7 lý do có thể khiến bạn cả đời “thất nghiệp”

7 lý do có thể khiến bạn cả đời 'thất nghiệp'

Có thể bạn không giỏi, nhưng nếu khéo léo khi xin việc, bạn vẫn tìm được một nơi phù hợp với sở thích, chuyên ngành và có mức lương tốt. Nhưng đôi khi dù có giỏi đến đâu, bạn vẫn có nguy cơ thất nghiệp nếu mắc những sai lầm sau đây:

Chỉ apply khi đáp ứng đủ yêu cầu

Lần đầu tiên săn việc trên mạng, mình đã làm theo cách thông thường nhất là truy cập các website việc làm để tìm kiếm thông tin. Khi đó, mình chỉ ứng tuyển vào công ty không yêu cầu cao về kinh nghiệm mà không dám thử sức với các nơi yêu cầu trình độ ngoại ngữ.

Đây là một sai lầm cực kỳ nghiêm trọng khi đi xin việc. Các đơn vị tuyển dụng thường liệt kê hàng loạt yêu cầu những khiến ứng viên “choáng”, nhưng thực chất khi đi làm chính thức, công việc có thể không quá vất vả và “hoành tráng” như bạn nghĩ.

Gửi hàng loạt thư để tìm kiếm cơ hội

Với phương châm “không thành công cũng thành nhân”, người tìm việc thường có tâm lý gửi hàng loạt CV để tìm kiếm cơ hội. Hồi mới ra trường, mình cũng từng gửi CV ứng tuyển cả chục công ty, nhưng kết quả là mình phải quay như chong chóng với lịch phỏng vấn dày đặc. Thậm chí, một buổi sáng mình phải chạy sô 4 nơi để kịp lịch hẹn. Cuối cùng mình chẳng tìm được vị trí nào ưng ý, trong khi chuyện bên lề còn khiến bản thân kiệt sức và mất tinh thần.

Kinh nghiệm rút ra là bạn không nên “tham” ứng tuyển quá nhiều mà hãy tập trung một vài vị trí nhất định. Việc đó sẽ giúp bạn có điều kiện “đầu tư” một cách tốt nhất cho những buổi phỏng vấn quan trọng.

7 lý do có thể khiến bạn cả đời 'thất nghiệp'

Quá chú trọng bằng cấp

Bằng cử nhân loại giỏi, bằng IELTS 7.5 và vô số thể loại bằng cấp khác rất có lợi cho CV. Nhưng vấn đề ở đây là bạn có hợp với công ty đó, hoặc có năng lực để làm những công việc mà công ty giao hay không. Đôi khi bằng cấp chỉ là giấy tờ, kinh nghiệm thực tế mới khẳng định vấn đề.

Thực tế đã chứng minh, sự tự tin chiếm đến 60% cơ hội thành công. Có những người dù chỉ có bằng cao đẳng, trung cấp và tốt nghiệp những trường hạng trung, nhưng họ vẫn có thể tìm được công việc ổn định với mức lương tương đối.

Không gọi điện cho nhà tuyển dụng

Trong một lần ứng tuyển vào công ty truyền thông, mình trải qua 3 vòng test IQ, biên tập nội dung bài và phỏng vấn trực tiếp. Mình khá tự tin và phía công ty hẹn sẽ hồi âm sau một buổi offer. 1 tuần rồi 2 tuần trôi qua mà vẫn không nhận được email từ phía nhà tuyển dụng, mình mặc định có lẽ không trúng tuyển.

Mình có chút tiếc nuối vì đó là vị trí mình khá tâm huyết. Đáng lẽ sau lần phỏng vấn, mình nên gửi một email cảm ơn, hoặc gọi điện hỏi xem có cơ hội được sắp xếp một buổi phỏng vấn tiếp theo hay không, biết đâu sẽ có cơ hội.

Mọi người lưu ý điều này nhé. Nếu thắc mắc, hãy mạnh dạn hỏi trực tiếp nhà tuyển dụng. Nó thể hiện bạn là một người chuyên nghiệp và có thể tạo ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng.

Quá chú trọng lương

Không thể phủ nhận thu nhập là vấn đề quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên sẽ không một nhà tuyển dụng nào chấp nhận mức lương lý tưởng khi họ chưa rõ về năng lực của bạn.

Khi bạn quá chú trọng lương, công ty cũng sẽ đặc biệt quan tâm đến năng lực của bạn. Trước mắt, bạn phải thể hiện điều đó thế nào để họ có thể đặt niềm tin. Vì vậy, tốt nhất bạn hãy xin thử việc trước, sau đó mới giải quyết vấn đề mức lương. Trong thời gian thử việc, bạn hãy chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy năng lực của mình. Lúc đó, bạn sẽ dễ dàng thỏa thuận mức lương mong muốn.

Nói quá nhiều về bản thân

Khi phỏng vấn, bạn không nên “chém gió” quá nhiều về bản thân, thay vào đó hãy tập trung những vấn đề cốt lõi nhất. Thực tế, tất cả những gì liên quan đến bản thân đã thể hiện phần nào trong CV mà bạn gửi cho nhà tuyển dụng.

Hãy nói ít đi và hành động nhiều hơn. Hãy khẳng định bạn làm được gì nếu đảm nhiệm nhận vị trí này, bạn có tự tin thể hiện bản thân hay không. Điều đó có ích hơn gấp vạn lần những lời khoa trương nhưng thiếu thực tế.

Không liên lạc với công ty khi họ từ chối bạn

Kinh nghiệm xương máu của mình là hãy tiếp tục liên lạc với cơ quan tuyển dụng nếu có cơ hội. Hồi mới ra trường, mình ứng tuyển vị trí biên tập viên ở một công ty truyền thông có quy mô lớn. Tuy nhiên, mình không trúng tuyển vì “công ty cần người có kinh nghiệm” để đảm nhận ví trí trưởng nhóm.

Sau thất bại đó, mình vẫn làm cộng tác viên cho công ty, dần dần được quản lý đánh giá cao và có thu nhập ổn định. Sau một thời gian gắn bó, mình được nhận vào vị trí biên tập viên chính thức mà không cần qua bất cứ vòng phỏng vấn nào. 

Kinh nghiệm rút ra ở đây là nhà tuyển dụng sẽ cho bạn cơ hội thứ 2 nếu có vị trí phù hợp, khi bạn đã xây dựng được mối quan hệ bền chặt.

Hà Linh

( Theo congluan)

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.