Chăm sóc con vừa là niềm vui và nỗi lo của mẹ. Nhưng thật không dễ để niềm vui có thể lấn át nỗi lo hàng ngày như cho con bú, cho con tắm, hay chăm cho con không bị bệnh. Vậy có cách nào để giúp mẹ giảm tải bớt lo lắng và chăm sóc con khoa học, nhàn nhã hơn không? Các mẹ hãy thử một vài gợi ý đây xem!
1. Linh động trong áp dụng các cách chăm sóc trẻ
Ngày ngày, chúng ta đọc được rất nhiều các thông tin và nghe rất nhiều lời khuyên về phương pháp chăm sóc trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ đều khác nhau nên bạn cần linh động và chọn lọc thông tin để áp dụng cho con mình. Ví dụ, tùy theo độ tuổi, sức khỏe của trẻ mà bạn có thể áp dụng phương pháp chăm sóc về dinh dưỡng, vệ sinh, chơi đùa khác nhau. Hay nói cách khác, bạn cần linh động đáp ứng nhu cầu của trẻ để biết trẻ của mình cần gì chứ không nhất thiết phải là áp dụng máy móc công thức tiêu chuẩn có sẵn.
2. Biết trẻ cần gì và đáp ứng
Trẻ sơ sinh giao tiếp bằng tiếng khóc và cười. Mẹ cần phải học cách nhận biết thông điệp của con khi nào con mệt, con đói, con khó chịu để đáp ứng cho con. Tương tự, nếu con phấn khích, mẹ cần ở bên con để giúp con có thêm những giờ phút thư giãn vui vẻ.
3. Thư giãn sau những tháng đầu tiên sinh con
Hai tháng đầu tiên sau khi sinh con là giai đoạn vất vả nhất của mẹ. Sau khoảng thời gian đó, mẹ sẽ cảm thấy thoải mái hơn và hiểu con nhiều hơn. Cho đến khoảng tháng thứ 6, mẹ gần như đã phục hồi sức khỏe hoàn toàn và sức khỏe của con cũng ổn định hơn. Vậy, mẹ hãy tranh thủ khoảng thời gian này để nghỉ ngơi và thư giãn nhiều hơn. Hãy tập thể dục để lấy lại vóc dáng, đi spa chăm sóc da hoặc tự thưởng cho mình những chuyến du lịch ngắn ngày bên cùng gia đình.
4. Đề nghị giúp đỡ
Nếu bạn có ông xã ở bên trong những tháng đầu sinh em bé, đó là hạnh phúc lớn của bạn. Hãy đề nghị anh ấy chăm lo cho cả hai mẹ con bằng cách giúp bạn làm các việc nhà mà bạn không thể làm được trong giai đoạn này như giặt giũ, nấu nướng, vệ sinh phòng…
5. Chia sẻ công việc chăm con với ông xã
Chăm sóc con cũng vậy, hãy chia sẻ công việc ý nghĩa này với ông xã để gắn kết tình cảm gia đình hơn. Và hơn thế nữa, bạn sẽ là người phụ nữ hạnh phúc khi có một người chồng luôn kề vai sát cánh.
6. Học hỏi kinh nghiệm từ các bà mẹ khác
Nếu bạn là một bà mẹ trẻ hoặc sinh con lần đầu, bạn sẽ cảm thấy bỡ ngỡ và khó khăn trong việc chăm sóc con. Vậy, bạn đừng quên tham khảo các kinh nghiệm chăm con từ các bà mẹ hàng xóm khác; hoặc bạn cũng có thể tham gia một nhóm hội các bà mẹ đang nuôi con để học hỏi kinh nghiệm từ họ.
7. Sử dụng dụng cụ vắt sữa
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng thiết yếu nhất đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, không phải bà mẹ nào cũng có nguồn sữa dồi dào hoặc có bà mẹ lại phiền lòng vì mình có quá nhiều sữa mà con không bú hết. Cho con bú thường xuyên có thể giúp mẹ điều tiết sữa tốt hơn, nhưng mẹ lại phải phụ thuộc vào sự hợp tác của em bé khi ngậm đầu vú mẹ. Đó là lý do tại sao bạn nên sử dụng dụng cụ vắt sữa để kích thích ra sữa cũng như hút đi lượng sữa dư thừa khiến mẹ khó chịu. Sau đó, lượng sữa của mẹ sẽ được điều tiết hợp lý hơn phù hợp với nhu cầu bú sữa của trẻ. Trung bình, bạn có thể dùng dụng cụ vắt sữa để lấy sữa vào bình sau từ 3 – 4 tiếng/lần.
8. Quản lý giấc ngủ của cả mẹ và con
Trẻ sơ sinh dành phần lớn thời gian trong ngày để bú và ngủ. Nhiệm vụ của mẹ là phải quản lý giờ giấc để con bú đủ no và ngủ đủ giấc mỗi ngày (trong từng giai đoạn khác nhau). Điều này cũng giúp mẹ chủ động giờ giấc ngủ nghỉ của mình để đáp ứng nhu cầu của con. Ví dụ, bạn có thể cho trẻ bú trước giờ bạn đi ngủ, và khi con bú no, bạn cũng có thể chợp mắt và có giấc ngủ đêm sâu. Trung bình, trẻ sơ sinh ngủ mỗi lần khoảng 1 – 2 tiếng và bạn nên chủ động hẹn giờ để cho con ăn và ngủ đúng giờ và không bị mệt mỏi khi con quấy khóc liên tục nhiều lần trong một giờ.
Nguyễn Mai – Nguồn: LH
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.