Thông thường trẻ có thể ăn thô khi được 6 tháng tuổi. Việc chuyển tiếp từ giai đoạn bú sữa hoàn toàn sang giai đoạn ăn kết hợp với các thức ăn khác khiến nhiều bà mẹ lo lắng bối rối. Mẹ khá mông lung trước các vấn đề như nên cho bé ăn thô theo phương pháp nào, lượng ăn từng bữa nhiều hay ít, nên ăn bao nhiêu bữa là đủ, liệu bé có bị sụt cân khi ăn thô không, liệu khi ăn thô bé có bỏ bú không…
Xác định rằng giai đoạn này mẹ sẽ vất vả hơn rất nhiều. Để “bữa ăn không phải là cuộc chiến” mẹ cần nhớ 7 điều sau đây nhé.
1. Cho trẻ ăn thô đúng thời điểm
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, nên bắt đầu cho trẻ ăn thô khi 6 tháng tuổi. Không nên giới thiệu thức ăn thô đến bé quá sớm, vì khi này bé chưa sẵn sàng. Nhiều mẹ có suy nghĩ sai lầm rằng cho trẻ ăn thô sớm trẻ sẽ tăng cân và cứng cáp hơn. Tuy nhiên thực tế lại không phải như vậy. Cần nhớ dù ăn dặm hay ăn thô thì cũng chỉ mang tính chất giới thiệu, làm quen. Dưới 1 tuổi, thức ăn chính của trẻ vẫn là sữa.
2. Bé có một số kỹ năng nhất định cho việc ăn thô
Bé cần có một số kỹ năng để chuẩn bị cho giai đoạn ăn thô như:
– Bé có thể ngồi hoặc tự ngồi có điểm tựa, có thể tự điều khiển đầu và thân.
– Có khả năng với lấy thức ăn và đưa vào mồm.
– Bé không bị dính lưỡi.
Trước 4 tháng tuổi, hầu hết trẻ đều chưa thể có những kỹ năng này, do đó không thể giới thiệu thức ăn thô cho trẻ. Giai đoạn này chỉ có thể cho trẻ ăn bột loãng hoặc thức ăn nghiền/ xay nhuyễn. Mà như vậy thì không phải là ăn thô.
Mục đích của việc ăn thô là cho trẻ làm quen với những mùi vị của món ăn. Trẻ được ngồi cùng bàn ăn với gia đình sẽ mang đến nhiều trải nghiệm mới lạ. Ngoài ra kỹ năng nhai của trẻ được rèn luyện. Điều này còn có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành thói quen ăn uống lành mạnh, tích cực sau này.
3. Cho trẻ ăn thô từ 6 tháng tuổi sẽ giảm nguy cơ dị ứng thực phẩm
Các nghiên cứu cho thấy thời điểm lý tưởng cho trẻ ăn thô là từ 6 tháng tuổi vì sẽ giảm được nguy cơ dị ứng thực phẩm. Cho trẻ ăn thô quá sớm trước 4 tháng tuổi hoặc quá muộn sau 7 tháng tuổi sẽ làm tăng nguy cơ này. Các nhà khoa học cũng khuyên nên giới thiệu càng nhiều loại thức ăn đa dạng càng tốt. Nếu trẻ bị dị ứng loại thực phẩm nào đó, cần đưa trẻ đi khám.
4. Cho trẻ ăn thô quá sớm sẽ giảm nhu cầu bú sữa của trẻ
Dưới 1 tuổi, thức ăn chính của trẻ vẫn là sữa. Dạ dày của trẻ cũng rất nhỏ, không chứa được nhiều thức ăn như dạ dày của người lớn. Vì thế cho trẻ ăn thô quá sớm sẽ giảm nhu cầu bú sữa của trẻ.
5. Nên giới thiệu những thực phẩm nhiều sắt
Thực phẩm nhiều sắt là ưu tiên hàng đầu khi giới thiệu đến bé vì từ 6-12 tháng tuổi, lượng sắt lưu trữ trong cơ thể bé giảm đáng kể. Mẹ có thể cho bé ăn thịt nạc, các loại hạt và các loại rau lá xanh chứa nhiều sắt.
6. Vẫn duy trì cho bé bú sữa mẹ
Cho bé ăn thô chỉ mang tính chất làm quen giới thiệu. Vẫn nên song song kết hợp ăn thô với sữa mẹ để đảm bảo đủ dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của bé.
7. Có thể cân nhắc cho bé ăn dặm theo phương pháp chủ động
Cho bé ăn dặm theo phương pháp chủ động là phương pháp bé tự cầm thức ăn và tự đưa vào mồm. Các loại thực phẩm sẽ được hấp, luộc mềm để bé tự lựa chọn và bốc ăn. Đây là phương pháp khá hay vì có thể tạo tính tự lập trong ăn uống, đa dạng vị giác của bé, giúp bé chủ động tích cực hơn với thức ăn. So với phương pháp ăn dặm truyền thống, thì phương pháp này tốn nhiều thời gian chuẩn bị và thời gian dọn dẹp “bãi chiến trường” của bé sau mỗi bữa ăn.
Việt Hà – Nguồn: BB
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.