Cũng như nhiều tiện ích xã hội khác, Facebook là một “con dao hai lưỡi” mà nếu không thể làm chủ thói quen sử dụng của mình thì bạn sẽ lãnh phần thiệt nhiều hơn là phần lợi. Thật vậy, một nghiên cứu gần đây của Tiến sĩ Tâm lý học Ethan Kross cho thấy, càng dùng Facebook lâu và nhiều thì người dùng càng ít cảm thấy hạnh phúc. Dưới đây là một số nghiên cứu sẽ giúp bạn thấy được 7 hướng mà Facebook có thể tác động tiêu cực lên tâm lý và “hủy diệt” hạnh phúc của bạn.
1. Facebook khiến bạn tự ti về bản thân
Nhà tâm lý học xã hội Leon Festinger quan sát và thấy rằng con người có khuynh hướng tự nhiên trong ý thức so sánh xã hội. Để trả lời những câu hỏi như: “Mình làm việc này tốt hay tệ hơn mức trung bình?”, bạn cần phải đối chiếu với những người xung quanh cũng làm việc giống mình. Vào Facebook là một cách nhanh chóng, hiệu quả để thực hiện việc “cân đo” này.
Tuy nhiên, khi trang News Feed của Facebook hiện lên, cái đập vào mắt bạn sẽ là hàng trăm tấm hình bạn bè đang tận hưởng một bữa ăn ngon lành ở nhà hàng hạng sang, đang đi nghỉ mát ở khu du lịch cao cấp hoặc vừa thắng một giải thưởng lớn nào đó. Trên thực tế, theo nghiên cứu của Tiến sĩ Tâm lý học Hui-Tzu Grace Chou và trợ lý Nicholas Edge, người nghiện Facebook kinh niên thường có xu hướng nghĩ rằng những người khác đang có một cuộc sống hạnh phúc hơn mình. Họ cảm thấy điều đó là bất công và sẽ mất niềm tin vào cuộc đời mình.
2. Facebook khiến bạn ghen tị với thành công của bạn bè
Cô bạn thân của bạn vừa được lên lương tháng trước, sắm một chiếc xe mới tuần vừa rồi và đã đăng rất nhiều ảnh khoe “chiến tích” của mình vào sáng nay? Hãy thành thật với cảm xúc của mình: bạn có thực sự vui mừng cho thành công của cô bạn thân không?
Trên thực tế, Facebook càng cập nhật cho bạn nhiều chi tiết rực rỡ trong đời sống của bạn bè thì bạn sẽ càng thấy ghen tị với họ. Tiến sĩ Buxmann và Krasnova đã phát hiện ra rằng, vì Facebook tự động “ưu tiên” một số người mà bạn tương tác nhiều nhất để đẩy lên đầu trang News Feed nên người mà bạn đố kị cũng thường là bạn bè gần gũi hoặc người thân trong gia đình. Cảm giác ghen tị này không chỉ khiến bản thân bạn khó chịu, mệt mỏi mà về lâu dài sẽ phá hủy các mối quan hệ bạn bè của bạn.
3. Facebook có thể làm lệch lạc cách bạn nhìn nhận thế giới
Hãy thử ngồi bên cạnh một người bạn và cùng nhau tìm kiếm một vấn đề trên Google, diễn giả nổi tiếng Eli Pariser – tác giả cuốn sách The Filter Bubble khẳng định rằng hai bạn sẽ không tìm ra được kết quả giống nhau. Không chỉ Google mới có cơ chế sàng lọc thông tin dựa vào thói quen sử dụng riêng của từng người dùng, mà Facebook cũng vậy. Cơ chế Facebook lọc thông tin sẽ giúp bài đăng từ những người đồng quan điểm hoặc có cùng mối quan tâm với bạn hiện lên News Feed của bạn nhiều hơn. Về lâu dài, điều này sẽ làm lệch lạc cách bạn nhìn nhận thế giới. Chẳng hạn như bạn sẽ tưởng nhầm rằng ngôi sao ca nhạc mà mình yêu thích đang nhận được rất nhiều ủng hộ, dù thực tế không phải vậy. Đó là vì trang Facebook của những người có sở thích/quan điểm khác bạn sẽ không mấy khi hiện lên trước mắt bạn.
4. Facebook có thể khiến bạn “dây dưa” với quá khứ buồn
Muốn biết người yêu cũ của bạn bây giờ đang sống thế nào ư? Facebook sẽ giúp bạn thỏa nguyện một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, hệ quả theo sau đó là điều rất khó lường.
Theo dõi Facebook người yêu cũ sẽ khiến những ký ức đã mờ nhạt giữa hai người sống dậy và gây rắc rối cho hiện tại của bạn. “Người ấy có đau khổ như mình không? Có phải dòng trạng thái mơ hồ đó ám chỉ đến mình? Người ấy đã hẹn hò với cô gái kia từ thời còn quen mình sao?…” Những câu hỏi này sẽ ùa về và khiến nỗ lực quên đi của bạn “tan thành mây khói”.
Thông qua cuộc khảo sát với gần 500 người dùng Facebook về trải nghiệm của họ lúc vào thăm trang nhà người yêu cũ, Tiến sĩ Tara C. Marshall đã phát hiện ra rằng, hành động “dây dưa” với quá khứ thông qua Facebook sẽ khiến chúng ta khó quên được chuyện buồn và cảm thấy đau khổ hơn. Thậm chí, việc “theo dõi” người ấy thông qua Facebook còn tác động nặng nề đến tâm lý bạn hơn là gặp anh/cô ta ở ngoài đời mỗi ngày.
