Australia nuôi được mô tim

Các nhà nghiên cứu Australia đã nuôi thành công mô tim trong phòng thí nghiệm, được xem là bước đột phá đầu tiên trên thế giới có thể đưa đến việc tạo ra toàn bộ các nội tạng người.

Giáo sư Wayne Morrison. (Ảnh: headandneck)

Nhóm khoa học và phẫu thuật gia này cho biết công trình của họ nhằm nuôi các nội tạng, trong đó có các phần của tim, sử dụng chính tế bào gốc của người bệnh để tránh sự đào thải của hệ miễn dịch trong quá trình cấy ghép sau này.

Cho đến nay, các nhà khoa học chỉ mới tạo ra các mô 2 chiều, như da, trong khuôn khổ phòng thí nghiệm. Tuy nhiên Wayne Morrison, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết nhóm của ông đã có thể nuôi được các mô 3 chiều mà một ngày nào đó có thể đưa đến việc tạo ra cả nội tạng.

“Đột phá trong việc sản xuất mô này sẽ mang lại hy vọng mới và sự tin cậy cho tương lai của hàng triệu người ở Australia và trên thế giới”, ông nói.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng kỹ thuật vi phẫu để cấy một mạch máu vào trong một khoang được thiết kế đặc biệt, nơi mà sau đó họ sẽ cấy các tế bào gốc và để chúng phát triển thành các loại mô khác nhau.

Các nhà khoa học từ Viện vi phẫu Bernard O’Brien tại bệnh viện St Vincent ở Melbourne và khoa phẫu thuật Đại học Melbourne đã sử dụng kỹ thuật tương tự để nuôi cấy thành công mô vú, mỡ, mô cơ và mô tuỵ tiết insulin.

Morrison đã công bố một đoạn video quay cảnh mô tim mà nhóm tạo ra đang đập. “Các tế bào tim thực sự đã đập theo nhịp điệu riêng của chúng”, ông nói. 

T. An

 

Theo Shenzhen Daily, Vnexpress