Stress không phải lúc nào cũng gây hại cho cơ thể. Theo các nhà khoa học, stress trong ngắn hạn có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện trí nhớ và ngừa ung thư.
-
1
Hồi phục nhanh sau phẫu thuật
Theo TS Firdaus Dhabhar, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về stress và Sức khoẻ, Đại học Stanford (Mỹ): “Những thay đổi mang tính chất sinh học diễn ra trong quá trình stress ngắn hạn là cách não bộ chuẩn bị cho cơ thể trước khi bước vào một tình huống căng thẳng”.
Theo đó, hàm lượng hormon stress tăng sẽ kích thích cơ thể giải phóng một lượng lớn các tế bào miễn dịch vào mạch máu và điều hướng chúng tới nơi cần làm lành vết thương như da hoặc hạch bạch huyết.
-
2
Trở nên thân thiện hơn
Theo TS Kathleen Hall, đứng đầu Viện Nghiên cứu Stress tại Mỹ, stress ngắn hạn giúp tăng hàm lượng oxytocin, hay còn gọi là hormon âu yếm.
“Trên thực tế, oxytocin giữ chức năng hạn chế cơ thể sản sinh một số loại hormon stress như adrenaline và giảm huyết áp bằng cách làm giãn nở động mạch, phần nào bảo vệ cơ thể từ những tác động tiêu cực của trạng thái lo lắng, căng thẳng”, Hall nhận định.
-
3
Kéo dài hiệu quả của văcxin
Trạng thái stress tạm thời khi sợ tiêm sẽ giúp kéo dài hiệu quả của văcxin phòng bệnh.
Nghiên cứu đăng trên Chuyên san American Journal of Physiology tiến hành trên chuột cho thấy, trong cơ thể những con chuột bị stress có sự tăng vọt hàm lượng tế bào T miễn dịch và tăng cường mức độ phản ứng miễn dịch tới 9 tháng sau khi tiêm văcxin.
-
4
Tăng cường trí nhớ
Bạn đã bao giờ rơi vào một tình huống căng thẳng mà khi đó trí não bạn bỗng dưng trở nên tỉnh táo và nhanh nhạy hơn bao giờ hết? Đó là do một lượng lớn hormon stress tràn lên vùng vỏ não dưới trán (giữ chức năng điều khiển nhận thức và cảm xúc), kích thích cường độ hoạt động của vùng trí nhớ làm việc (vùng não bộ chuyên xử lý các vấn đề nhất thời và thông tin từ các giác quan).
Một số nghiên cứu trước cho rằng, stress mạn tính đóng vai trò trong việc làm phát triển các mảng bám trong não bộ – một triệu chứng đặc trưng của bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, stress cấp tính lại được cho là có khả năng cải thiện trí nhớ. Nghiên cứu đăng trên Chuyên san Molecular Psychiatry cho thấy, những con chuột bị stress đạt số điểm bơi cao hơn những con khác.
-
5
Chống ung thư da
Trong khi stress mạn tính gây mất ngủ vào buổi tối được chứng minh gây ức chế hệ miễn dịch, stress cấp tính có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi ung thư da. Theo một nghiên cứu đăng trên Chuyên san Brain, Behavior and Immunity, trong đó, một nhóm chuột được đặt trong môi trường chứa tia cực tím trong 10 tuần, cơ thể những con bị stress phát triển ít khối u hơn những con khác.
Theo các nhà khoa học, hormon stress kích hoạt các loại gen hoạt hóa miễn dịch trong cơ thể và điều hướng nhiều tế bào miễn dịch tới khối u để ngăn cản chúng phát triển.
-
6
Tăng cường khả năng thích nghi
Nghiên cứu của Đại học Buffalo trên 2.400 người cho thấy, những người đã từng trải qua nhiều chuyện khó khăn như ly dị, mất đi người yêu hoặc thiên tai có khả năng thích nghi cao hơn những người luôn gặp thuận lợi.
Theo TS Mark Seery, Trưởng nhóm Nghiên cứu: “Việc phải đối mặt với khó khăn khiến ta già dặn hơn, chuẩn bị tốt hơn cho những gian nan phía sau này”.