5. Facebook khiến ghen tuông với người yêu hiện tại
Tác động tiêu cực của việc “theo dõi” Facebook không chỉ áp dụng với người yêu cũ mà còn cả với người yêu hiện tại. Hầu hết các bà vợ đều sẽ có tâm lý này khi “soi” Facebook chồng: “Cái cô Ngọc Lan kia là ai? Tại sao cô ta lại thường xuyên ‘like’ bài đăng trên Facebook của chồng tôi?”, “Sao cô đồng nghiệp kia lại đứng sát chồng tôi trong mọi bức ảnh chụp của công ty vậy?”…
K. Jason Krafsky và Kelli Krafsky, đồng tác giả cuốn sách Facebook and Your Marriage (2010) đã chỉ ra rằng sử dụng Facebook có thể gây ra nhiều vấn đề cho mối quan hệ tình cảm của bạn. “Soi” Facebook người yêu có thể khiến bạn ghen tuông và thậm chí nảy sinh những hồ nghi vô căn cứ, đặc biệt là khi có sự xuất hiện của những cô/anh người yêu cũ. Jason và Kelli khuyên bạn nên nói chuyện với người ấy về những tương tác cả hai đều cảm thấy an toàn và đáng tin trên Facebook, đồng thời tự đặt ra những giới hạn tương tác mà bạn thấy không thoải mái.
6. Facebook có thể làm xấu hình ảnh của bạn trong mắt nhà tuyển dụng
Hẳn là bạn không muốn cho nhà tuyển dụng tiềm năng thấy được cuộc vui chơi thâu đêm với các cô bạn thân hay những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc tình cảm của mình và người yêu phải không? Tiến sĩ Peluchette Joy and Karl Katherine đã phát hiện ra rằng 40% người sử dụng Facebook thường đề cập đến việc dùng chất cồn và 20% thường đề cập đến các hoạt động tình dục trên tường nhà mình. Chúng ta có xu hướng cho rằng những bài đăng đó chỉ mang tính chất cá nhân và hoàn toàn vô hại, nhưng sự thực không đơn giản như vậy.
Một thống kê của trang web tìm việc làm CareerBuilder.com cho thấy, có tới 89% thành viên của trang này đang tìm việc thông qua mạng xã hội như Facebook và có 37% các nhà tuyển dụng tiềm năng cũng đang tìm kiếm nhân sự qua con đường tương tự. Vì vậy, nếu bạn dùng Facebook để đăng ký thành viên hoặc chia sẻ Facebook của mình trên các trang tìm việc, hãy kiểm tra kỹ càng chế độ riêng tư cho từng bài đăng. Bạn nên làm quen với chế độ hiển thị “chỉ cho bạn bè” và “chỉ cho một số người” của Facebook nếu không muốn phải xóa hết bài đăng của mình về sau.
7. Bạn có thể trở thành một con nghiện
Có phải bạn nghĩ rằng những chất gây nghiện phổ biến nhất trong xã hội là cà phê, thuốc lá và rượu? Hãy thử nghĩ lại một lần nữa. Ở ấn bản Diagnostic and Statistical Manual lần thứ 5 (tạm dịch: Sách hướng dẫn chẩn đoán và thống kê) của Hội Liên hiệp Bệnh tâm thần Mỹ (American Psychiatric Association) đã đưa ra một loạt các bệnh được xếp loại liên quan đến Nghiện Internet.
Trong đó, bệnh nghiện Facebook là gây được sự chú ý hơn cả. Thông qua khảo sát và thống kê, Tiến sĩ Cecilie Andraessen thuộc trường Đại học Bergen đã chia bệnh nghiện Facebook thành 6 mức độ khác nhau. Cụ thể là:
- Bạn dành nhiều thời gian nghĩ về Facebook hoặc việc phải sử dụng nó như thế nào.
- Cảm giác muốn sử dụng Facebook nhiều hơn nữa, hơn nữa cứ thúc giục lòng bạn.
- Bạn sử dụng Facebook để không quên những vấn đề cá nhân.
- Bạn cố gắng giảm việc sử dụng Facebook nhưng không thành công.
- Bạn cảm thấy bồn chồn hoặc khổ sở khi bị cấm dùng Facebook.
- Bạn sử dụng Facebook nhiều đến mức gây ra ảnh hưởng tiêu cực cho công việc/học tập.
Để tìm hiểu thêm về mức độ nghiêm trọng của chứng nghiện này, Tiến sĩ Wilhelm Hofmann và các cộng sự đã ngẫu nhiên gửi tin nhắn đến những người tham dự một khóa học tâm lý kéo dài một tuần của anh để hỏi về điều họ muốn làm nhất ngay tại thời điểm đó. Kết quả là nhu cầu sử dụng mạng xã hội của các học viên còn lớn hơn cả thuốc lá và rượu bia.
Tất nhiên, Facebook không phải chỉ mang lại điều tiêu cực cho tâm lý người dùng. Có những nghiên cứu đã chứng minh rằng, dùng Facebook sẽ giúp bạn giảm cảm giác cô đơn và giữ được kết nối liền mạch với xã hội. Facebook thực ra cũng giống nhiều thiết bị công nghệ hiện đại khác, như một chiếc xe ô tô đời mới chẳng hạn, nó sẽ không gây hại gì cho bạn hay ông xã, cô bạn thân… nếu được sử dụng đúng cách, tự chủ và thông minh.
Nguồn: Theo Psychology Today
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.