Bắc Bộ: Các làng nghề đều ô nhiễm, dân sinh bệnh

Ngày 8/3, Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời ông Phạm Thế Bảo, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường cho biết, tại các làng nghề ở Bắc Bộ, mức độ ô nhiễm môi trường đang gia tăng ở mức báo động.

Một khảo sát mới đây của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) và Bộ Khoa học Công nghệ cho thấy, 100% mẫu nước thải ở các làng nghề đều cho thông số ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép.

Khu vực Đồng bằng sông Hồng hiện có khoảng 700 làng nghề, chiếm tới gần một nửa số làng nghề của cả nước. Nước mặt, nước ngầm đều có dấu hiệu ô nhiễm, nhất là nước tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, dệt nhuộm. Hầu hết các làng nghề đều có quy mô sản xuất nhỏ, thủ công dạng hộ gia đình.

Riêng Hà Nội, khảo sát tại 40 xã cũng cho thấy khoảng 60% số xã bị ô nhiễm nặng từ các hoạt động sản xuất.

Ở các làng tái chế kim loại, khí độc không qua xử lý được thải trực tiếp vào không khí như ở làng nghề tái chế chì Đông Mai (Hưng Yên), nồng độ chì vượt quá 2.600 lần tiêu chuẩn cho phép. Nghề thuộc da, làm miến dong ở Hà Tây cũng thường xuyên thải ra các chất như bột, da, mỡ làm cho nước nhanh bị hôi thối, ô nhiễm nhiều dòng sông chảy qua làng nghề.

Xả nước thải vào nguồn nước (Ảnh: Monre.gov.vn)

Nhiều làng nghề còn gây ra tiếng ồn và bụi quá mức cho phép.

Tình hình trên đã ảnh hưởng không ít đến sức khỏe của người dân làng nghề.

Kết quả nghiên cứu của Viện Bảo hộ lao động gần đây cho thấy trong các làng nghề, tỷ lệ mắc bệnh nhiều nhất liên quan đến hô hấp như viêm họng chiếm 30,56%, viêm phế quản 25% hay đau dây thần kinh chiếm 9,72%.

Tại làng nghề tái chế chì Đông Mai, tỷ lệ người dân mắc bệnh về thần kinh chiếm khoảng 71%, bệnh về đường hô hấp chiếm khoảng 65,6% và bị chứng hồng cầu giảm chiếm 19,4%.

Còn tại làng nghề sản xuất rượu Vân Hà (Bắc Giang) tỷ lệ người mắc bệnh ngoài da là 68,5% và các bệnh về đường ruột là 58,8%.

Theo ông Phạm Thế Bảo, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề tại Đồng bằng Bắc Bộ, các địa phương cần gắn quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề với việc xử lý môi trường và chất thải mang tính tập trung. Đồng thời, tăng cường nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường và tăng cường chuyển giao công nghệ sản xuất tiên tiến, phù hợp với điều kiện từng địa phương.

* Liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường, trước đó, ngày 6/3, Thông tấn xã Việt Nam cũng đưa tin, Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn yêu cầu 6 địa phương gồm Hà Nội, Hòa Bình, Hà Tây, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và các bộ, ngành có liên quan thực hiện ngay các giải pháp bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương và các cơ quan chức năng sớm hoàn thành “Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy”, để trình Thủ tướng trước ngày 30/6;

Thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ các cơ sở xử lý triệt để ô nhiễm môi trường, sớm hoàn thiện và ban hành hệ thống tiêu chuẩn môi trường Việt Nam, trong đó có tiêu chuẩn chất thải xả vào các dòng sông.

Thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương sớm hoàn thành việc cải tạo và xây dựng mới hệ thống thoát nước mưa, nước thải sinh hoạt riêng cho các đô thị và khu dân cư quanh lưu vực hai sông trên, bảo đảm đến năm 2020 cơ bản xử lý ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt đô thị gây ra.

 

Theo TTXVN, VietNamNet