1/ Không hút thuốc lá
Nếu như lúc chuẩn bị mang thai các ông chồng phải kiêng thuốc lá để cải thiện chất lượng tinh trùng, tăng khả năng thụ thai thì khi vợ mang bầu, việc kiêng khem này vẫn nên tiếp tục. Nhiều nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng xấu của thuốc lá đến sự phát triển của thai nhi, làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non và dị tật thai nhi.
2/ Không được “đóng vai ác”
Cùng với sự thay đổi của cơ thể, tâm lý của mẹ bầu cũng có nhiều biến chuyển. Không chỉ “mau nước mắt”, nhiều mẹ bầu còn có xu hướng lo lắng, bất an. Thậm chí có thể bị stress khi mang thai. Nếu mẹ đang bị bất ổn tâm lý, bố nên nhẹ nhàng an ủi. Tuyệt đối không được lớn tiếng, mẹ sẽ chỉ tủi thân thêm mà thôi.
3/ Không cho mẹ bầu ăn lung tung
Với các ông bố, mọi mong muốn lúc này của vợ đều là “ý trời”. Nếu có thể, chắc hẳn không ông bố nào dám “trái lệnh”, nhất là khi vợ ốm nghén. Cần phải chiều, nhưng bố không nên để mẹ ăn uống tùy ý nhé. Dinh dưỡng của mẹ cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thai nhi. Ăn uống không cẩn thận, gây hại cho con thì nguy.
4/ Không lạnh lùng, thờ ơ
Đi kèm với những hạnh phúc vui sướng, chắc hẳn lúc này mẹ cũng đang phải đương đầu với nhiều sự khó chịu, nào là đau lưng khi mang thai, giãn tĩnh mạch, chuột rút, táo bón… Bố nghĩ xem, nếu cả bố cũng thờ ơ, mẹ sẽ còn mệt hơn bao nhiêu nữa?
Sự hỗ trợ của bố sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm trạng và sức khỏe của mẹ.
Không cần nhiều, chỉ đơn giản là những câu hỏi thăm, vài buổi massage tối, đôi ba câu chuyện cười… Bấy nhiêu cũng đủ để mẹ cười suốt ngày rồi.
5/ Không quên buổi khám thai quan trọng
Có 3 mốc khám thai quan trọng không thể quên vào tuần thứ 11-14, tuần thứ 21-24 và tuần thứ 30-32 của thai kỳ. Đây là thời điểm thực hiện những xét nghiệm thai kỳ quan trọng để đảm bảo sự phát triển của bé đang diễn ra bình thường. Được bố “tháp tùng”, mẹ sẽ tự tin và an tâm hơn hẳn.
6/ Không để vợ ôm đồm việc nhà
Thực tế, mẹ không cần bố gánh hết tất cả công việc nội trợ trong nhà. Nhưng thỉnh thoảng đỡ đần mẹ một vài việc vặt chắc cũng không sao đâu bố nhỉ?
Mang vác đồ vật nặng, dọn chất thải vật nuôi, những việc cần leo trèo, tiếp xúc với hóa chất, bụi bẩn… bố nên làm giúp, bởi công việc này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây hại cho em bé trong bụng mẹ.
7/ Không về nhà trễ
Đôi khi công việc đòi hỏi bố cần ở lại làm thêm hoặc có buổi gặp quan trọng với đối tác. Tuy nhiên, nếu được, hãy hạn chế về nhà quá khuya bố nhé! Hầu hết các mẹ bầu đều rất khó ngủ, nhất là vào buổi đêm. Ngoài ra, nếu bố chưa về nhà, mẹ cũng sẽ chẳng thể nào yên tâm mà đi ngủ cho được. Thường xuyên ngủ không đủ giấc có thể dẫn đến những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe mẹ bầu như suy nhược, nhức đầu, chán ăn…
8/ Không được kiệm lời khen
Bên cạnh cảm giác tự hào khi mang trong mình một sinh linh bé bỏng, thỉnh thoảng nhiều mẹ sẽ cảm thấy phiền lòng bởi những thay đổi của cơ thể. Nếu mẹ có than phiền về vấn đề nhan sắc của mình, bố nhớ không được hùa theo. Thay vào đó, hãy đánh lạc hướng của mẹ bằng những lời khen.
9/ Không quá đặt nặng chuyện “yêu”
Thân thể ngày càng nặng nề và cảm giác mệt mỏi có thể làm hứng thú của mẹ biến mất hoàn toàn. Nhiều mẹ bầu thậm chí không cảm thấy thoải mới với “chuyện ấy” khi mang thai. Bố có thể cùng mẹ thảo luận về vấn đề này. Giao tiếp cởi mở và hỗ trợ lẫn nhau nhiều nhất có thể để cùng vượt qua những thay đổi trong quá trình mang thai. Hơn nữa, quan hệ tình dục không phải cách duy nhất để thỏa mãn cảm xúc. Vợ chồng bạn có thể ôm, hôn và âu yếm nhau.
(Theo MB)
Xem thêm:
Những điều các ông bố cần biết về lịch khám thai
Những điều các ông bố nên làm để giúp vợ vượt qua trầm cảm sau sinh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.