Hôm 1/7, Ấn Độ đã đưa lên quỹ đạo vệ tinh đầu tiên của hệ thống vệ tinh định vị tương tự như hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ.
Theo AFP, Tổ chức Nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) cho biết vệ tinh đầu tiên trong số bảy vệ tinh của Hệ thống vệ tinh định vị khu vực Ấn Độ (IRNSS) sẽ được đưa lên quỹ đạo từ một địa điểm tại bang Andhra Pradesh.
Sơ đồ mô tả hệ thống vệ tinh định vị của Ấn Độ – (Ảnh: The Hindu)
Ông Devi Prasad Karnik, giám đốc ISRO, cho biết vệ tinh này nặng 1,425kg. “Hệ thống của Ấn Độ được sản xuất trong nước, phục vụ mục tiêu cung cấp vị trí và thông tin chính xác về địa điểm trên phạm vi toàn quốc và ở khu vực cách biên giới của chúng tôi 1.500km” – ông Karnik cho biết.
Cứ sau 6 tháng ISRO lại đưa lên quỹ đạo một vệ tinh và dự kiến hệ thống IRNSS sẽ hoàn thiện và vận hành hoàn toàn vào năm 2015. Không chỉ cung cấp dịch vụ định vị thương mại hay hỗ trợ các hoạt động cứu trợ trong thảm họa, IRNSS còn sẽ giúp quân đội Ấn Độ giám sát hoạt động của tàu, máy bay quân sự nước này.
Chính quyền Ấn Độ cho biết tổng chi phí của hệ thống IRNSS vào khoảng 238,6 triệu USD. New Delhi bắt tay vào thực hiện dự án IRNSS chỉ vài tháng sau khi Trung Quốc triển khai hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu.
Bắc Kinh bắt đầu phát triển hệ thống Bắc Đẩu vào năm 2000 nhằm tránh phụ thuộc vào dịch vụ GPS của Mỹ. Dự kiến hệ thống này sẽ phủ sóng toàn cầu vào năm 2020. Hồi tháng 6, báo chí Ấn Độ đưa tin Pakistan, nước láng giềng có quan hệ không mấy hữu hảo với Ấn Độ, cũng sẽ sử dụng dịch vụ của hệ thống Bắc Đẩu.
Theo Tuổi Trẻ