Tâm sự
Mấy hôm nay em không tài nào ngủ nổi, cứ nhắm mắt là khuôn mặt lạnh lùng cùng câu nói của chồng lại hiển hiện trong đầu: “Anh đã ngủ với người khác rồi”. Em không thể tin, người chồng em yêu thương hết lòng, thậm chí vì muốn toàn tâm chăm lo cho anh và con, em đã chấp nhận hi sinh sự nghiệp để ở nhà làm bà nội trợ… lại lỡ phũ phàng với em thế. Anh đã phải lòng một cô sinh viên thực tập và đòi ly hôn với em. Anh chê em đã thay đổi thành người phụ nữ chua ngoa, đánh đá, lôi thôi… suốt ngày chỉ biết đến tiền và mệt mỏi khi sống bên em. Em thay đổi, quan tâm đến anh hơn thì anh nói đừng cố gắng níu kéo khi tim anh đã không còn bên em nữa. Em biết làm gì đây? Em không muốn ly hôn.
Tâm sự của độc giả xin giấu tên
Tư vấn
Đúng là xã hội phức tạp thật, câu chuyện gia đình với muôn hình vạn dạng, nhiều hoàn cảnh, không ai giống ai. Bạn đã phải hy sinh sự nghiệp, toàn tâm toàn ý cho gia đình, chỉ biết chồng và con… Vậy mà, sự hy sinh đã đặt nhầm chỗ, giờ bạn lại trở thành người phụ thuộc, là người chẳng ra gì trong mắt chồng. Trước kia chồng yêu bạn là thế, giờ lại thản nhiên “tim anh đã nguội lạnh, dành cho người khác”. Bạn còn đứng vững được là may đấy.
Chồng bạn thật đáng trách, “có mới nới cũ”. Khi cần có người chăm sóc con cái, gia đình “cơm dẻo canh ngon” để anh ta yên tâm ra ngoài, thể hiện “bản lĩnh đàn ông” thì anh ta dỗ ngon dỗ ngọt vợ “ở nhà chăm con để anh yên tâm phấn đấu, mọi việc em không phải lo gì hết, đã có anh”. Con thì nhỏ, nay ốm mai đau, bố mẹ lớn tuổi cần người chăm sóc anh ta chẳng phải bận tâm vì đã có vợ đảm đương. Đang tâm quan hệ bất chính, phản bội vợ lại còn trơ trẽn “anh đã ngủ với người khác rồi”, không quan tâm tới cảm xúc của vợ, không đặt mình vào hoàn cảnh vợ cũng nói với mình như thế thì thấy sao? Giờ lại đòi ly hôn nữa.
Cứ nhắm mắt là khuôn mặt lạnh lùng cùng câu nói của chồng lại hiển hiện trong đầu: “Anh đã ngủ với người khác rồi”.
Nhưng hình như bạn cũng có lỗi trong chuyện này. Đầu tiên là bạn không chiến thắng bản thân mình, không tìm được cách sắp xếp cuộc sống, tự mình làm khó mình, biến mình trở thành người phụ thuộc nên đã đánh mất vị thế trong mắt chồng, gia đình nhà chồng. Cho dù có nỗ lực “nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, nhà cửa sạch sẽ ấm êm, chồng vẫn coi bạn là người ăn bám, vô tích sự, lúc nào cũng “tiền tiền”, rồi “cô thì làm được việc gì, chỉ có vài việc gia đình mà cũng không xong”,… Suốt ngày ở nhà, quanh quẩn cháo bột, tã bỉm, lo ba bữa ăn cho cả nhà, người thì xồ xề, không gọn gàng. Quần áo thì lôi thôi, vớ gì mặc đấy (tâm lý mình toàn ở nhà, chưng diện với ai đâu), lại đậm mùi “nước đái con”. Đầu tóc lúc nào cũng rối bời buộc túm cho gọn gàng. Chẳng đi làm, giao tiếp với ai nên chẳng có chuyện gì để nói với chồng ngoài ba chuyện con cái, nhà cửa. “Chuyện ấy” cũng không có “chất lượng” vì con khóc hay mẹ chẳng quan tâm đến bố, cho bố “ra rìa”… Ngôn ngữ với chồng cũng không mềm mại, đủ ý, tự nhiên thành người cộc cằn. Khi biết chồng “ăn chả” mình phản ứng không khéo léo lại bị coi là người đanh đá, chua ngoa. Tóm lại bạn đang bị bất lợi nhiều lắm, cho dù lý do rất chính đáng: vì gia đình.
