Áo mẹ mong manh ngày trở gió

Đám lau sậy mọc um tùm từ mép nước, quệt sàn sạt những vạt hoa xam xám, bàng bạc vào mấy tấm phên, liếp thủng lỗ chỗ của căn lều lụp xụp ven sông. Đêm qua có mưa rào, rồi sáng nay trời nổi gió, se se lạnh.

Sáng sớm, 2 đứa trẻ vẫn co ro trên tấm phản cứng. Thằng Tũn lơ mơ tỉnh giấc vì lạnh, quơ tay với lấy mấy chiếc áo quần vắt ngay bên cạnh, đắp lên người cho ấm và tiếp tục thiếp đi trong cái mùi âm ẩm, nồng nồng của quần áo cũ. My – con bé em cũng cựa quậy một hồi rồi lại ngủ say vì được mẹ đắp cho một tấm áo cũ ngay ngắn lên người. Lạnh đột ngột quá nên mấy chiếc chăn cất lâu ngày chưa kịp lấy ra phơi.

Lúc hai đứa bé vẫn say giấc, người mẹ đã đẩy chiếc thuyền nan ra sông, gió lạnh khiến tiếng xuýt xoa thêm dài vì trên người mẹ chúng vẫn độc một chiếc áo mỏng như mọi ngày. Quanh đó, những chiếc thuyền cũ kĩ cũng bắt đầu lặng lẽ trôi. Ở cái xóm ven sông nghèo nàn này, người ta kiếm sống bằng con tôm, con cá đánh bắt được từ những tấm lưới thô sơ; còn bọn trẻ thì ngủ dậy là chạy loăng quăng vào trong chợ nhặt nhạnh bất cứ thứ gì người ta vứt bỏ: những mảnh ván gỗ, những thanh kim loại và cả những chiếc túi nilon la liệt,… thứ gì bán được thì bán, còn không đem về để ken thêm vào căn lều chắp vá, tạm bợ để tránh mưa nắng tạt vào, hoặc là làm củi đốt.


Xóm ven sông nghèo nàn càng hiu quạnh hơn trong ngày trở gió.

Sáng nay, anh em thằng Tũn dậy muộn hơn mọi ngày, và cũng chẳng thèm nhanh chân chạy vào chợ ngay để tranh nhau những “chiến lợi phẩm” người bán hàng bỏ lại với đám trẻ khác. Có lẽ tại trời lạnh khiến 2 đứa cảm thấy co ro, và cái bụng kêu “rồn rột” vì đói. Thằng anh uể oải lê vào góc nhà, mở nắp vung đen nhẻm của chiếc nồi gang, vét nốt chỗ cơm nguội để 2 anh em ăn chung. Chẳng còn bao nhiêu nên thoáng cái hết veo mà nó vẫn thấy đói. Thôi kệ, hôm nay nó chẳng buồn đi “kiếm chác” gì, ngồi trong lều đợi trưa mẹ về mua gạo nấu cơm cho no bụng đã…

Quá trưa, mẹ chúng mới tất bật trở về. Mớ cá ít ỏi sáng nay bà khách kì kèo mãi nên chẳng bán được bao nhiêu, thành ra túm gạo cũng vơi đi hẳn, mẹ nó lại thương 2 đứa bé mấy hôm chẳng có gì ngon nên mua thêm ít chả, khiến giờ nó băn khoăn chẳng biết nên nấu tất chỗ gạo hay chia đôi để dành cho bữa tối. Nó tần ngần, mẹ thì đã vội vã chạy vào chợ vì có người gọi gánh hàng thuê rồi. Cuối cùng, nó quyết định đổ tất cho gạo vào nồi, rồi thổi lửa: “Lát mẹ đi gánh hàng thuê về, kiểu gì cũng có tiền mua gạo tối nay” – nó nghĩ thế và rủ con em chất mấy thanh ván gỗ nhặt trong chợ, nhóm lửa.

