Từ những trận trước khi cục diện Tam Quốc hình thành như Đồng Quan, Hổ Lao Quan cho đến những trận phân định thiên hạ như Quan Độ, Xích Bích, Di Lăng đi vào sử sách, người ta thấy rõ được mưu trí cũng như sự dũng cảm phi thường của các dũng tướng huyền thoại một thời. Tất cả đã tạo nên một thời đại anh hùng, huy hoàng hiếm có.
“Trận chiến phấn son”, Điêu Thuyền diệt Đổng Trác
Vào thời Hán mạt, liên minh Đổng Trác – Lữ Bố nổi lên như một khối u, làm suy kiệt nhà Hán. Vốn bản tính tham tàn, Đổng Trác đã gây ra biết bao tội ác trời đất không dung như: giết vua Thiếu Đế, giết Hà Hậu và Đường Phi, sát hại dã man bá quan văn võ, lạm sát thường dân vô tội.
Đổng Trác quy tụ quanh mình nhiều kẻ bất lương, tàn bạo: con rể Lý Nho đa mưu túc trí, nổi tiếng thâm hiểm, con nuôi Lã Bố kiêu dũng, thiện chiến. Cũng vì thế mà Đổng Trác ngày càng lạm quyền, khinh thường bá quan văn võ và chính cả vua nhà Hán, âm mưu thoán nghịch. Trong tình cảnh ấy, quan tư đồ Vương Doãn, vốn là một cựu thần Hán thất, cảm thấy vô cùng bất bình nhưng cũng giống như nhiều đồng liêu khác, ông cũng hoàn toàn bất lực.
Đổng Trác ức hiếp thiên tử, lạm sát bá quan văn võ vô tội vạ, điều này đã khiến tư đồ Vương Doãn vô cùng căm hận trong lòng.
Vương Doãn có một người con gái nuôi tên là Điêu Thuyền, nhan sắc tuyệt trần, chim sa cá lặn. Lã Bố và cả Đổng Trác vốn cực kỳ háo sắc. Vương tư đồ mới nảy ra ý định lập kế liên hoàn để trừ bỏ liên minh Đổng Trác – Lã Bố. Kế liên hoàn của Vương Doãn bao gồm rất nhiều mưu kế kết hợp với nhau: kế mỹ nhân, kế ly gián, kế “dụ rắn khỏi hang”, khổ nhục kế…
2 cha con Điêu Thuyền – Vương Doãn đã quyết xả thân vì nước, lập mưu tính kế diệt gian thần Đổng Trác cứu nguy xã tắc.
Vương Doãn nói với con gái: “Cha tin lòng con, nhưng ngại con không thực hành được. Nguyên cha con thằng Đổng Trác là phường háo sắc, bây giờ cha muốn dùng “liên hoàn kế”, trước đem con hứa tiếng gả cho Bố rồi sau lại hiến cho Trác. Con ở giữa tùy cơ ứng biến làm cho cha con nó trở lại giết hại nhau. Nếu mà làm được như vậy là con liều thân giúp nước, công nghiệp vô cùng to lớn”.
Nghe lời cha, Điêu Thuyền đã dùng “khổ nhục kế”, chịu muôn vàn cay đắng quyết tâm chia rẽ liên minh Đổng Trác – Lã Bố. Vương Doãn hứa gả nàng cho con nuôi Đổng Trác là Lã Bố, nhưng sau đó lại hiến nàng cho Đổng Trác. Điêu Thuyền một mặt khóc lóc với Lã Bố là mình bị Đổng Trác cướp đi và cưỡng bức, mặt khác lại nỉ non với Đổng Trác là mình bị Lã Bố sàm sỡ. Hai bố con nghi kỵ nhau, cuối cùng Lã Bố giết Đổng Trác.
Cuối cùng thì kế hoạch của Tư đồ Vương Doãn đã diễn ra đúng như sự kỳ vọng của ông, Lữ Bố cầm kích giết chết Đổng Trác trước bá quan văn võ toàn triều, chấm dứt những tháng ngày bị Trác khủng bố.
Người con gái bé nhỏ đã làm được điều mà cả vạn đấng mày râu vũ dũng bó tay đó là dùng trí thông minh ưu việt, cùng nghệ thuật “đóng kịch bậc thầy” của mình để ly gián Đổng Trác và Lã Bố, khiến cho Lã Bố phải nổi cơn ghen, say máu vác kích đuổi theo Đổng Trác để giết, làm náo loạn Phụng Nghi Đình.
