Tôi chính thức theo nghề trợ lý được 3 năm. Đủ vui buồn và trải nghiệm với cái nghề này rồi nên nếu kể về nó thì tôi thấy bản thân mình đủ công tâm để nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan chứ không phải vì “yêu nên tốt mà ghét nên xấu”.
Trước đây, tôi học 4 năm đại học ở Việt Nam sau đó đi du học Cao học thêm 2 năm nữa ở nước ngoài theo ngành truyền thông. Sau khi tốt nghiệp đại học thì tôi muốn đi làm luôn nhưng theo ý kiến của bố mẹ nên tôi du học. Nhìn chung, sau 18 năm đi học thì CV của tôi là một màn trắng xóa, dù tôi có là thạc sỹ thì với những nhà tuyển dụng cần người có chuyên môn tôi vẫn chẳng là cái thá gì, cử nhân Việt Nam cứ không xin được việc là đi học cao học mà.
Về nước, tôi có đứa bạn thân làm sếp, muốn tôi trợ giúp cho nó trong công việc vì công việc của nó cần sự bảo mật cao nên nó chỉ tin tưởng người nhà, tôi cũng đang băn khoăn với cái CV trắng kinh nghiệm của mình nên gật đầu làm việc ở công ty nó để học hỏi và thêm kinh nghiệm làm việc với vị trí trợ lý giám đốc. Nghề trợ lý theo tôi từ khi đó.
Bạn bè với nhau thoải mái thật nhưng khi xác định làm việc thì tôi cũng hạn chế tới mức thấp nhất chuyện tình cảm vào công việc, thế nhưng đôi khi thấy nó cứ lên giọng ông chủ với mình là tôi lại bực, thậm chí có lần tôi còn mắng nó là trình độ thấp kém hơn tôi thì đừng tinh tướng. Sau lần đó tôi nhận ra mình sai và nó cũng vậy, nhưng cả hai đều hiểu là không thể tiếp tục công việc với nhau khi chuyện tình cảm cứ lẫn lộn thế này, tôi xin nghỉ và tìm việc ở nơi khác sau 5 tháng làm việc chung.
Sếp tôi lần này là một ông chủ tính tình kiêu ngạo không ai sánh bằng, cuộc đời tôi chưa bao giờ chứng kiến được cảnh ông chủ – nô lệ thời xưa thế nào thì giờ sếp tôi tái hiện cho tôi thấy rõ mồn một.
Sau khi phỏng vấn và thấy tôi khá nhanh nhẹn, lại có kinh nghiệm làm việc rồi, ngoại hình cũng sáng sủa nên sếp gật đầu. Hôm đầu đi làm việc tôi đã ăn ngay một vố phát sợ, nghĩ đến bây giờ vẫn không biết phải cư xử thế nào cho sếp hiểu ông là sếp chứ không phải cai ngục của tôi, tôi không phải nô lệ hay nô tì của ông!
Hôm ấy, tôi tháp tùng sếp lần đầu tiên đi tiệc, toàn người nổi tiếng ở đó, sếp quen tất, giao tiếp hào sảng, tôi cứ cun cút đi theo sau sách đồ, bảo gì làm nấy. Đang đứng sau thì sếp ra lệnh cho tôi với cái giọng rất khó chịu “đi vào xem mình ngồi ở bàn tiệc nào!”. Tôi “dạ” một tiếng bước đi thì sếp gọi giật lại “thái độ gì đấy? cúi đầu xuống mà dạ nghe chưa?” giữa bao nhiêu người ở đấy, sếp coi tôi như con sen con nụ nhà sếp, tôi ức chế không thể tả.
Nghĩ bụng chỉ muốn ném cái cặp sách của lão đi rồi về nhà khỏi làm việc nữa, nhưng bản thân mình lại đấu tranh chẳng lẽ chỉ vì một chuyện như thế mà đã bỏ việc thì sau này cứ có chuyện gì là bỏ việc mãi sao, thế nên tôi nhịn “em xin lỗi ạ!” tôi cúi đầu xuống 45 độ kính cẩn rồi đi vào tìm bàn.
