Hai vấn đề chính trong ô nhiễm thực phẩm là nhiễm trùng (vi sinh vật gây bệnh) và nhiễm độc (hóa chất độc hại) làm đau đầu, lo lắng cho cả nhà quản lý lẫn người tiêu dùng và “stress” cho cả xã hội, cộng đồng.
Thức ăn, đặc biệt những món chứa nhiều chất đường và chất đạm, là môi trường “nuôi cấy” lý tưởng cho vi sinh vật – gồm cả vi trùng, ký sinh trùng và virut – phát triển rồi gây bệnh. May mắn cho chúng ta, chỉ cần ăn chín uống sôi thì hầu hết vi sinh vật gây bệnh, nhiễm trùng không còn là mối lo lắng quá lớn cho con người hiện nay.
Căng thẳng, phức tạp nhất là vấn đề thức ăn nhiễm độc. Thực phẩm có thể bị nhiễm độc qua hai nguồn: một là bị ô nhiễm bởi hóa chất độc hại vương vãi trong môi trường sống; hai là nhiễm độc từ các chất phụ gia do chính con người chủ động cho vào nước uống, thức ăn.
Một điều cần hết sức lưu ý là độc chất có tác hại tích lũy, gây tổn thương lâu dài; chất độc về lâu về dài sẽ làm suy gan, suy thận, suy tủy xương, tổn thương hệ thần kinh không hồi phục, gây bướu, bùng phát ung thư, dị tật…
Do vậy, người tiêu dùng cần lưu ý:
-
1
Tránh thức ăn bị vương nhiễm các chất độc như: chì, thủy ngân, xyanua, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân urê, chất nhuộm màu công nghiệp, hàn the…
-
2
Sử dụng hợp lý, đúng quy định những chất phụ gia cần thiết: muối ăn, giấm ăn…
-
3
Trước vô vàn thực phẩm trên thị trường ngày tết, khi chọn mua cần lưu ý ba điểm: một là phải đọc nhãn mác kỹ lưỡng để biết rõ thành phần, hàm lượng chất dinh dưỡng, chất phụ gia và hạn dùng của sản phẩm; hai là chỉ nên mua thực phẩm ở những nhà sản xuất, thương hiệu tin cậy, quen biết; ba là đừng chọn thực phẩm theo marketing, quảng cáo kiểu “mách miệng”, chẳng có cơ sở khoa học để chứng minh.