Mít là loại trái cây được nhiều người ưa chuộng. Mít được dùng để chế biến thức ăn, đồ uống cũng có thể làm món ăn vặt. Hương thơm và vị ngọt của quả mít khiến nhiều chị em mê mẩn. Tuy nhiên, với món ăn này khi ăn cũng cần được lưu ý.
Mít là nguồn cung cấp các vitamin và muối khoáng cho cơ thể. Đây là loại quả ăn trực tiếp nên hàm lượng vitamin được bảo tồn sẽ rất tốt với sức khỏe. Cụ thể, khi ăn mít sẽ bổ sung vitamin C, vitamin A. Vitamin A và vitamin C đều có tác dụng với hệ miễn dịch, chống oxy hóa mạnh và đảm bảo độ ẩm cho da để tránh bị khô, hạn chế nếp nhăn.
Mít rất giàu chất chống oxy hoá như vitamin C, kali, góp phần làm giảm nguy cơ stress có liên quan đến nhiều bệnh ung thư. Đồng thời một nghiên cứu gần đây cho thấy một hợp chất trong quả mít được gọi là lignans và saponin có hiệu quả giúp ngăn ngừa ung thư.
Mít là loại quả có tính nóng.
Nếu ăn quá nhiều sẽ khiến cơ thể bị nóng. Nếu bị nóng sẽ nổi rôm, sảy, gây nhiệt miệng, thậm chí nổi mụn, nhọt gây khó chịu. Ngoài ra, trong quả mít chứa lượng đường nhiều đặc biệt quả đã chín quá. Với quả chứa nhiều đường nếu ăn nhiều quá sẽ làm tăng lượng đường trong máu khiến cơ thể không bài tiết kịp sẽ bị mụn nhọt, chốc lở.
Đặc biệt, khi ăn mít tránh những thời điểm nắng, nóng, tiết trời oi bức. Bởi vì những ngày có thời tiết nóng, cơ địa dễ bị nóng nếu ăn thêm mít sẽ làm tăng cảm giác nóng nực, khó chịu hoặc gây mụn, nhọt khiến bạn bị đau.
Không ăn mít không ăn vào thời điểm đói bụng. Bởi lượng đường cao trong mít sẽ khiến cho bạn bị mệt mỏi, đầy bụng và khó tiêu. Chỉ nên ăn mít sau khi ăn với lượng 4-5 miếng.
Mít không chỉ tốt cho mọi người mà với sản phụ cũng rất tốt. Mít non nấu canh giúp tăng lượng sữa, tiết sữa, thông sữa.
Kinh nghiệm dân gian: sản phụ thiếu sữa nuôi con ngoài áp dụng chế độ ăn các món cho nhiều sữa còn dùng lá mít tươi mỗi ngày nấu nước uống; dùng cụm hoa đực (dân gian thường gọi là dái mít) hay quả non sắc uống. Theo đông y, các món ăn từ mít non còn có tác dụng bổ tỳ, hoà can.
Những ai không nên ăn mít?
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Tiến Minh (Chuyên khoa tiêu hóa) cho hay:
những người bị bệnh gan nhiễm mỡ không nên ăn mít. Bởi trong mít có nhiều đường, không tốt cho gan. Mặt khác mít gây nóng sẽ làm gan bị nóng. Người bệnh tiểu đường cần phải ăn uống theo một chế độ ăn “kiêng chất đường”.
Người bị bệnh tiểu đường phải lưu ý chế độ ăn uống không đường. Khi ăn các loại hoa quả có nhiều đường cũng phải hạn chế. Bởi đường trong mít là fructoza và glucoza. Hai loại đường này đi vào cơ thể sẽ được hấp thu ngay. Điều này khiến cho đường trong máu tăng cao, làm cho người tiểu đường bị mệt mỏi và gây nên biến chứng.
Những người có bệnh mãn tính, sức khỏe yếu cũng cần lưu ý ăn lượng mít vừa phải. Không ăn mít vào chiều tối.
Bệnh nhân suy thận mạn tính nên tránh các loại thức ăn giàu kali như mít. Do khi bị suy thận, kali bị ứ đọng lại dẫn đến tăng kali máu, nếu quá nhiều sẽ dẫn đến tử vong do ngừng tim mà không có dấu hiệu báo trước nào.
Hiện nay, trên thị trường mít được bán nhan nhản. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là mít bị tiêm hóa chất hoặc dùng kích thích để chín sớm. Vì vậy, để mua được mít ngon và sạch cần chọn ở những nơi có nguồn gốc rõ ràng, người bán tin tưởng.
Hương Giang