Đây là một trận chiến phi thường, không giáo gươm, không đổ một giọt máu mà vẫn thành công vang dội. Chỉ có 2 người thân cô thế cô: Vương Doãn và cô con gái nuôi Điêu Thuyền, mà phải đối đầu với thế lực mạnh nhất thời bấy giờ Đổng Trác – Lữ Bố. Đó thực sự là một cuộc chiến không hề cân sức. Khi gươm đao đã không còn tác dụng, thì sắc đẹp của một cô gái mới tuổi trăng rằm lại hóa thành vũ khí vô cùng nguy hiểm. Điêu Thuyền chẳng thua kém gì nàng Tây Thi xưa kia. Đó quả thực là những người con gái có sức mạnh xoay chuyển cả càn khôn chỉ bằng một cái liếc mắt đưa tình.
Công lao và sự lợi hại của Điêu Thuyền khiến cho người đời sau không khỏi thán phục. Như Mao Tôn Cương trong Thánh Thán Ngoại Thư có viết: “18 lộ quân chư hầu không giết nổi Đổng Trác, mà một thiếu nữ đào tơ liễu yếu như Điêu Thuyền lại giết nổi Đổng Trác. Ba anh em Lưu, Quan, Trương hùng liệt không thắng nổi Lã Bố, mà chỉ một nàng Điêu Thuyền thắng nổi. Ôi, lấy chăn chiếu làm chiến trường, lấy son phấn làm giáp khôi, lấy mày ngài làm cung nỏ, lấy nước mắt nũng nịu làm tên đạn, lấy lời tình tứ ngọt ngào làm chiến lược mưu cơ. Xem thế thì cái bản lãnh của “nữ tướng quân” quả là tuyệt cao cường, đáng sợ thay!”.
Trận Đồng Quan, Tào Tháo hút chết dưới tay Mã Siêu
Năm 211, biết Mã Đằng có bụng phản mình, Tào Tháo lấy danh nghĩa thiên tử triệu ông về triều và hại chết. Mã Đại là cháu Mã Đằng trốn về được báo cho Mã Siêu, con trai ông. Mã Siêu vô cùng căm hận, hợp cùng Hàn Toại và bộ tướng là Bàng Đức kéo 20 vạn quân Tây Lương chuẩn bị báo thù cho cha.
Mã Siêu và Hàn Toại, hai tướng chủ lực của quân Tây Lương.
Năm Hán Hiến đế Kiến An thứ 16 (năm 221 trước Công Nguyên), tháng 3, Thừa tướng Tào Tháo phái Tư lệ hiệu uý Chung Do giả đi trừng phạt Trương Lỗ đang chiếm cứ Hán Trung theo kế “mượn đường diệt Quắc” (giả đánh Hán Trung nhưng mục đích tiêu diệt quân Tây Lương). Mã Siêu, Hàn Toại lập tức tập trung hơn 20 vạn người ngựa chủ động tiến công trước nhằm tạo lợi thế trên chiến trường.
Quân Tây Lương vốn quen chiến trận, mau chóng chiếm được lợi thế trên chiến trường. Mã Siêu nhanh chóng đánh chiếm được Trường An, rồi phá luôn ải Đồng Quan. Tào Tháo kéo quân đến ải Đồng Quan, nhìn thấy Mã Siêu là một trang anh tuấn, hào hoa đẹp đẽ, bào trắng giáp trắng, hai tướng là Mã Ðại, Bàng Ðức oai phong lẫm liệt, quân sĩ Tây Lương đều cường tráng, trong lòng khen thầm.
Tào Tháo và Mã Siêu chất vấn nhau trên chiến trường một hồi, sau bộ tướng của Tháo đấu tay đôi với Siêu bị đánh bại, quân Tây Lương sĩ khí bừng bừng. Siêu ra lệnh tiến công, hai bên giao tranh một hồi quân Tháo thua to, bị Mã Siêu đánh bại, bỏ chạy thục mạng. Siêu truy kích rất sát, cứ nhắm kẻ râu dài, mặc áo bào đỏ mà đuổi… Bởi thế, Tào Tháo đã phải ném đi chiếc áo bào quý, thậm chí cắt cả bộ râu kiêu hãnh của mình rồi xé cờ làm khăn che kín mặt để chạy trốn. Mã Siêu vẫn đuổi kíp ngay phía sau. Tào Tháo cùng đường, chỉ biết chạy quanh một gốc cây. Tưởng đâu chết phen này, may nhờ Tào Hồng đến đánh chặn, Tháo mới giữ được mạng. Từ đó chỉ cố thủ không ra đánh.
Mã Siêu cho quân tấn công liên tục nhưng gặp lúc mùa đông sắp đến, Hàn Toại bàn với Mã Siêu rút quân về. Tào Tháo nhân cơ hội đó thực hiện kế phản gián, khiến Mã Siêu nghi ngờ Hàn Toại. Đánh nhau mấy trận, Hàn Toại thấy quân Tào hùng mạnh, mấy lần xin cầu hoà. Ban đầu Tào Tháo không đáp ứng, sau mưu sĩ Giả Hủ hiến kế, Tào Tháo liền quyết định một mình cưỡi ngựa ra trước hàng quân gặp Hàn Toại.
