Ảo ảnh thị giác “đau não” nhất: Bức hình này nền trắng, hay nền đen?

Ảo ảnh thị giác

Người bảo trắng, người bảo đen – rốt cục là sao? Ảo ảnh thị giác luôn là thứ gây đau đầu cho tất cả chúng ta.

Cư dân mạng là những người thực sự giỏi trong việc tạo ra những xu hướng có sức lan tỏa cao. Và mới đây cũng vậy, người dùng trên diễn đàn Reddit đang chia sẻ một bức hình về “ảo ảnh thị giác” thực sự gây sốt.

Kèm theo đó là một câu hỏi làm đau não tất cả mọi người: Bức hình này nền trắng, hay nền đen?


Ảo ảnh thị giác “Hình nền”.

Bên trong bức hình là những dấu chữ thập có màu trắng hoặc đen nằm xen kẽ nhau, lại liên tục xoay. Điều này khiến cho cảm nhận về nền của bức hình cũng thay đổi, lúc trắng, khi đen, không có câu trả lời chính xác.

Nhưng tại sao chúng ta lại có cảm nhận khác biệt như vậy? Theo Digg – một trang web chuyên giải đáp các hiện tượng mạng – thì đây là ảo ảnh thị giác mang tên “hình-nền” (figure-ground perception). Hiện tượng này được phát hiện ra vào năm 1915 bởi nhà tâm lý học Edgar Rubin.

Rubin chính là người đã tạo ra ảo ảnh thị giác “lọ hoa Rubin” nổi tiếng: cùng một bức tranh nhưng người nhìn ra lọ hoa, người nhìn thấy 2 gương mặt.


Ảo ảnh thị giác “lọ hoa Rubin” nổi tiếng.

Theo các chuyên gia lý giải, ảo ảnh thị giác này cho thấy con người có xu hướng tự chọn những gì mình có thể nhìn. Dựa trên các dữ liệu, tự não bộ sẽ chọn xem mình nên nhìn bức hình như thế nào: nền trắng hay nền đen.

Có một điểm thú vị là não bộ có thể nhìn thấy 2 hình ảnh trong cùng một bức hình, nhưng sẽ có một hình “trội” hơn dựa trên những trải nghiệm và suy nghĩ trong quá khứ.

 

Theo Trí Thức Trẻ