Lát ngồi xuống bàn có rất nhiều ngôi sao ở đó, cũng là đối tác của công ty tôi. Cô ấy là phụ nữ nên tôi ưu tiên gắp đồ ăn cho cô ấy rồi mới gắp cho sếp. Miếng tôm chiên xù vừa đưa lên định cho vào bát sếp thì sếp gầm gừ nhìn tôi “Không ăn! Bỏ xuống!” khiến cả bàn ăn nhìn tôi như kẻ tội đồ. Ngày đầu tiên làm việc cho người lạ, ngày đầu tiên trong đời tôi biết thế nào là sự sỉ nhục, ngày đầu tiên tôi cũng học được chữ nhịn để không làm hỏng tất cả như công việc đầu tiên tôi làm.
Tất cả mọi công việc mà sếp giao, tôi có trách nhiệm truyền đạt, theo dõi và quản lý sát sao tất cả các bộ phận liên quan, làm thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất một cách nhanh nhất và rẻ nhất là yêu cầu từ sếp. Nếu kết quả thiếu một trong ba yếu tố (đặc biệt là rẻ) thì sếp không ngại ngần ném bút ném giấy và chửi tôi “ăn gì ngu thế?”.
Sự tức giận lên đến đỉnh điểm sau khi tôi thử việc được 2 tháng, tôi quyết định xin nghỉ thì sếp gọi tôi vào phòng làm việc hỏi rõ lý do rồi bảo sẽ tăng lương cho tôi thêm 10% nữa. Vì tiền, vì muốn có một việc làm cho bõ cái công 18 năm ăn bám cha mẹ nên tôi lại nhắm mắt làm trợ lý cho sếp.
Có những khi, sếp bỏ cái mặt chảnh chọe kia xuống, lộ nguyên hình là một kẻ đáng thương và chẳng tin được ai thì tôi cũng thấy tội, nhưng cứ nghĩ cái cách mà người có tiền, có quyền họ cư xử tệ bạc với cấp dưới là tôi lại mất hết cả tình thương đơn thuần với sếp. Mỗi lần tôi không thể chịu đựng được cái thói khinh người và coi tôi như nô tỳ là tôi xin nghỉ việc, bài ca tăng lương lại tiếp tục và tôi lại hèn nhát vì tiền mà để cho sếp hạ nhục không biết bao nhiêu lần!
Thấm thoắt 3 năm trôi qua, bao nhiêu chuyện buồn vui, tức giận, thậm chí ghi vào sổ thù vặt của riêng mình chuyện của tôi với sếp nhưng rốt cuộc tôi thấy bản thân mình trưởng thành hơn rất nhiều so với trước đây.
Nhiều sự việc rất trái khoáy mà tôi vẫn có thể nhịn được, áp lực công việc giờ chẳng là gì với tôi bởi vì riêng cái việc chịu đựng một ông sếp kinh khủng như sếp tôi là một việc mà không phải trợ lý nào cũng làm được. Công việc tôi cũng đã biết cách dĩ hòa vi quý giữa nhân viên và mệnh lệnh của sếp khi mình là người truyền đạt và đôn đốc.
Kể chuyện ra để làm gì? Không phải là để nói chuyện sếp tôi là một gã khó ưa, mà chỉ đơn giản là tôi nhận ra được nhiều bài học trong khi ra đời. Biết chữ nhẫn nhịn, biết sợ, biết đúng sai, chịu được áp lực cao, biết nghĩ đến mục đích cuối cùng mà mình muốn…đó là những bài học mà tôi đã rút ra sau 3 năm làm trợ lý cho sếp chảnh chọe, khó ưa! Cho đến giờ, nếu không làm việc cho sếp nữa thì tôi vẫn có thể làm công việc này với bất cứ vị sếp nào, bởi vì tôi chắc rằng chẳng có sếp nào có thể khó ưa như ông sếp của tôi đâu!
Hà Thanh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.