Thích thật, trời lành lạnh thế này, đốt củi lên thấy ấm áp dễ chịu chứ chẳng nhễ nhại mồ hôi như mọi ngày, 2 anh em thích thú ngồi canh nồi cơm. Nhưng rồi mãi mà mẹ vẫn chưa về, hôm nay cơm có đồ ăn ngon nên nó muốn đợi, vậy mà… lâu quá, con My ôm bụng đói phụng phịu rồi ngủ lăn quay, thằng anh cũng gà gật thêm một hồi rồi ngủ khì bên cạnh. Lúc mẹ trở về, nồi cơm đã gần nguội ngắt và… cháy đen đến quá nửa.

Vừa thương lại vừa giận con, mẹ nó lôi hai anh em dậy quát tháo một trận, rồi bỗng quay đi vì nước mắt cứ chực trào ra. Đã dặn hai đứa ở nhà ăn cơm trước mà chẳng thèm nghe, để nồi cơm dưới bếp bén củi than cháy khét. Nén lòng, lát sau mẹ nó lại quay ra dỗ dành rồi lấy bát, hớt phần cơm còn ngà ngà cho 2 đứa ăn. Dẫu vẫn lẫn mùi khen khét nhưng con My nhai ngon lành vì bụng đang đói cồn cào và món chả lâu lắm mới được ăn, trong khi thằng Tũn cứ trệu trạo mãi chẳng chịu nuốt dù mẹ nó giục giã. Nó thấy nghèn nghẹn trong cổ, vậy là công sức sớm nay mẹ nó rét mướt chèo thuyền thả lưới đã bị nó đốt cháy gần hết rồi. Nó biết mẹ chưa ăn gì dù đi gánh hàng quần quật cả trưa, thế mà mẹ lại nói dối vừa ăn ngoài chợ, để nhường cơm cho anh em nó. Dẫu sao nó cũng lớn rồi, nên biết nghĩ và biết thương mẹ hơn con My. Thế nên, nó muốn khóc…

Cũng tại nó lười biếng, sáng mới chớm lạnh một tí đã nằm ườn ở nhà. Giá nó chịu loăng quăng vào chợ nhặt nhạnh có lẽ đã kiếm thêm được chút tiền phụ mẹ rồi. Càng nghĩ nó càng buồn, rồi nó thở dài thườn thượt như một ông cụ dù cái mặt non choẹt. Nó ngồi nép vào một góc lều, buồn xo. Lát sau, thấy tiếng í ới của tụi thằng Táo, thằng Bo, thằng Mốc phía sau nhà, nó mới lồm cồm đứng dậy, vớ lấy cuốn vở thẳng nếp được các anh sinh viên tình nguyện phát cho để đi học chữ. “Thầy giáo” của nó cũng là các anh mặc áo màu xanh ấy, chiều nào tụi nó cũng học ê a ngoài bãi đất trống gần nhà. Đi học, đó là niềm vui lớn nhất mỗi ngày của nó.

Thằng Tũn cầm cuốn vở đi vòng ra cạnh nhà để “nhập bọn” với đám trẻ con trong xóm, nhưng ngang qua bếp, nó chợt sững lại khi thấy mẹ đang ngồi và cố nuốt những miếng cơm đã cháy khét hồi trưa… chắc mẹ đói lắm! Phải, mẹ đi từ sáng sớm đến chiều, mà chẳng có gì lót dạ, chỉ vì nó lỡ làm cháy nồi cơm lúc trưa. Mắt nó nhòe đi, thương mẹ đến nghẹn ngào. Lặng đi một hồi, nó bỗng quay ngược trở vào nhà, ném mạnh cuốn vở phẳng phiu vào 1 góc. Rồi không ùa vào đám trẻ bên ngoài nữa, nó một mình băng qua mấy ruộng ngô xanh mơn mởn để vào chợ.

Nó quyết định rồi, nó phải phụ mẹ kiếm tiền chứ chẳng học hành làm gì nữa. Ừ thì vui thật, thích thật đấy, nhưng mẹ nó sẽ khổ thêm nhiều vì hai anh em. Thôi, thà nó cứ là thằng nhặt rác nhưng mẹ nó đỡ khổ còn hơn, nó chẳng nuôi ước mơ được đi học ở trường, để sau này đi làm, kiếm tiền nuôi mẹ như “dự định lớn lao” của nó nữa.

