Ăn thịt bò tái: Hiểm họa tiềm ẩn nang sán với sức khỏe

Ăn thịt bò tái: Thói quen có hại cho sức khỏe

Thịt bò tái là món ăn ngon được nhiều người lựa chọn đặc biệt là khi ăn phở. Không khó để bắt gặp những bát bún, phở bò tái được bán tại những cửa hàng ăn uống. Có cung ắt hẳn có cầu, nhiều người thường xuyên chọn phở tái khi ăn hoặc thậm chí coi đó là cách ăn sành điệu. Bởi một số người cho rằng, chỉ khi ăn tái mới có thể cảm nhận được vị ngọt của thịt bò, làm cho vị giác được đánh thức.

Từ những suy nghĩ đó, mà bò tái được người già, người trẻ xem như món ăn không thể thay thế khi bước vào quán phở hoặc ăn phở, bún tại nhà. Anh Khánh Huy (Hà Nội) là người có sở thích ăn bò tái, bản thân anh Huy đã từng đọc nhiều thông tin về khả năng gây bệnh nhưng đã là thói quen và sở thích càng khó bỏ.

Anh Huy nói: “Biết là có thể gây bệnh nhưng sở thích rồi khó bỏ lắm. Ăn quen rồi, nếu ăn chín quá thì cảm thấy rất chán. Ăn tái cảm thấy thịt bò dai, ngọt hơn”.

Ăn thịt bò tái: Thói quen có hại cho sức khỏe

Một số bà nội trợ cũng lo ngại khi ăn bò tái vì thực chất thịt bò vẫn chưa được nấu chín kỹ. Trong khi, lời khuyên ăn uống vẫn là ăn chín, uống sôi. Chị Trang (Tây Hồ, Hà Nội) tỏ ra lo lắng khi món khoái khẩu của ông xã là món bò tái mỗi khi ăn phở, bún hoặc bò tái chanh. 

Chị Trang chia sẻ: “Thấy ông xã hay ăn món này tôi cũng lo ngại nhưng không biết khuyên thế nào. Sách báo viết nhiều, khuyên ăn phải nấu kỹ nhưng đây đã trở thành thói quen thì khó bỏ lắm”.

Từng có trường hợp do thói quen ăn bò tái mà bệnh nhân đã phải nhập viện trong tình trạng sốt cao, đi ngoài nhiều. Khi được chuyển lên tuyến trên, qua xét nghiệm máu, bác sĩ phát hiện ra bạch cầu tăng cao. Bạch cầu tăng là do sán hình thành trong gan. 

Bệnh nhân này có thói quen ăn phở bò tái và rau sống. Sán lá gan sống trong gan của động vật như trâu, bò. Chúng có thể được thải qua đường phân. Khi phân này bám vào các rau, cỏ không được rửa sạch sẽ khiến sán có cơ hội thâm nhập vào cơ thể.

Bệnh viện nhi trung ương từng tiếp nhận bé gái 4 tuổi có biểu hiện khó thở, tím tái, đau bụng sau khi ăn thịt bò tái. Qua xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện trong dịch màng tim có nhiều đốt sán, cháu bé bị nhiễm ký sinh trùng.

Bò tái và sự nguy hiểm

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Nhung (Chuyên khoa tiêu hóa) cho biết, đành rằng thịt bò tái có thể ngon, ngọt, mềm hơn thịt bò chính. Nhưng đây là thói quen xấu cần phải bỏ. Bởi nguy cơ gây bệnh rất cao. Chưa kể đến sán mà hiện nay quy trình giết mổ tại một số cơ sở hoặc quá trình bảo quản, chế biến thịt bò khi chưa nấu không sạch sẽ khiến ký sinh trùng, vi khuẩn có thể thâm nhập. Khi thịt chỉ được chần qua mà không được nấu chín sẽ tạo cơ hội cho những ký sinh trùng này đi vào cơ thể và gây bệnh.

Đáng lo ngại hơn là bò tái tiềm ẩn nguy cơ sán lá gan. Loại sán lá gan tồn tại trong gan động vật, khi động vật thải phân ra ngoài, chúng sẽ tồn tại trong môi trường hoặc bám vào các loại cây rau, rau sống hoặc môi trường. Khi giết mổ hoặc rau sống không được rửa sạch, chúng sẽ đi vào cơ thể người và tồn tại gây bệnh ở gan.

“Ngoài ra, loài sán Taenie Saginata thường sống trong ruột bò có thể tồn tại trong thịt. Khi ăn thịt chưa được nấu chín, nang sán vẫn sống và đi vào cơ thể. Khi chúng vào cơ thể sẽ đưa ấu trùng thâm nhập các cơ quan để ký sinh và gây bệnh”, bác sĩ cho biết.
Không chỉ sán mà các ký sinh trùng, vi khuẩn gây bệnh tồn tại trong thịt bò cũng có thể gây bệnh cho cơ thể. Đơn giản nhất, khi ăn thịt bò tái có thể gây rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy, thậm chí tiêu chảy dẫn đến mất nước có thể gây nguy hiểm tính mạng. Bên cạnh đó, các ký sinh trùng, giun, sán sống trong cơ thể lâu ngày sẽ ăn dần các chất dinh dưỡng của cơ thể dẫn đến suy dinh dưỡng, da xanh, người gầy, bệnh đường ruột.
Người bệnh bị nhiễm sán không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà ảnh hưởng đến cộng đồng. Nếu như công tác vệ sinh không tốt, khi sán đi ra môi trường, mỗi đốt sán sẽ chứa trong đó rất nhiều trứng. Trứng gặp môi trường thuận lợi sẽ sinh sôi hoặc tiếp tục đi vào vật chủ để sống ký sinh. 
Để đảm bảo sức khỏe, không lo sợ ký sinh trùng hoặc sán thâm nhập cơ thể, bạn cần thực hiện ăn chín, uống sôi. Thịt bò hoặc thực phẩm cần được rửa sạch, chọn kỹ, rõ nguồn gốc trước khi chế biến. Nên bỏ thói quen ăn thịt bò tái hoặc chưa nấu chín. Khám sức khỏe thường xuyên để biết được có nhiễm sán không giúp sớm có cách chữa trị.
Linh Anh
(Theo Congluan.vn)

 
 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.