Câu chuyện của bạn không “lạ” chút nào. Rất nhiều bạn trẻ được ăn học hẳn hoi, có trình độ, có nghề nghiệp, chỉ vì định hướng không đúng, không có sự giúp đỡ của người thân mà tự đẩy mình vào hoàn cảnh khó khăn dẫn đến tan vỡ hạnh phúc gia đình.
Giờ là lúc bạn phải “tự cứu mình”. Nói chuyện nghiêm túc với chồng, đề nghị chồng cùng hợp tác, giúp đỡ mình sắp xếp lại gia đình, có thể yêu cầu chồng “có thời gian” để kiểm tra lại tình cảm của cả hai bên, không kể lể, khóc lóc, “chuyện nọ xọ chuyện kia”.
Thu xếp gửi con, tìm việc làm (kể cả việc chưa phù hợp với khả năng, mong muốn của mình cũng làm). Học cách sắp xếp cuộc sống gia đình khoa học, kể cả cách quản lý, sử dụng tiền. Bố trí thời gian tham gia khóa học để “đại tu” lại cơ thể. Rủ bạn giúp mình thay đổi hình thức (may quần áo phù hợp, làm lại kiểu tóc mới, mua một vài đôi giày, mỹ phẩm…). Nhờ chồng phụ chăm sóc con cái (chơi với con, tắm cho con, trông con lúc mẹ nấu cơm…). Cả nhà tăng cường hoạt động ngoài gia đình (đi ăn, đi chơi, thăm họ hàng thân thích, bạn bè hai bên). Quan tâm chăm sóc ông bà nội ngoại. Thỉnh thoảng nhờ người thân trợ giúp trông con để hai vợ chồng có không gian riêng ở bên nhau, ôn lại kỷ niệm cũ, hâm nóng lại tình yêu. Lưu ý hợp tác với chồng trong “chuyện ấy” để cả hai đều thấy ổn. Khi có căng thẳng có thể báo cáo ông bà để giúp mình gỡ rối. Chia sẻ với chồng khó khăn để chồng thấy mình là chỗ dựa cho vợ…
Có thể hẹn gặp cô gái kia để nói chuyện, yêu cầu cô ấy không được quan hệ bất chính với người đã có gia đình, cô ấy còn nhiều cơ hội tìm được người phù hợp. Nhớ là không ầm ỹ, không đánh nhau, ứng xử có văn hóa, thể hiện “vị thế chính thất” của mình.
Bạn còn yêu chồng, không muốn gia đình ly tán, con cái hụt hẫng. Hãy cố gắng kiềm chế cảm xúc bị tổn thương của bản thân, lúc nào buồn hãy tìm một người bạn thân để chia sẻ, có thể khóc thỏa thích (nhưng cũng phải thận trọng nhé kẻo lại phản tác dụng). Sau đó đứng lên, lau nước mắt, trở về nhà để tiếp tục “chiến đấu”. “Chiến trường” này không có tiếng súng nhưng độ sát thương không hề nhỏ. Bạn không tìm ra được “chiến lược” phù hợp sẽ bị thua (nhất là “đối thủ” của bạn có nhiều lợi thế hơn về tuổi trẻ, sự quyến rũ, sự gần gũi thường xuyên trong công việc hàng ngày…). Bạn có tình yêu, có sự tự tin, bạn sẽ là người chiến thắng. Hạnh phúc sẽ quay trở lại ngôi nhà nhỏ của bạn.
Bác sĩ Hoàng Thúy Hải