Anh nông dân trẻ và chiếc máy “2 trong 1”

Khoảng hai năm trở lại đây, cứ vào mùa cao su rụng lá, có rất nhiều hộ nông dân ở xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận sử dụng một thiết bị gần giống với máy cắt cỏ song lại để quét lá. Máy “quạt” đến đâu, lá cao su cuốn theo đến đó một cách nhanh gọn.

Anh Đặng Xuân Trường đang thổi lá – Ảnh: THU THẢO

Nhưng ít ai biết đây lại là sáng kiến kỹ thuật của anh Đặng Xuân Trường – một nông dân chỉ mới học hết cấp II…

Bà con ở xã Vũ Hòa kể cao su trồng ở Vũ Hòa rất nhiều, lên đến vài trăm hecta. Cứ đến tháng mười một, mười hai và vào những ngày giáp tết thì cũng là lúc mùa lá rụng của cây cao su. Vào dịp này lá rụng gần như suốt ngày với mật độ rất dày, lại rất dễ bắt lửa, chủ vườn cao su nào cũng chạy đôn chạy đáo để thuê người quét lá. Anh nông dân Đặng Xuân Trường vẫn thỉnh thoảng được bà con kêu đi quét lá cao su, công việc tuy không nặng nhọc nhưng khá tốn công. Khi đó, anh Trường ao ước: giá như có chiếc máy nào quét được đám lá này nhanh thì tốt biết mấy.

Một buổi tối, bất chợt anh Trường nhìn và phát hiện chiếc quạt bàn của nhà khi quạt có khả năng cuốn được những vật nhẹ theo chiều gió. Anh liên hệ đến chiếc máy cắt cỏ rẫy nhà vẫn được anh sử dụng bấy lâu nay, máy cũng phát dọn được cỏ theo luống, cũng có những khoảng trống gần những khoảng trống theo hàng của cao su mà người trồng vẫn dùng làm đường băng cản lửa…

Thế là hôm sau, mọi người trong nhà không thấy anh Trường đi làm như mọi khi mà lại hì hục với chiếc máy cắt cỏ. Anh quan sát, tháo rời phần dao phát cỏ phía trước, dùng cánh quạt máy gắn vào. Khi khởi động, máy cũng thổi được lá khô nhưng chỉ chưa đầy một giờ cánh quạt đã vỡ vụn!

Sử dụng cánh quạt bằng nhựa không xong, anh quay sang đặt làm cánh quạt bằng sắt nhưng rồi cũng thất bại vì cánh quạt nặng quá, máy cắt cỏ không quay nổi. Lại suy nghĩ, mày mò và quyết định dùng thử cánh quạt bằng nhôm. Để có cánh quạt này, anh phải nhờ tới cánh thợ gò ở huyện làm giúp, kích cỡ của cánh quạt khoảng nửa mét. Và lần này may mắn đã mỉm cười với anh Trường: máy chạy tốt và cuốn được lá thành từng cụm.

Anh mang máy đi thử tại một số vườn người quen, mới đầu chủ vườn bán tín bán nghi nhưng khi thấy lá cao su được thổi vào luống một cách nhanh chóng, người ta hồ hởi ra mặt. Máy không chỉ cuốn được lá khô nằm ở lớp trên mặt, mà ngay cả đám lá khô bị dính lẫn trong đất cũng bị cuốn theo chiều quạt của máy. Người điều khiển máy cũng chỉ cầm cây có cánh quạt và đứng thẳng, không cần phải khom người như khi quét lá bằng chổi.

Trước đây, muốn quét được 1ha cao su, chủ vườn thường phải thuê đến ba công (ba người) và làm liên tục trong một ngày. Nhưng với chiếc máy “thổi lá” của anh Trường, chỉ trong một ngày máy đã có thể quét gọn gàng đến 3ha. Và thế là anh Trường được khá nhiều chủ vườn thuê quét lá với mức khoán 60.000 đồng/ha, giá này vừa giúp chủ vườn tiết kiệm được 40.000-50.000 đồng/ngày, đồng thời làm sạch vườn nhanh hơn trước gấp 5-6 lần.

Máy cắt cỏ có giá chỉ hơn 1 triệu đồng, làm cánh quạt và phần gắn quạt cũng chỉ có 50.000 đồng là có thể sử dụng máy một lúc cho hai việc. Bà con trong xã thấy anh làm ăn được cũng bắt chước cải tiến máy cắt cỏ của nhà mình. Ai hỏi thăm cũng đều được anh Trường vui vẻ chỉ giúp.

Công ty Cao su Bình Thuận cũng cử nhân viên về tìm hiểu và học tập kinh nghiệm của chiếc máy thổi lá này. Đến nay đã có hàng chục chiếc máy thổi lá được đưa vào sử dụng ở huyện Đức Linh (Bình Thuận), thậm chí cứ đến mùa cao su rụng lá, người dân ở đây còn bàn tính chuyện đi quét lá cho các vườn cao su ở Long Khánh, Dầu Giây…

Đó chỉ là cải tiến đơn giản của người làm nông như tui, chẳng phải sáng kiến kỹ thuật chi cả như mọi người nói đâu” – anh nông dân 28 tuổi này bộc bạch.

THU THẢO

 

Theo Tuổi Trẻ Online