Cơ quan không gian Ấn Độ vừa xác nhận họ đã phóng thành công tàu con thoi có thể tái sử dụng RVL-TD.
Ấn Độ vừa phóng thành công một mô hình tàu con thoi có thể tái sử dụng, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong chương trình không gian chi phí thấp của nước này.
Cụ thể, BBC cho biết bản thử nghiệm của tàu con thoi không người lái Reusable Launch Vehicle (RLV-TD) đã được phóng lên từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan ở Sriharikota và đạt được độ cao 43 dặm trước khi quay lại mặt đất. Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã chính thức xác nhận thông tin này trên website của họ.
Nguyên mẫu RVL-TD nặng 1,75 tấn ban đầu không được hi vọng sẽ “sống sót” sau khi bay thử nghiệm.
RVL-TD đã được Ấn Độ nghiên cứu phát triển trong hơn 10 năm qua với chi phí cho đến thời điểm này khoảng 14 triệu USD. Phiên bản được đưa ra thử nghiệm lần này có chiều dài khoảng 7m, nhỏ hơn 6 lần so với phiên bản gần nhất mà ISRO chế tạo.
Theo ISRO, nguyên mẫu RVL-TD nặng 1,75 tấn ban đầu không được hi vọng sẽ “sống sót” sau khi bay thử nghiệm. Các nhà khoa học chỉ hướng đến mục tiêu xác định hướng bay, đo tốc độ siêu thanh và quản lý quá trình khứ hồi về mặt đất của RVL-TD.
Cơ quan không gian châu Âu, Nhật Bản và Nga cũng đang phát triển các công nghệ tàu con thoi tái sử dụng với hi vọng sẽ tiết kiệm chi phí và nguồn lực cho các chương trình nghiên cứu không gian. Tương tự là các dự án SpaceX và Blue Origin của các công ty tư nhân.
Ấn Độ đang đầu tư rất nhiều cho chương trình không gian chi phí thấp của họ. Thủ tướng Narendra Modi hi vọng Ấn Độ sẽ vươn lên thành một trong những quốc gia có ngành công nghiệp vũ trụ phát triển nhất thế giới. Năm 2014, Ấn Độ đã trở thành nước châu Á đầu tiên đưa thành công tàu vũ trụ vào quỹ đạo của sao Hỏa với chi phí 74 triệu USD.
Theo Trí Thức Trẻ