nguồn: THS
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.