Ăn dặm kiểu Nhật là phương pháp cho bé ăn thô đúng thời điểm; nó không chú trọng quá nhiều đến việc bé ăn được nhiều bao nhiêu, mà chủ yếu kích thích vị giác, khơi dậy sự thích thú khám phá các loại thực phẩm của bé. Cũng nhờ vậy, phương pháp ăn dặm kiểu Nhật giúp bé hứng thú với bữa ăn hơn thay vì sợ hãi, chán ăn, lười ăn vì bị… ép ăn quá nhiều. Đây cũng được coi là phương pháp giúp bé phát triển tình cảm, trí não rất tốt.
Ăn dặm kiểu Nhật mang lại nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé, tuy vậy, không phải mẹ nào cũng nắm rõ những điều cốt yếu về phương pháp này. Vì thế, trước khi quyết định cho bé ăn dặm theo kiểu của các bà mẹ Nhật, mẹ nên nắm được những điều quan trọng dưới đây:
Thời điểm nào thích hợp để cho bé ăn dặm kiểu Nhật?
Thông thường, từ tháng thứ 6 trở đi bé sẽ cần bổ sung thêm dinh dưỡng từ các loại thực phẩm ngoài sữa mẹ (đối với bé sinh đủ tháng). Mẹ cũng cần căn cứ vào những dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng làm quen với thức ăn như:
– Bé háo hức, hứng thú với những thức ăn trên bàn: Trong bữa cơm gia đình, nếu mẹ để bé ngồi cạnh và thấy bé có những dấu hiệu như: mở miệng và nhìn chằm chằm vào thức ăn hay một ai đó đang ăn, cố gắng với lấy chiếc thìa, đũa hay giơ tay bốc thức ăn trên bàn,… lúc này có vẻ con đã sẵn sàng cho những bữa ăn ngoài lúc “ti” mẹ rồi.
– Bé nhanh đói hơn bình thường, thức dậy giữa đêm đòi bú (điều chưa từng xảy ra trước đây).
– Bé có thể kiểm soát đầu tố (điều này giúp con có thể quay đi tỏ ý không muốn ăn).
– Có có thể ngồi tốt để nuốt thức ăn dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nếu bé chưa ngồi được vừng, mẹ có thể kê thêm khăn, gối vào ghế ăn để hỗ trợ bé.
Ăn dặm kiểu Nhật với những thực phẩm nào đầu tiên?
Khi bắt đầu cho bé ăn dặm, mẹ nên xác định đây là khoảng thời gian để hệ tiêu hóa của bé làm quen với việc “xử lý” thức ăn, do đó chỉ nên cho bé ăn với lượng ít và sử dụng các thực phẩm dễ tiêu. Cháo trắng là món ăn đầu tiên mẹ nên cho bé “thử”.
Trong giai đoạn này, bé mới tập nuốt nên thức ăn cần lỏng và mịn. Nếu thức ăn còn “lợn cợn” sẽ làm bé khó nuốt hoặc nôn ọe ra ngoài. Khi bé đã quen theo thời gian, mẹ mới tăng dần độ thô của thức ăn. Với cháo trắng, mẹ nghiền mịn qua rây rồi thêm nước đến khi đạt độ lỏng phù hợp. Mẹo để nhận biết thức ăn đủ lỏng, mịn cho bé chưa là dùng lưng thìa vạch 1 đường trên mặt bát/đĩa cháo, nếu ngay sau đó đường vạch lúc trước nhanh chóng “liền” lại thì đó là độ lỏng thích hợp cho bé mới tập ăn.
Nguyên tắc của ăn dặm kiểu Nhật là luôn để bé làm quen với các thực phẩm mới, nên sau khoảng 2 tuần làm quen với cháo trắng, mẹ có thể thường xuyên đổi món cho con. Tuy nhiên, mẹ nhớ là mỗi bữa chỉ cho con “thử” duy nhất 1 loại thực phẩm với lượng nhỏ (khoảng 15ml) xem bé có phản ứng dị ứng không.
Dinh dưỡng chính của bé lúc này vẫn là từ sữa mẹ/sữa bột (nếu mẹ không thể cho bé bú sữa vì lý do nào đó), nên sau khi cho bé thử thức ăn ngoài, mẹ cần cho bé bú liền sau đó theo nhu cầu của con.