Hôm sau Tào Tháo và Hàn Toại cưỡi ngựa một mình ra trước hàng quân để đối thoại với nhau. Vốn cha của Tào Tháo và cha của Hàn Toại ngày trước cùng thi đỗ khoa Hiếu Liêm, Tào và Hàn lại cùng theo nghiệp đèn sách khoa cử, nên khi đổi thoại Tào Tháo chỉ nhắc chuyện xưa, không đề cập gì quân sự. Đôi bên trò chuyện hồi lâu thậm chí còn vỗ tay cười lớn.
Tào Tháo và Hàn Toại cùng ôn lại chuyện xưa trước trận tiền, điều này không khỏi khiến Mã Siêu nghi ngờ, từ đó trúng kế của Tháo.
Hàn Toại trở về bên quân mình, Mã Siêu vội hỏi: “Tào Tháo nói gì vậy?”, Hàn Toại đáp: “Chỉ nói chuyện cũ ở kinh sư thôi”. “Đôi bên ra trước hàng quân để đàm phán mà lại không bàn việc quân sự là thế nào?”, Mã Siêu lòng đầy hồ nghi. Tào Tháo về đến trại, y theo mưu của Giả Hủ, gửi cho Hàn Toại một phong thư, trong thư có nhiều chỗ cố ý dập xóa. Mã Siêu nghe nói Tào Tháo gửi thư cho Hàn Toại, liền đến xem, thấy trong thư có nhiều chỗ dập xóa, nghi là Hàn Toại định giấu mình điều gì nên xóa đi, hỏi tại sao lại xóa như vậy.
Hàn Toại nói: “Thư gửi đến đã dập xoá như thế rồi, chắc là Tào Tháo sơ ý nên viết nhầm, phải xoá”. Mã Siêu nói: “Tào Tháo là người cực kỳ tinh tế, không đời nào viết nhầm như vậy được”. Hàn Toại chẳng biết đối đáp ra sao nữa. Mã Siêu cho rằng mối nghi ngờ của mình là đúng. Hàn Toại vốn cùng cha của Mã Siêu là Mã Đằng khởi binh, tình thân như huynh đệ, vốn có quan hệ rất tốt với Mã Siêu kẻ địch không lợi dụng gì được. Chẳng ngờ đến lúc này chỉ vì một bức thư của Tào Tháo mà nội bộ mất đoàn kết, hai bên không còn đồng tâm hiệp lực với nhau nữa.
Biết nội bộ quân Tây Lương đã nghi ngờ nhau, Tào Tháo ra quân tiến đánh. Ông hẹn ngày hội chiến với liên quân Quan Trung. Sau khi liên quân dàn trận hết thì Tào Tháo chỉ cho bộ binh xuất trận, hai bên đánh nhau khá lâu, Ông dùng khinh binh nhử trước cho địch đuổi theo rồi mới dùng quân tinh nhuệ giáp công. Tào Tháo cho kỵ binh đánh ép từ hai phía vào, kẹp liên quân vào giữa.
Mưu kế thành công, quân địch chưa đánh đã bại, Tào Tháo cười to.
Do sẵn mối nghi ngờ với Hàn Toại nên liên quân không thể hiệp đồng tác chiến có hiệu quả. Quân Tây Lương dao động, bị đánh bại. Mã Siêu và Hàn Toại phải chạy trốn về Lương Châu. Quan Trung rơi vào tay Tào Tháo. Hàn Toại bỏ chạy về Kim Thành, Mã Siêu thua chạy sang bộ lạc của người Nhung. Tào Tháo dẫn quân truy kích Mã Siêu đến tận An Định nhưng chưa bắt được Mã Siêu thì có tin Tôn Quyền mang quân đánh Trung Nguyên nên lập tức rút đại quân về phía Đông, để Hạ Hầu Uyên ở lại trấn giữ.
Đạo quân Quan Tây của Mã Siêu bị đánh bại, Tào Tháo liền kéo quân về Hứa Đô. Các tướng hỏi Tào vì sao chỉ có vài vạn quân lại đánh thắng hơn 20 vạn quân của Mã Siêu, thì Tào Tháo cười đáp: “Tôn Tử đã nói: thân nhi li chi, ta chỉ làm theo kế của Giả Hủ mà chia rẽ nội bộ của đối phương đó thôi. Cẳng kỳ vô bị, xuất kỳ bất ý” (Địch không đề phòng thì ta tiến đánh, ra quân bất ngờ).