Để không trở thành kẻ ngoài cuộc, bạn cần khôn khéo trong mọi ứng xử, lời nói nơi công sở. Đừng biến mình thành một “điển hình” của sự lố bịch, kệch cỡm hoặc hợm hĩnh. Muốn vậy, bạn nên tuân thủ “6 không” dưới đây:
Không tự cao tự đại
Sự tự tin thái quá vào bản thân có thể khiến đồng nghiệp xa lánh bạn. Việc bạn quá mãn với khả năng của mình sẽ khiến những người khác cảm thấy khó chịu. Đồng thời, nó cũng là dấu hiệu đầu tiên cho thấy thất bại của bạn trong tương lai.
Vì vậy, chúng ta cần khiêm nhường học hỏi trong mọi hoàn cảnh. Sự khiêm nhường cùng năng lực thực sự sẽ giúp bạn có được tình cảm của những người xung quanh.
Không hứa nếu không làm được
Bạn đừng “lãng phí” những lời hứa. Hãy sử dụng nó một cách hiệu quả nhất. Không nên hứa bừa rồi bỏ đấy. Nếu bạn “lỡ miệng” hứa với đồng nghiệp hoặc sếp về thời gian hoàn thành công việc nào đó, hãy cố gắng hoàn thành cho bằng được.
Việc không giữ đúng lời hứa sẽ làm mất lòng tin của những người xung quanh dành cho bạn. Và khi lòng tin bị “đánh cắp”, bạn sẽ trở thành người “thừa” trong tổng thể công ty.
Không bảo thủ
Đừng bao giờ khẳng định mình đúng hoàn toàn và bỏ qua tất cả ý kiến góp ý. Nếu lúc nào cũng khăng khăng bảo vệ ý kiến của mình và phớt lờ mọi người xung quanh, bạn sẽ được làm việc một mình. Bởi không có ai muốn làm việc cùng những người bảo thủ như vậy cả.
Tính bảo thủ sẽ khiến bạn bị mọi người xa lánh. Vì vậy, hãy cởi mở và biết lắng nghe những lời góp ý của người khác. Sự lắng nghe của bạn sẽ khiến những người góp ý cảm thấy dễ chịu. Đó sẽ là cơ sở để bạn có thêm những người bạn mới, thêm những ý tưởng mới cho công việc của mình.
Không “bới móc” sai sót của người khác
Bạn đừng nên săm soi người khác một cách thái quá. Đặc biệt, không nên “trình bày” với lãnh đạo những lỗi lầm của đồng nghiệp nếu đó chỉ là những sai sót nhỏ. Sự soi mói sẽ khiến người khác luôn phải đề phòng bạn. Vì vậy, bạn sẽ không bao giờ biết được suy nghĩ và tình cảm của họ dành cho mình và cho công việc nơi công sở.
Hãy góp ý một cách tế nhị để đồng nghiệp nhận ra những sai lầm của mình. Chân thành và thẳng thắn sẽ giúp bạn có được những tình bạn thực sự nơi làm việc.
Không nói xấu đồng nghiệp khác
Đừng nên đưa ra những nhận xét không hay về đồng nghiệp này với đồng nghiệp khác. Bởi những chia sẻ thật lòng đó của bạn có thể khiến đồng nghiệp “đề phòng” bạn. Bởi họ sợ rằng họ sẽ là đối tượng “được bêu riếu” tiếp theo của bạn. Nếu đó không phải là một mối quan hệ thực sự thân thiết và chân thành, bạn chỉ nên chia sẻ về công việc. Những suy nghĩ riêng tư, thầm kín chỉ nên dành cho những người thực sự hiểu và thông cảm với bạn mà thôi.
Không nên “quên” cám ơn, xin lỗi
Đừng ngại ngần khi nói xin lỗi hoặc cám ơn nếu bạn làm phiền người khác hoặc nhận được sự giúp đỡ của họ.
Những lời cám ơn, xin lỗi cùng nụ cười rạng rỡ sẽ xoá đi tất cả những hiềm khích, hiểu lầm. Nó sẽ luôn đem đến cho bạn niềm vui và sự tôn trọng của đồng nghiệp. Bạn nên sử dụng thường xuyên hai từ cám ơn, xin lỗi trong cuộc sống. Đó là cách giúp bạn chiếm được tình cảm cũng như sự yêu mến của những người xung quanh.
Quốc Khánh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.