Khi tài xế tập trung lái xe, những vật thể xuất hiện ở tầm nhìn ngoại vi có thể bị não bộ xóa bỏ, tạo ra ảo ảnh mới, làm gia tăng nguy cơ tai nạn.
Nhiều tài xế gây ra tai nạn ở Mỹ nói rằng họ không hề nhìn thấy người đi xe đạp ở bên đường trước khi xe của họ đâm vào nạn nhân, cứ như thể người đi xe đạp đột ngột hiện ra và lao vào xe họ.
Nhiều tài xế không nhận ra có người ở trước mặt ngay trước khi xảy ra tai nạn. (Ảnh minh họa: ABC News).
Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Psychological Science hôm 15/11 phần nào giải thích được hiện tượng này. Kết quả nghiên cứu cho thấy những gì chúng ta nhìn thấy ở tầm nhìn ngoại vi đôi khi chỉ là ảo ảnh thị giác do bộ não tạo ra trong quá trình xử lý thông tin.
Đa số mọi người nghĩ rằng họ có thể nhìn thấy rõ sự vật trong tầm nhìn ngoại vi, bên ngoài vùng nhìn trực tiếp của mắt, theo các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, trên thực tế, bộ não của chúng ta không thể nhận thấy sự khác biệt về chất lượng hình ảnh trong tầm nhìn ngoại vi và vùng trung tâm của trường thị giác.
“Trong một số tình huống nhất định, phần lớn tầm nhìn ngoại vi có thể trở thành ảo ảnh thị giác. Hiệu ứng này dường như có tác động đến nhiều đặc điểm thị giác căn bản và cơ chế nhận thức chung của con người”, Marte Otten, tác giả nghiên cứu tại Đại học Amsterdam, Hà Lan, cho biết.
Khi tập trung nhìn vào trung tâm bức ảnh, chúng ta sẽ thấy một bức ảnh đồng nhất mặc dù hình ở trung tâm và vùng ngoại vi khác nhau. (Ảnh: Uniformity Illusion).
Nhóm nghiên cứu cho 20 tình nguyện viên quan sát nhiều bức ảnh có sự thay đổi về hình dạng, định hướng, độ sáng, sắc thái và sự chuyển động. Kết quả cho thấy, khi tập trung nhìn vào trung tâm bức ảnh, các tình nguyện viên chỉ nhìn thấy một hình đồng nhất, mặc dù hình ở trung tâm và vùng ngoại vi thực sự khác nhau.
Tương tự, khi tài xế đang chăm chú nhìn vào làn đường trước mặt, chiếc xe đạp xuất hiện ở lề đường trong tầm nhìn ngoại vi sẽ bị não bộ tự động xóa bỏ, nhất là khi trời tối hoặc trời mưa. Hậu quả là tài xế có thể đâm vào người đi xe đạp mà không hề hay biết.