Ấn Độ sẽ phóng tàu vũ trụ có người vào năm 2016

Cơ quan nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) có kế hoạch phóng tàu vũ trụ có người đầu tiên của nước này vào năm 2016 nếu chính phủ nước này phê chuẩn ngân sách dành cho dự án.

Ngày 28/1, người phát ngôn của ISRO S.Satish cho biết cơ quan này đang tìm kiếm khoản kinh phí 120 tỉ rupi (2,6 tỉ USD) nhằm thực hiện tham vọng đưa hai nhà du hành vào vũ trụ trong vòng 1 tuần. 

Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Hiện nay, Chính phủ Ấn Độ đã hỗ trợ thành lập một quỹ tiền dự án trị giá 4 tỉ rupi (khoảng 80 triệu USD) để tổ chức này tiến hành một số nghiên cứu ban đầu về chuyến bay vào vũ trụ.

Vào tháng 10/2008, Ấn Độ đã phóng vệ tinh Chandrayaan-1, vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Ấn Độ bay quanh quỹ đạo Mặt Trăng.

Mặc dù bị loại bỏ sau đó gần 1 năm do mất liên lạc và các nhà khoa học mất khả năng điều khiển vệ tinh này, Chandrayaan-1 đã đưa Ấn Độ vào nhóm quốc gia có khả năng nghiên cứu Mặt Trăng.

Trước Ấn Độ, chỉ có Mỹ, Nga, Cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc thực hiện cuộc phóng tương tự.

Được hậu thuẫn bởi sự bùng nổ phát triển kinh tế những năm gần đây, Ấn Độ đang tích cực đầu tư phát triển lĩnh vực công nghệ cao phục vụ mục đích chính trị, quân sự với tham vọng vươn lên trở thành cường quốc thế giới.

Tiếp sau Chandrayaan-1, Ấn Độ có kế hoạch đưa tàu Sanskrit (theo tiếng Ấn Độ có nghĩa là Tàu Mặt Trăng) hạ cánh xuống Mặt Trăng vào năm 2011.

Ấn Độ đã bắt đầu chương trình không gian vào những năm 1960 và từ năm 1975 đến nay nước này đã phóng vào vũ trụ hơn 50 thiết bị cảm biến điều khiển từ xa và vệ tinh thông tin./.

 

Theo TTXVN/Vietnam+