May mắn sao, đến tận chiều tối nó cũng gom được khá nhiều giấy bìa, những thanh sắt vụn và một bọc lớn nilon, dù hai chân mỏi đến rã rời. Cầm món tiền kiếm được tuy ít ỏi trong tay, nó nhảy chân sáo trở về với mẹ, bụng thầm nghĩ chắc mẹ sẽ vui lắm! Nó nghĩ, mỗi ngày cứ chăm chỉ nhặt nhạnh thế này có khi còn tốt hơn đi học, ít ra em nó cũng không ôm cái bụng réo ầm ĩ vì đói bụng mỗi sáng nữa… Nó cứ nghĩ thế và thấy vui, cho đến khi về nhà…

Giật mình và tắt ngấm nụ cười khi thấy mẹ, nó nép sát vào bức vách lởm chởm phên nứa, thoáng chút khó hiểu và hơi lo lắng. Sao mẹ lại hầm hầm nét mặt thế kia? Nó làm gì sai à?… Những câu hỏi dồn dập trong đầu, nó rón rén lại gần mẹ. Và, chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì mẹ đã túm lấy nó, vụt lấy vụt để thân cây lau già vào mông: “Này thì bỏ học này, không chịu đi học này…” – mẹ nó vừa vụt veo véo vào mông, vừa quát…

Nó nhăn nhó vì đau, ứa nước mắt vì hậm hực. Nó làm việc tốt thôi mà lại bị mẹ đánh đau như thế! Phải, trước đây nó nô nghịch, mắc lỗi bao nhiêu lần mà mẹ chưa đánh bao giờ, thế mà bỏ học một hôm đã “ăn roi” đau điếng. Càng nghĩ, nước mắt nó càng ngân ngấn. Nó giận mẹ lắm!

Đêm, nó trằn trọc mãi chẳng ngủ được vì ấm ức, nó vẫn giận mẹ. Nhưng sao nó thấy mẹ cũng trở mình liên tục nhỉ? Chắc mẹ cũng chưa ngủ như nó. Mà hình như mẹ khóc… Nó chợt băn khoăn, mẹ đánh nó rồi mẹ lại khóc ư? Nó chẳng hiểu gì, nhưng nó không thấy giận mẹ nữa. Nó nép sát vào người mẹ, quàng cánh tay gầy nhẳng ôm lấy mẹ. Mẹ cũng ôm nó, và nước mắt mẹ thi nhau rơi ướt cả vai nó. Mẹ cứ nức nở một hồi, hai tay run rẩy xoa xoa lên vết lằn trên mông nó – “dấu tích” của trận đòn lúc chiều: “Là tại mẹ, mẹ có lỗi với con. Mẹ đã không lo lắng đầy đủ được cho hai đứa. Mẹ xin lỗi, con giận mẹ cũng được nhưng đừng bỏ học con nhé! Đời mẹ đã lận đận rồi, mẹ muốn con kiếm lấy cái chữ để sau này không phải sống khổ cực thế này. Hứa với mẹ đừng bỏ học nghe con, mẹ có chết cũng sẽ kiếm đủ tiền cho con đi học, mẹ sẽ…” Cứ thế, nó khóc theo mẹ lúc nào không biết. Rồi nó đành ấp úng mà hứa với mẹ như vậy, dù biết rằng, nó mà đi học thì mẹ sẽ khổ thêm trăm lần… Hồi lâu, nó mệt rồi ngủ thiếp đi. Trong mơ, nó thấy mình mặc áo trắng tinh, cầm cuốn vở mới đến trường học…

Mãi tới khi gà gáy sáng, nó mới choàng giật mình tỉnh giấc, trời vẫn lành lạnh như hôm qua. Nó nheo đôi mắt còn sưng húp nhìn ra trời tối lờ mờ, lòng se lại khi thấy dáng mẹ lẻ loi xuống bến sớm hơn mọi ngày. Trên người mẹ vẫn độc chiếc áo mỏng dính hôm qua, và cổ nó lại nghèn nghẹn thêm lần nữa, vì trên người nó vẫn đang đắp chiếc áo dày hơn của mẹ…

Thiên An
logo smaill

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.