99% rác rưởi mà con người vứt xuống biển đang biến mất, tuy nhiên đây lại không phải là một tin tốt.
>>> 35.000 tấn nhựa trôi trên các đại dương thế giới
Theo ước tính, hiện tại có tới hàng triệu tấn rác thải bằng nhựa do con người vứt xuống đang gây ô nhiễm cho mặt nước biển. Tuy nhiên, khi một đội ngũ gồm 400 người quyết định đi đo số lượng rác thải nhân tạo, họ chỉ đo được một lượng khá nhỏ là 40.000 tấn. Điều này không có nghĩa rằng con số ước tính ban đầu là sai. Ngược lại, 99% số nhựa thải ra biển đang biến mất. Những lời giải thích rằng số rác này đã đi về đâu đều gặp phải khó khăn.
Sau 9 tháng thu gom trên biển Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, đội ngũ Malaspina Circumnavigation Expedition đã thu được 200.000 mẫu vật từ 313 khu vực (với độ sâu cao nhất lên tới 6.000m). Kết quả cho thấy mặc dù trên biển có 5 khu vực rác thải lớn như đảo rác nhân tạo ở Thái Bình Dương (Great Pacific Garbage Patch), hầu hết trong số chúng đều đang bị vỡ vụn ra và trải ra khắp các đại dương trên Trái đất.
“Dòng biển mang theo các vật nhựa, bị vỡ ra làm nhiều mảnh nhỏ hơn do bức xạ mặt trời”, Andrés Cózar, một nhà nghiên cứu của trường Đại học Cadiz, Tây Ban Nha đồng thời là trưởng nhóm đo đạc cho biết. “Những mẩu nhựa nhỏ này được gọi là microplastic, có thể tồn tại trong hàng trăm năm và xuất hiện trên 88% khu vực biển được khảo sát”.
Kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences và gây lo lắng cho các nhà khoa học, rằng các loài động vật biển sẽ rất dễ ăn phải những mẩu nhựa này. Có hai nguyên nhân: Có khả năng các chất gây ô nhiễm biển sẽ bám vào nhựa, sau đó bị cá ăn phải rồi bị chuyển hóa vào chuỗi thực phẩm của con người (ví dụ như món cá sushi); và một lượng lớn nhựa thông qua phân của cá sẽ chìm xuống dưới đáy đại dương, gây tổn hại cho hệ sinh thái.
“Microplastic có thể gây tác động tới hành vi và chuỗi thức ăn của sinh vật biển. Một mặt, các mẩu nhựa nhỏ có thể tích tụ các chất gây ô nhiễm mà nếu bị nuốt phải, có thể bị chuyển tới cơ thể thông qua quá trình tiêu hóa và gây tổn thương cho đường ruột, vốn là một vấn đề phổ biến với kiểu rác thải này”, Carlos Duarte, một nhà nghiên cứu và hải dương học tại Đại học Tây Australia, Crawley phát biểu. “Mặt khác, các mảnh nhựa trôi nổi tràn lan có thể đưa rất nhiều sinh vật nhỏ tới những nơi mà chúng không thể tới trước đây và chiếm đóng những khu vực đó. Tuy vậy, hầu hết những tác động gây ra do tình trạng ô nhiễm nhựa trên đại dương đều chưa được biết tới”.
Theo Vnreview