Mẹ tham khảo thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé yêu tại đây nhé, có rất nhiều món ăn đơn giản, dễ chế biến và bổ dưỡng, dễ tiêu hóa cho bé yêu; đi kèm hướng dẫn cách nấu, dụng cụ,… cụ thể.
Cho bé ăn nhạt
Bé dưới 1 tuổi chỉ cần không tới 1g muối mỗi ngày, thế nên nếu mẹ có ý nghĩ rằng thêm gia vị như mắm, muối, bột ngọt,… vào cháo giúp vị đậm đà hơn, bé dễ ăn hơn thì hãy dừng ngay lại nhé! Lượng muối cần thiết đã được cung cấp đầy đủ qua sữa mẹ/sữa công thức rồi. Thận bé lúc này vẫn còn rất “non nớt” nên nếu mẹ thêm muối vào thức ăn có thể gây tổn thương nghiêm trọng tới thận, do không thể xử lý được lượng muối dư thừa đó.
Mẹ cũng cần lưu ý tới các thực phẩm khi nấu nướng cho con, nên sử dụng thực phẩm tươi từ tự nhiên thay vì các loại rau củ, cá thịt đông lạnh, đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn và thức ăn dành cho người lớn vì rất có thể lượng muối trong đó cao hơn gấp nhiều lần nhu cầu của bé. Phô mai, xúc xích, dăm-bông, thịt cá hộp,… là những thức ăn có hàm lượng muối cao mẹ cần lưu ý.
Nếu mẹ vẫn lo lắng rằng nấu nướng như vậy thức ăn sẽ không đủ “đậm đà”, hấp dẫn thì tin mừng cho mẹ là vị giác của bé không hề giống của người lớn đâu. Bé mới tập làm quen với mọi thứ nên không biết thế nào là vị mặn, nhạt,… hết; nên những thức ăn không có muối vẫn khiến bé ngon miệng như thường. Trừ khi mẹ cho bé ăn mặn trước rồi sau đó mới bỏ muối đi thì bé sẽ dễ bỏ ăn đấy. Mặt khác, tới khi bé đã quen với việc ăn dặm, nếu mẹ muốn món ăn có mùi vị hấp dẫn hơn thì có thể thêm vào các loại rau thơm, gia vị, hành tỏi,… tuy nhiên mẹ đừng quên đây cũng là thực phẩm mới, nên cần thử phản ứng dị ứng của bé trước khi sử dụng.
Gợi ý chế độ ăn và dinh dưỡng từng giai đoạn trong ăn dặm kiểu Nhật
Giai đoạn 5 – 6 tháng
– Nửa giai đoạn đầu : Đây là khoảng thời gian bé tập làm quen với thực phẩm ngoài sữa mẹ, nên dinh dưỡng từ các loại thức ăn chỉ khoảng 10%, phần còn lại vẫn là từ sữa mẹ/sữa công thức. Nửa sau giai đoạn, bé được làm quen với nhiều thực phẩm hơn, dinh dưỡng từ nguồn ngoài sữa mẹ tăng lên gấp đôi (khoảng 20%). Thời gian biểu cho bé ăn mẹ có thể tham khảo như sau:
Thời gian | Cho bé ăn gì |
6 giờ | Sữa mẹ/sữa công thức |
10 giờ | Ăn dặm + sữa |
14 giờ | Sữa mẹ/sữa công thức |
18 giờ | Ăn dặm + sữa |
22 giờ | Sữa mẹ/sữa công thức |
Giai đoạn 7 – 8 tháng
Đây được coi là giai đoạn quan trọng nhất trong ăn dặm kiểu Nhật, bé có thể phát triển thêm động tác nghiền thức ăn bằng lưỡi và vòm hàm trên. Vì thế, nếu mẹ thấy bé có động tác nghiền thức ăn này (thay vì nuốt chửng) thì tăng dần độ thô của thức ăn lên. Bé đã có thể nghiền những mẩu thức ăn nhỏ và được hầm mềm rồi. Đến cuối giai đoạn, mẹ có thể nhận thấy bé thậm chí nhai móm mém và ăn được thức ăn thô hơn, có những bé đã biết tập nhai hoa quả và thức ăn mềm như 1 miếng chuối chín cắt mỏng hay đậu phụ.