Ngoài những thực phẩm có lợi cho cả mẹ và bé thì “bà bầu không nên ăn gì? ” cũng là câu hỏi được quan tâm hàng đầu. Thật vậy, chỉ cần 1 sơ suất nhỏ trong ăn uống thôi nhưng có thể gây ảnh hưởng không hề nhỏ tới bé yêu. Vì thế, các bà bầu không nên ăn/ăn quá nhiều những thực phẩm dưới đây:
1. Bà bầu không nên ăn rau mầm
Rau mầm luôn tươi giòn, ngon lành thực sự rất hấp dẫn, thế nhưng nó không thực sự “sạch” như mẹ vẫn nghĩ. Lý do là trước khi mầm phát triển, vi khuẩn đã có thể xâm nhập vào hạt rau rồi và chúng thực sự rất khó để rửa sạch. Các loại vi khuẩn phổ biến nhất thường xuất hiện trong rau mầm là E.coli và Salmonella, gây ra bệnh tiêu chảy và nhất là khuẩn Salmonella có thể tăng trưởng khắp các bộ phận cơ thể như gan, lá lách,… thậm chí nhiễm vào máu gây bệnh bacteremia (vi khuẩn huyết).
Đó là lý do trong suốt thời gian mang thai, bà bầu không nên ăn rau mầm để bảo vệ sức khỏe của mình và bé yêu.
2. Bà bầu không nên ăn măng tươi
Dưới tác động của các enzym tiêu hóa, chất cyanide chứa rất nhiều trong măng tươi chuyển hóa nhanh chóng thành axit cyanhydric (HCN) rất độc hại với cơ thể. Cyanide gây ra tình trạng thiếu oxy tế bào bằng cách làm ngưng hoạt động các enzym sắt của warburgase hoặc cytocromoxydase. Vì thế, mẹ bầu nên loại măng tươi ra khỏi thực đơn của mình trong suốt thai kì. Ngoài ra, măng khô cũng không được khuyến khích sử dụng bởi quá trình chế biến không đảm bảo an toàn, lại có thể chứa nhiều chất bảo quản.
3. Củ dền
Thông thường, các loại thực phẩm màu đỏ thường chứa nhiều sắt, bổ máu, tốt cho thai phụ và em bé trong bụng. Tuy nhiên, với trường hợp củ dền thì dường như màu sắc của nó chẳng liên quan gì đến chuyện “giàu sắt” hay “bổ máu” cả. Thậm chí, loại củ này có thể gây oxy hóa máu, khiến hồng cầu mất khả năng vận chuyển oxy, từ đó gây ra tình trạng thiếu máu. Đó là lý do cả bà bầu và trẻ nhỏ đều không nên dùng nhiều củ dền trong thực đơn của mình.
4. Bà bầu không nên ăn củ sắn (còn gọi là khoai mì)
Sắn luộc, sắn hấp là món ăn vặt phổ biến và ngon lành mà các bà bầu hay nghĩ đến mỗi bữa phụ. Tuy nhiên, tương tự như măng tươi, củ sắn (khoai mì) có chứa rất nhiều axit cyanhydric (HCN) – rất độc đối với cơ thể; ăn củ sắn dễ gây rối loạn tiêu hóa hay thậm chí là ngộ độc. Do đó, các bà bầu không nên hạn chế ăn loại củ này. Đặc biệt, HCN có mặt nhiều hơn ở lớp vỏ đỏ và 2 đầu củ sắn nên khi chế biến cần lưu ý gọt thật sạch vỏ, ngâm nước ít nhất 1 tiếng và khi luộc/hấp nên mở vung nồi để các chất độc dễ bay hơi ra ngoài..
5. Củ gừng bị dập, héo
Gừng là loại gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn hàng ngày. Nhất là với các mẹ bầu ốm nghén thì vài lát gừng tươi, gừng nướng hay ly trà gừng, vài chiếc bánh quy gừng sẽ giúp cơn buồn nôn giảm đi đáng kể. Có điều, nếu không biết chọn lựa gừng kĩ càng thì đây lại là loại củ rất dễ gây hại cho mẹ bầu đấy!
Ở những củ gừng bị dập, héo dễ sinh ra shikimol – một hoạt chất có độc tính cao dễ gây ra sự biến đổi tế bào gan dù được hấp thụ chỉ với lượng rất nhỏ. Đáng ngại hơn, chỉ cần bị dập 1 phần thì shikimol cũng đã “có mặt” trong khắp củ gừng đó chứ không chỉ chứa trong phần dập nát, vì vậy mẹ bầu tuyệt đối không tiếc rẻ mà cắt phần dập đi, dùng tiếp phần gừng không dập nhé!
6. Pate, giò chả, xúc xích và các loại thịt nguội, thịt đông lạnh
Nếu không phải có nguồn gốc đảm bảo hay đồ tự làm, các loại thức ăn trên có thể không an toàn cho phụ nữ mang thai bởi lẽ, chúng dễ nhiễm vi khuẩn listeria – đây là loại khuẩn có thể gây sảy thai ở bà bầu và đáng ngại hơn, chúng vẫn có thể phát triển ở nhiệt độ lạnh. Hơn nữa, pate thì dễ làm từ các loại thịt hỏng, thừa; chúng cũng chứa quá nhiều muối và chất phụ gia không hề tốt cho sức khỏe chút nào. Vì vậy hãy hạn chế ăn pate, xúc xích,… trong suốt thai kì mẹ bầu nhé!
7. Các loại rau quả có thể gây co bóp tử cung
Mướp đắng (khổ qua), rau răm, rau ngót, chùm ngây, dứa, đu đủ, rau sam, ngải cứu, nha đam,… thông thường là những món ăn rất ngon, bổ nhưng mẹ lại cần tránh/không nên ăn nhiều trong suốt thời gian mang thai. Lý do là chúng có thể kích thích tử cung co bóp, gây chảy máu, sảy thai, lưu thai,… không hề an toàn cho em bé chút nào. Tất nhiên, nếu ăn với lượng ít thì có thể không ảnh hưởng gì, nhưng tốt nhất mẹ nên hạn chế và chờ đến khi sinh bé xong hãy ăn nhé!
8. Các lưu ý khác
Có thể mẹ nắm rất rõ những thực phẩm tốt khi mang thai, nhưng bà bầu không nên ăn gì thì rất nhiều mẹ vẫn “lơ mơ”. Vì thế, ngoài những thức ăn không được khuyên dùng như trên, bà bầu cũng cần tránh dùng nhiều caffein, rượu, bia, tránh hút thuốc (chủ động lẫn thụ động); không ăn nhiều muối (muối khiến cơ thể mẹ giữ nước, làm tăng huyết áp gây tiền sản giật), đường cũng không được khuyên dùng nhiều trong giai đoạn này. Mẹ cũng lưu ý rửa thật kĩ các loại trái cây, rau củ và thực phẩm trước khi chế biến, không ăn đồ chưa chín kĩ, đồ tái sống vì nguy cơ nhiễm khuẩn là rất cao.
Chúc các mẹ bầu ăn uống đảm bảo và khỏe mạnh suốt thai kì!