1/ Thói quen sử dụng điện thoại
Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia đến từ Đại học Yale (Mỹ), thường xuyên sử dụng điện thoại trong thời gian mang thai có thể gây tác động tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi, khiến các bé sinh ra có nguy cơ mắc chứng rối loạn hành vi, hiếu động quá mức hoặc gặp khó khăn trong giao tiếp, kiềm chế cảm xúc…
Để giảm tác động từ bức xạ điện thoại, các chuyên gia khuyến cáo mẹ bầu nên cắt giảm bớt thời gian sử dụng điện thoại, không nên sử dụng quá 30 phút mỗi lần. Có thể thay điện thoại di động bằng điện thoại bàn nếu cần thiết phải trao đổi nhiều. Đồng thời, không nên dùng điện thoại khi đang xạc pin cũng như không để điện thoại gần nơi ngủ.
2/ Thói quen nằm ngửa khi ngủ
Có thể bạn không để ý nhưng tư thế nằm khi mang thai cũng có thể gây những ảnh hưởng lớn đến em bé trong bụng. Cụ thể, việc nằm ngửa trong khi mang thai, nhất là trong những tháng cuối thai kỳ khi kích thước thai nhi ngày càng tăng sẽ làm chèn ép cột sống của mẹ, hạn chế quá trình lưu chuyển máu và ô-xy đến thai nhi. Thậm chí, theo một nghiên cứu 5 năm của các chuyên gia người Úc, bà bầu nằm ngửa thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ thai chết non lên gấp 6 lần.
3/ Thói quen ăn thức ăn nhanh, thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ
Ngoài tác dụng tiêu cực khiến cân nặng của bầu “vượt ngưỡng” nhanh chóng, những thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ còn là nguyên nhân làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi. Nguyên nhân là trong loại thực phẩm này có một lượng phèn chua nhất định, có thể gây hại cho sự phát triển não của thai nhi, làm não kém phát triển.
4/ Thói quen sử dụng nước uống có ga, thức uống có caffein
Tất nhiên, trong thời gian mang thai, ít mẹ bầu nào có thể “liều lĩnh” sử dụng rượu, bia hay các thức uống có cồn để tránh ảnh hưởng đến con. Nhưng nhiều mẹ bầu lại quên mất sự ảnh hưởng từ những thức uống có ga hay thức uống chứa caffein. Tuy không gây tác hại nghiêm trọng như rượu, bia, nhưng nước ngọt hay những thức uống có ga có thể khiến mẹ bầu dễ béo phì, hạn chế khả năng hấp thu sắt, canxi và làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi.
5/ Thói quen che chắn quá mức khi đi ra đường
Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời là một thói quen tốt, giúp mẹ bầu hạn chế nguy cơ ung thư da và ngăn ngừa nám da khi mang thai. Tuy nhiên, nếu che chắn quá mức, nhất là trong thời điểm nắng “tốt” (khoảng từ 6-7 giờ sáng) hoặc ở yên trong nhà không ra ngoài có thể khiến cơ thể bầu không hấp thụ được đủ vitamin D cần thiết cho sự phát triển của thai nhi. Theo nhiều nghiên cứu, thiếu vitamin D trong thời gian mang thai có thể gây dị tật xương, bé sinh ra dễ bị còi xương, chậm lớn. Thậm chí, có nghiên cứu còn chỉ ra rằng, thiếu vitamin D có thể gây ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ của trẻ sau sinh.
6/ Thói quen tắm bồn, ngâm nước nóng
Sau một ngày làm việc căng thẳng mệt mỏi, bầu chỉ có mong ước được ngâm người thư giãn trong một bồn tắm nước nóng hoặc xông hơi để loại bỏ những độc tố trong người. Nhưng mẹ ơi, cách thư giãn này chỉ phù hợp khi bạn còn “son rỗi” thôi nhé!
Khi mang thai, việc tắm nước quá nóng hoặc xông hơi có thể khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, thậm chí tăng nguy cơ dị tật thần kinh. Không chỉ vậy, những mẹ bầu huyết áp thấp cũng nên cẩn thận khi tắm nước quá nóng, bởi nguy cơ tụt huyết áp trong những trường hợp này khá cao.
7/ Thói quen trang điểm đậm
Trang điểm khi mang thai không xấu, nhưng đó là khi mẹ chỉ sử dụng một lớp son nhẹ nhàng. Thói quen sử dụng son đậm khi đi ra ngoài, khi đi làm có thể gây ảnh hưởng đến bé cưng, bởi hầu hết các loại son đậm, son lì đều chứa rất nhiều chì. Và trong quá trình sử dụng, lượng chì này có thể từ niêm mạc da “xâm nhập” vào máu gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển hệ thần kinh của bé cưng trong bụng.
8/ Thói quen ăn nhiều tinh bột
Cơm là một trong những món cơ bản, khó có thể thiếu trong mâm cơm của người Việt. Tuy nhiên, thay vì ăn quá nhiều cơm, nhiều thực phẩm tinh bột, bầu nên cân bằng giữa các nhóm thực phẩm, nên tăng cường rau xanh và trái cây để bổ sung vitamin và chất xơ cho cơ thể. Ăn quá nhiều tinh bột có thể khiến trọng lượng mẹ bầu tăng nhanh, dễ dẫn đến nguy cơ tiểu đường, béo phì nhưng lượng dưỡng chất cho thai nhi phát triển lại không nhiều, khiến thai có thể bị “suy dinh dưỡng”.
(Theo MB)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.