Bắc Cạn bảo tồn giống lúa nếp bản địa quý hiếm

0
129
Bắc Cạn bảo tồn giống lúa nếp bản địa quý hiếm

Tỉnh Bắc Cạn phục tráng thành công giống lúa nếp bản địa có nguồn gene quý hiếm có tên “Khẩu nua lếch”. Việc này đã góp phần bảo tồn những đặc điểm trội, nhân giống, cung cấp cho đồng bào dân tộc thiểu số thâm canh, tăng thu nhập.

“Khẩu nua lếch”giống lúa nếp bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số các xã phía bắc huyện Ngân Sơn, với đặc điểm nổi trội là hạt gạo to, đều, khi đồ xôi, gói bánh chưng rất dẻo, thơm ngon. Do đó, giá thành của loại gạo này thường cao gấp hai lần so với các loại gạo nếp thông thường và rất hiếm trên thị trường do bà con không có nhiều để bán. Muốn có loại gạo này vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều gia đình ở thị xã Bắc Cạn phải đặt trước.

Tuy nhiên, do canh tác theo phương pháp truyền thống, không được chọn lọc cẩn thận cho nên giống lúa này ngày càng bị thoái hoá, phân li ra quá nhiều dòng, không giữ được đặc điểm trội, nhiều sâu bệnh, năng suất chỉ khoảng 30 tạ/héc-ta.

Bắc Cạn bảo tồn giống lúa nếp bản địa quý hiếm
Ảnh: khcnbackan.gov.vn

Trước tình hình trên, từ năm 2012 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Cạn đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông – lâm nghiệp miền núi phía bắc nghiên cứu, phục tráng, phát triển giống lúa này.

Ban đầu, hai cơ quan nêu trên đã chọn hơn 400 dòng phân ly, lấy mẫu thóc phân tích các đặc điểm tiêu biểu của giống, lựa chọn 14 hộ ở xã Thượng Quan trực tiếp thực hiện trên diện tích 0,5 héc-ta phục tráng cá thể và hai héc-ta phục tráng quần thể với sự hướng dẫn, giám sát thường xuyên của cán bộ nghiên cứu.

Từ hơn 400 dòng phân ly, sang vụ thứ nhất chọn lựa hơn 200 dòng, vụ thứ hai chọn 18 dòng và đến vụ thứ ba chọn được bốn dòng ưu tú nhất mà cán bộ nghiên cứu gọi là siêu nguyên chủng. Từ đây nhân giống nguyên chủng để thâm canh trên diện rộng.

Sang vụ thứ tư, nông dân xã Thượng Quan cấy giống “Khẩu nua lếch” nguyên chủng trên diện tích hơn mười héc-ta. Kết quả, giống nguyên chủng sinh trưởng phát triển tốt, sạch bệnh, bông trỗ đều, năng suất tăng mười tạ/ héc-ta so với trước và giữ được những điểm trội, thơm, dẻo, giàu dinh dưỡng.

Tiến sĩ Đỗ Tuấn Khiên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Cạn cho biết, việc phục tráng thành công là yếu tố quyết định để bảo tồn, phát triển giống lúa nếp “Khấu nua lếch” ở địa phương.

“Tới đây, chúng tôi sẽ nghiên cứu, thử nghiệm cấy giống lúa này ra các huyện phía bắc của tỉnh cùng đặc điểm thổ những, khí hậu như ở xã Thượng Quan để nhân rộng, tạo vùng sản lúa này trở thành hàng hoá cho nông dân. Khi phát triển diện tích lúa Khẩu nua lếch từ 200 héc-ta trở lên, tỉnh sẽ phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông – lâm nghiệp miền núi phía bắc triển khai dự án xây dựng nhãn hiệu tập thể cho giống lúa Khẩu nua lếch nhằm tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương”, ông nói.

 

Theo Nhandan