Món tiết canh của Việt Nam từ lâu đã trở thành món khoái khẩu của nhiều người. Món ăn này được chế biến từ máu sống của các con vật như: Vịt, lợn, dê, chó, … Nhất là trong các bữa nhậu của các đấng mày râu vào mùa hè thì các loại tiết canh này hầu như đều có mặt. Nhưng kéo theo đó là những nguy hiểm rình rập đang chờ đón họ mà họ không hề hay biết.
Cả nhà nhập viện vì 2kg máu lợn “vừa bán, vừa biếu”
Nghĩ lại cảnh cả hai vợ chồng cùng 2 đứa con gái phải đi cấp cứu trong đêm, chị N.T.Thảo, 38 tuổi (Vĩnh Phúc) vẫn không khỏi bàng hoàng. Dịp 8/3 vừa qua, để hưởng ứng ngày Phụ nữ chồng chị là anh T.V.Tuấn đã đi chợ để nấu cơm cho cả gia đình. Do ra chợ gặp được người bạn thời cấp 1 bán thịt lợn ở chợ và được mời mọc “vừa bán, vừa biếu”, lại mua để ủng hộ bạn nên anh Tuấn đã mua rất nhiều thịt, lòng và cả 2kg máu lợn sống.
Chị Thảo kể lại: “Hôm đó, anh ấy cũng xung phong vào bếp và nấu rất nhiều món, kèm theo đó là 4 bát tiết canh to cho 4 người trong nhà. Cháu lớn cũng ăn hết phần của nó và khen ngon, còn cháu nhỏ thì sợ máu nên chỉ ăn vài miếng thì đưa cho anh Tuấn ăn. Không ngờ tối hôm đó, cả nhà đều đau bụng, riêng cháu lớn thì lả đi và mồ hôi đầm đìa. May có hàng xóm đưa đi cấp cứu”.
Lần đó, cả nhà chị Thảo đã phải ở lại bệnh viện 2 tuần để chữa trị và theo dõi vì bị nhiễm khuẩn đường ruột nặng, Riêng cháu nhỏ thì được xuất viện sớm hơn do tình trạng nhiễm bệnh nhẹ.
Tiết canh là món ăn có nguy cơ gây ra các bệnh nguy hiểm cho con người. Ảnh minh họa.
Nguy hiểm hơn là trường hợp của anh Phạm Ngọc Thiện, 30 tuổi (Ba Đình – Hà Nội) đã bị nhiễm sán gan do ăn tiết canh. Anh Thiện cho biết, món tiết canh là món khoái khẩu của anh vào mùa hè, mỗi khi tan làm là anh lại đi uống bia và ăn tiết canh. Cho đến đầu tháng 5 vừa rồi thì anh có dấu hiệu đau bụng giữ dội và sốt cao. Sau khi nhập viện thì anh được bác sỹ chẩn đoán bị sán gan cấp.
Do đó, anh đã phải điều trị gần 1 tháng thì bệnh mới thuyên giảm. Hiện tại sức khỏe anh đang dần được hồi phục trở lại. Anh Thiện cũng hứa với bác sỹ và người nhà sẽ từ bỏ món tiết canh khoái khẩu của mình.
Bên cạnh những trường hợp như gia đình chị Thảo, anh Thiện thì thời gian qua cũng có nhiều trường hợp tử vong do nhiễm khuẩn liên cầu lợn vì ăn phải tiết canh nhiễm độc.
Nguyên nhân và biểu hiện của các mầm bệnh từ tiết canh
Tiết canh lợn với thành phần chính là tiết sống nên những vi khuẩn, ký sinh trùng tồn tại trong tiết canh không hề bị tiêu diệt. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì trung bình một bát tiết canh chứa 10 loại vi khuẩn gây hại cho cơ thể con người. Loại vi khuẩn nguy hiểm và xâm nhập vào máu nhanh chóng là liên cầu lợn.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, viện Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa, tiết canh mang rất nhiều mầm bệnh. Nếu ăn phải tiết canh của lợn đang mắc bệnh thì nguồn máu của nó sẽ chứa vi trùng, vi khuẩn gây bệnh. Do vậy, người dùng tiết canh từ con vật này sẽ có nguy cơ nhiễm các bệnh như liên cầu lợn, nhiễm giun sán, bệnh đường tiêu hóa, viêm não mô cầu, trường hợp nặng có thể gây tử vong.
Đối với người bị nhiễm liên cầu lợn thì sẽ sốt cao, ù tai, xuất huyết dưới da thành từng mảng, hoại tử các bộ phận trong cơ thể, suy hô hấp, trụy tim … bệnh xảy ra nhanh chóng nên cực kỳ nguy hiểm, dễ tử vong cao.
Bị sán ký sinh trong cơ thể, nếu ăn phải máu của con vật nhiễm sán thì sán sẽ theo đường ruột vào ký sinh ở ruột, ở gan,… từ đó chúng phát triển gây tổn thương nặng đến sức khỏe của con người. Biểu hiện là vàng da, đau bụng, buồn nôn, sốt cao,… bệnh sán cũng rất nguy hiểm và cần phải chữa trị kịp thời.
Ngoài đối mặt với những mối nguy hại trên, những người ăn tiết canh sống còn đối mặt với những loại vi khuẩn, ký sinh trùng độc hại gây ra bệnh tiêu chảy, ruột nhiễm khuẩn, bệnh vi rút H5N1, H7N9,… có nguy cơ tử vong cao.
Cách phòng tránh
Mắt thường không thể nhìn ra được các loại vi khuẩn độc hại có trong tiết canh vì thế cần phải đấu tranh từ bỏ. Bên cạnh đó, bạn cần tuyên truyền rộng rãi tới người thân trong gia đình và mọi người xung quanh không ăn tiết canh các loại động vật để bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình. Cần khuyến cáo những hộ dân có các con vật như lợn, gà, vịt,… bị nhiễm bệnh cần phải tiêu hủy đúng cách để tránh lây nhiễm bệnh đến con người.
Cần nấu kỹ và ăn chín các thức ăn các loại thịt, lòng, tiết. Bạn nên mua những loại thực phẩm có rõ nguồn gốc xuất xứ và có dấu đảm bảo chất lượng để bảo vệ sức khỏe cho chính mình cũng như những người thân xung quanh.
Khi phát hiện người thân có biểu hiện sức khỏe lạ như sốt, đi ngoài liên tục,… cần đưa đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Vũ Minh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.